2015

Vẻ đẹp như viên ngọc xanh của Phuket

VnewsTravel - Chạy xe lòng vòng trên đảo Phuket, du khách có thể thả mình vào không gian thoáng đãng, tận hưởng vị biển nồng nàn và cảm nhận cơn gió mát lành chạm vào làn da.

Nằm ở phía nam, Phuket là đảo lớn nhất Thái Lan, nổi tiếng với hàng trăm đảo nhỏ, vô số đỉnh núi, vách đá, hang động. Trước đây, vùng này dựa vào khai thác quặng thiếc, nhưng hiện nay ngành du lịch là kinh tế chủ lực. 

Thời gian tốt nhất để du lịch là tháng 12 đến tháng 5. Lúc này khí hậu ôn hòa, gió mát mẻ, không quá nóng. Nhờ vậy, bạn có thể chiêm ngưỡng sắc xanh thẫm của biển, nắng vàng như mật hòa quyện với nhau, hệt như bức tranh thiên đường nơi hạ giới.

Ba bãi biển nổi tiếng nhất ở đây là Karon, Kata và Patong. Trong đó, Karon và Kata là hai nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng đẹp, không gian khá vắng vẻ. Patong là khu trung tâm sầm uất, tập trung nhiều khách sạn, siêu thị, quán cà phê... Nhờ vậy, lượng khách du lịch đổ về đông hơn.

Sau khi đặt chân đến, bạn có thể thuê một chiếc xe máy hoặc tuk tuk tới thăm những điểm đến nổi tiếng như chùa Chalong, mũi Promthep Cape, thị trấn cổ Phuket, tượng Phật trên đồi Nakkerd...

Ngoài ra, nơi này còn nhiều hoạt động khác để bạn tham gia như lặn biển, bóng chuyền bãi biển, lướt ván, chơi đùa cùng những đàn cá nhỏ hay đơn giản là nghỉ ngơi dưới những tán cây xanh mát.

Từ đây, bạn có thể thuê ca nô tới thăm đảo "hàng xóm" là Ko Khao Phing Kan. Đây là tên gọi chung của hai hòn đảo nằm liền kề bờ Tây Thái Lan. Nhiều người thường gọi đây là đảo Jame Bond vì từng là bối cảnh diễn ra bộ phim với nhân vật chính là chàng điệp viên 007. Đảo James Bond cũng sở hữu màu nước biển xanh ngắt, bãi cát trắng mịn giữa không gian yên bình. 

Một chiếc chuông gió làm từ vỏ ốc, sò địa phương là món quà lưu niệm bạn có thể mua tại Phuket.

6 thói quen khó ưa của du khách Trung Quốc

VnewsTravel - Những thói quen “đặc sắc” của người dân nước này tại những điểm du lịch khiến nhiều nước trên thế giới vô cùng khó chịu.

Có tiền nên ngạo mạn

Theo tờ Quảng Châu Nhật báo, du khách Trung Quốc lọt vào top những người tiêu tiền không tiếc tay, nhưng vì có tiền nên vô cùng ngạo mạn. Họ cho rằng, đi du lịch nước ngoài là để hưởng thụ, khách hàng phải là thượng đế, muốn làm gì thì làm, không cần quan tâm tới tâm trạng và yêu cầu của người khác.

Vì thế bạn có thể nhìn thấy cảnh người Trung Quốc đi dép lê, mặc quần áo ngủ đi lại khắp chốn trong khách sạn cao cấp; ăn mặc tùy tiện trong những chốn trang nghiêm, sang trọng; ăn ở nhà hàng cao cấp nhưng sau khi ăn xong còn lấy túi nilon để mang thức ăn thừa về làm đồ ăn đêm... Đây đều là những thói quen ảnh hưởng tới  hình ảnh con người và đất nước Trung Quốc.

Ảnh: hinews
Mặc cả khi mua hàng

Tại Trung Quốc, mặc cả khi mùa hàng được coi là chuyện đương nhiên. Khi du lịch nước ngoài, người dân cũng mang theo thói quen này người dân bản địa, đặc biệt ở những quốc gia thuộc khu vực Âu - Mỹ còn coi đó là hành vi thiếu lịch sự. “Mua nhiều đồ như vậy, lẽ nào không tặng kèm thêm mấy cái túi nilon à?” là cách tư duy phổ biến của du khách Trung Quốc khi đi mua hàng.

To tiếng nơi công cộng

Giành chỗ ngồi, chen lấn khi xếp hàng, nói to nơi công cộng là tác phong điển hình của du khách Trung Quốc. Với thói quen thích náo nhiệt, ở những chốn đông người, họ cũng rất ồn ào, không quan tâm tới cảm xúc của người khác, làm phiền tới người xung quanh.

Thái Lan ngán ngẩm hành động của du khách Trung Quốc
Du khách Trung Quốc đang gây mất thiện cảm với những người dân xứ Chùa vàng dù họ góp phần đáng kể giúp tăng doanh thu du lịch của Thái Lan.

Thiếu ý thức tôn trọng riêng tư của người khác
Đi du lịch nước ngoài, gặp những đứa trẻ phương Tây mắt xanh tóc vàng rất dễ thương, du khách Trung Quốc thường vồ vập chụp ảnh cùng mà không cần xin phép khiến cho người dân bản địa rất khó chịu.

Xả rác bừa bãi

Vứt rác bừa bãi là hành vi người nước ngoài rất ấn tượng với du khách Trung Quốc. Nhiều điểm du lịch ở Nhật Bản còn có riêng một tấm bảng ghi bằng chữ Trung Quốc để nhắc nhở: “Yêu cầu du khách Trung Quốc không vứt rác bừa bãi”. Thậm chí còn ngồi lên thành bồn cầu khi đi vệ sinh. Thực tế này khiến một số quốc gia bất đắc dĩ phải dán chiếc biển yêu cầu “Cấm giẫm chân lên bồn cầu”.

Bị cấm nhưng vẫn vi phạm

Tại rất nhiều điểm du lịch trên thế giới có đưa ra những yêu cầu rất cụ thể, như trong một số chùa đền không được chụp ảnh, không được hút thuốc, không xả rác bừa bãi.... Nhưng đa số du khách Trung Quốc không để ý tới những quy định này, vẫn ngang nhiên vi phạm.
Nguồn: zing

4 nỗi sợ về du lịch Việt trong mắt thầy giáo Tây

VnewsTravel - "Sau 5 năm sống ở Việt Nam, tôi hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp người nào bán giá đúng cho người nước ngoài", Jesse Peterson, giáo viên tiếng Anh người Canada chia sẻ.

Sợ khi được bán đúng giá

Trong một lần mới đến một đất nước nọ, tôi nhớ có một người chạy xe rất tốt bụng, ông ấy giúp đỡ tôi rất nhiều. Kèm theo một nụ cười thân thiện, ông ấy cho tôi một mức giá hợp lý, khoảng 20.000 đồng, khi tôi muốn đi từ khách sạn đến đại sứ quán. Ban đầu, tôi cảm thấy nghi ngờ vì đây là một mức giá khá rẻ. Trong khi chờ lấy visa, tôi ngồi ở một quán cà phê gần đại sứ quán. Một lúc sau, ông ấy quay lại. Vẫn nụ cười thân thiện đó, ông nói: “Anh quay lại sứ quán nhanh lên! 5 phút nữa là đóng cửa”.

Việc luôn bị hét giá cao quá nhiều khiến du khách khó tin khi được tính đúng giá. Ảnh: An Huỳnh.

Ngoài sự nhiệt tình thường thấy, ông ấy còn nói tiếng Anh rất lưu loát. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là tại sao ông ấy lại đối xử tốt với một người lạ như tôi - một người nước ngoài ông ấy mới chỉ quen có vài phút trước đó. Sau khi kịp lấy được visa, tôi đi tiếp với ông đến trạm xe khách. Tôi mua vé xong cũng khoảng 12h, ông lại tiếp tục hỏi: “Anh có đói không? Gần đây có một con đường có nhiều nhà hàng ngon lắm. Tôi cho anh đi miễn phí tới đó nhé, rất gần”.

Lại một lần nữa tôi cảm thấy nghi ngờ bởi lòng tốt của ông, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi đến nhà hàng theo sự chỉ dẫn. Tôi xuống xe, ông nói “good bye” kèm theo một nụ cười thân thiện quen thuộc rồi lái xe đi. Tôi cảm thấy rất vui khi gặp được một người xa lạ cư xử với tôi tốt như vậy, và ân hận tại sao trước đó mình không cư xử tử tế hơn với ông.

Đó là một câu chuyện có thật ở Campuchia. Tôi chỉ ở thủ đô Phnom Penh 4 ngày, nhưng tôi rất bất ngờ. Tại sao một đất nước nghèo hơn Việt Nam mà lại có được chất lượng phục vụ du khách tốt như thế?

Tôi đã sống ở Việt Nam 5 năm và vô tình hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp bất kỳ người nào bán giá đúng cho người nước ngoài như tôi.

Bạn đừng hiểu nhầm. Người Việt Nam rất tuyệt vời và thông minh. Khi tôi đi uống cà phê hay đi ăn uống với bạn bè người Việt, họ rất thân thiện và hiếu khách. Nhưng ngược lại, tôi rất sợ khi làm khách hàng của người Việt Nam, đặc biệt là khi làm khách du lịch. Tôi đã dừng chân tại nhiều khách sạn khi công tác hay đi phượt ở Việt Nam. Trong suốt quá trình ra Bắc vào Nam, tôi thấy một vài lần giá phòng cho người nước ngoài và người Việt có sự chênh lệch đến khó hiểu.

Khi ở Hà Nội, có lần xe máy tôi bị hỏng vào buổi tối, tôi phải đi tìm một phòng khách sạn nghỉ qua đêm. Lễ tân khách sạn nói: "Sếp em nói giá cho người nước ngoài là 500.000 đồng. Giá cho người Việt Nam chỉ 300.000 đồng".

Có những bằng chứng khác cho thấy nhiều người Việt bán hàng với giá cắt cổ cho người nước ngoài: giá vé vào cửa thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp) là 30.000 đồng cho người Việt, 50.000 đồng cho người nước ngoài và họ không cho biết lý do vì sao có sự chênh lệch mức giá như vậy. Sắp tới, ở Đà Nẵng có một cuộc chạy đua marathon có hai giá online, 2,3 triệu đồng cho người nước ngoài và 1.470.000 đồng cho người Việt Nam... Và còn vô vàn ví dụ khác nữa mà cả bạn, cả tôi đều biết nhưng không rõ nguyên nhân vì sao.

Đôi khi, tôi vẫn gặp được những người bán đúng giá. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của chú chủ nhà lúc tôi công tác ở Hà Nội. Chú bảo: “Không được bán giá cao cho  khách này và bán giá thấp cho khách kia. Như thế sẽ mất khách hàng, mất uy tín”.

Phát sợ ăn xin
Sài Gòn sẽ đẹp hơn  nếu không có ăn xin hay những người bán hàng rong luôn nài ép du khách. Ảnh: Asiaglobaltravel.

Bùi Viện là một khu phố Tây rất nổi tiếng ở TP HCM, nhưng giờ đây tôi không dám đến đó nữa, vì người ăn xin làm phiền tôi liên tục. Ở Sài Gòn, khi bạn từ chối mua một thứ gì đó từ một người bán hàng rong, họ vẫn tiếp tục nài nỉ đến khi bạn phải mua mới thôi. Người nước ngoài rất ghét điều này.

Khác với TP HCM, ở Hà Nội, nếu tôi từ chối không mua, họ sẽ đi ngay. Còn ở Đà Nẵng tôi chưa thấy người ăn xin bao giờ. Những người ăn xin muốn xin tiền nhiều hơn. Họ có rất nhiều tiền từ việc đi đó mà không phải lao động. Đó là chưa kể đến việc một số kẻ lợi dụng trẻ em, người già đi ăn xin để kiếm tiền.

Tôi từng đọc qua bài báo nói về một số khu vực xung quanh Dinh Độc lập, nhà thờ Đức Bà, nơi có nhiều người nước ngoài qua lại thường xuyên có những người gánh dừa đi bán dạo, những người này hoạt động có tổ chức chuyên “chặt chém” những người nước ngoài, bình thường giá một trái dừa là cỡ 10.000-15.000 đồng nhưng họ lại bán cho người nước ngoài với giá 100.000-200.000 đồng. Tùy vào thái độ người nước ngoài mà họ “chặt chém” nhiều hay ít, thậm chí cài khách hàng vào nhiều tình huống buộc họ phải chi ra một số tiền khá lớn, chẳng khác gì “cướp giữa ban ngày”.

“Tiếng xấu đồn xa”, nếu tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng này, có lẽ những du khách đến Việt Nam một lần sẽ không quay lại lần hai, và đương nhiên bạn bè họ cũng sẽ không chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch.

Cắm trại cũng bị làm phiền

Điều tôi thích nhất ở Việt Nam hiện giờ là đi phượt. Tôi từng chạy xe máy từ Cà Mau đến Lạng Sơn.

Jesse Peterson trong một chuyến du lịch bụi ở Việt Nam.
Người nước ngoài rất thích những hoạt động ngoài trời như cắm trại, tham quan, hay “phượt”. Nhưng ở Việt Nam, rất khó để tổ chức các hoạt động như thế, vì ở đâu cũng có người sinh sống.

Tại sao tôi lại nói thế? Đơn giản vì có lần, tôi quyết định cắm trại ở núi Nghi Lộ, gần Yên Bái. Trong suốt một tuần sống trong rừng, tôi đã phải khổ sở tìm một chỗ đúng với nghĩa là “không có người”.

Nếu Việt Nam phát triển được các hoạt động du lịch gắn liền với môi trường tự nhiên như cắm trại, đi bộ, leo núi... sẽ rất thu hút người nước ngoài. Quan trọng là phải cấm các hoạt động của những người buôn bán tự phát, bán vé số, xin tiền... Những hoạt động đó gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm người nước ngoài thấy khó chịu.

Xe chạy kiểu xe to bắt nạt xe nhỏ

Một vấn đề khác mà có lẽ ai cũng biết khi đi du lịch ở Việt Nam: giao thông. Giao thông ở đây rất nguy hiểm, có nhiều xe khách, xe tải chạy rất nhanh, chèn ép, lấn tuyến những xe nhỏ hơn… Nên có luật xử phạt nghiêm khắc hơn nếu họ vi phạm nhiều lần.

Giao thông tại các đô thị ở Việt Nam cũng là một vấn đề lớn. Tại TP HCM, ở khu trung tâm có rất nhiều khu công trình lịch sử thu hút du khách. Du khách đi bộ thăm quan là chủ yếu. Nhưng có một lượng lớnxe máy chạy qua các con đường trong khu vực rất nhanh và ẩu. Họ không nhường đường hay để ý đến người đi bộ, giống như tâm lý xe lớn” bắt nạt “xe nhỏ” mà tôi đã kể ở trên. Bạn bè tôi thậm chí không dám đi bộ băng qua đường tại các vạch kẻ đường. Những tình huống như thế khiến tôi và những du khách nước ngoài cảm thấy không an toàn khi đi du lịch ở Việt Nam.

Tất cả những vấn đề trên đều có thể được giải quyết nếu mọi người có ý thức và quyết tâm làm. Bản thân tôi cũng hy vọng một ngày không xa sẽ có một chuyến đi dã ngoại an toàn, thú vị tại một nơi có phong cảnh đẹp ở Việt Nam mà không gặp phải những vấn đề trên. Trong tương lai, viễn cảnh du lịch Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn trong con mắt bạn bè quốc tế.
Nguồn: zing

Sinh viên dạo phố ngày Du lịch Việt Nam

VnewsTravel - Trong trang phục màu trắng, đoàn diễu hành lần lượt đạp xe qua các con phố Quán Sứ, Thanh Niên... để đưa thông điệp "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" tới người dân thủ đô.

Sáng 7/7, Lễ diễu hành của khoảng 200 sinh viên Viện Đại học mở Hà Nội tham gia lễ diễu hành kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2015) được tổ chức tại thủ đô.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ sáng sớm, các nhóm sinh viên tập trung tại khu vực tập kết để sắp xếp đội hình, chỉnh sửa lại trang phục.

Sau lễ khai mạc, đúng 7h đoàn bắt đầu khởi hành từ Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô. Tất cả đều sẵn sàng để chương trình diễn ra thành công nhất.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hoạt động này là dịp để ôn lại truyền thống 55 phát triển của ngành, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước với các học sinh, sinh viên.

Bạn Vũ Văn Trí (ngoài cùng bên trái), đại diện nhóm sinh viên khoa Du lịch cho biết đây là lần đầu tiên nhóm tham gia một sự kiện của ngành và trải nghiệm cùng bạn bè, đạp xe qua các con phố Hà Nội. "Em nghĩ, cá nhân mình có thể là yếu tố giúp quảng bá thêm nữa về du lịch Việt Nam với người dân thủ đô và du khách quốc tế", Trí chia sẻ.

Mang theo khẩu hiệu "Người Việt Nam du lịch Việt Nam", đoàn lần lượt diễu hành theo hai nhánh gồm Quán Sứ, Thanh Niên, Phan Đình Phùng... và Trần Hưng Đạo, phố Huế, Hàng Bài...

Sau hoạt động diễu hành, đạp xe qua các con phố, nhiều sự kiện khác cũng được tổ chức như trao tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam, hội thảo Giải pháp phát triển du lịch...
Nguồn: vnexpress

Những thắc mắc của du khách khi tới Hy Lạp thời khủng hoảng

VnewsTravel - Đến đây có an toàn không, phà vẫn hoạt động chứ hay người dân sẽ có thái độ thế nào là những câu hỏi mà nhiều du khách thắc mắc khi đến Hy Lạp thời gian này.

Dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc của du khách về chuyến nghỉ ở Hy Lạp trong thời điểm hiện tại.

Tôi có nên đi không?

Một kỳ nghỉ đến Hy Lạp thời gian này sẽ khá bất tiện, đặc biệt là liên quan đến các giao dịch tài chính. Bạn có thể phải chờ đợi hàng dài trước cây ATM để rút tiền. Hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế còn dẫn đến việc thiếu hụt nhiên liệu và nguồn lương thực.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc một chuyến du lịch đến đây bởi giá đặt phòng tại các khách sạn hiện đang giảm và có mức rẻ, trong khi lại không bị tình trạng đông đúc. Cuộc khủng hoảng cũng làm giảm sức mạnh của đồng euro, điều đó đồng nghĩa với việc du khách ngoài châu Âu sẽ được hưởng mức giá rẻ hơn.

Du khách có thể cân nhắc cho quyết định đến Hy Lạp thời gian này. Ảnh: CNN
Tôi nên mang theo tiền mặt không?

Câu trả lời là có và bạn nên mang theo càng nhiều tiền mặt càng tốt. Các ngân hàng ở đây vẫn đóng cửa và giới hạn số tiền rút tại ATM đối với khách hàng là người Hy Lạp. Điều này không áp dụng với các chủ tài khoản nước ngoài nhưng việc mọi người đổ xô đi rút tiền cùng hàng dài chờ đợi trước máy ATM tất yếu dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt.

Ở hầu hết mọi nơi, thẻ tín dụng vẫn có thể sử dụng nhưng với tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" của các ngân hàng hiện nay thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Do đó nhiều chuyên gia du lịch tư vấn khách nên mang theo tiền mặt để chi trả toàn bộ chuyến đi. 

Các công ty du lịch có lên phương án dự phòng?

Sophia Antoniadou, đồng sáng lập tour khám phá văn hóa Hy Lạp có trụ sở tại Athens cho biết các công ty lữ hành đã không lường trước được những tình huống khẩn cấp và tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ không ảnh hưởng đến ngành du lịch, ít nhất là trong mùa hè này.

Điều đó cho thấy du khách nên mua các gói bảo hiểm du lịch tốt để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị mắc kẹt.

Có bất kỳ mối nguy hại nào khi thẻ tín dụng không còn hoạt động?

Với ngân hàng Hy Lạp, sử dụng thẻ tín dụng là một sự mạo hiểm. Nếu chúng vẫn có hiệu lực, rất có thể các khách sạn và nhà hàng nhỏ sẽ yêu cầu bạn chuyển đổi sang tiền mặt.

Nếu Hy Lạp rút khỏi châu Âu, đồng euro vẫn có giá trị ở đây chứ?

Panagiotis Zarifis, giám đốc đầu tư và ngân hàng có trụ sở ở Athens cho biết nếu điều này xảy ra, tiền tệ Hy Lạp có thể trở về đồng drachma, đô la Mỹ và đồng euro vẫn được chấp nhận.

Hy Lạp có an toàn không?

Một vài cuộc biểu tình xảy ra kể từ khi Hy Lạp gặp khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, Georgina Tzevelekou, cư dân Athens cho biết Hy Lạp là đất nước yên tĩnh, thanh bình và mọi người vẫn hiếu khách hơn bao giờ hết. "Tất nhiên, người Hy Lạp đang lo lắng về những điều có thể xảy ra, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng hoặc gây bất kỳ tổn hại cho các du khách khi ở đây".

Tzevelekou chỉ ra rằng ngay cả khi Athens hay nhiều thành phố lớn khác trở thành tâm điểm của cuộc biểu tình, nó cũng không lan đến những khu nghỉ mát trên các đảo của Hy Lạp.

Phà vẫn hoạt động chứ?

Phà là một trong những phương tiện di chuyển quan trọng đưa khách ra các đảo nghỉ mát. Do đó nhiều du khách lo ngại chuyến đi sẽ phải hủy do phương tiện này ngừng hoạt động vì Hy Lạp vỡ nỡ.

"Không có dấu hiệu cho thấy phà sẽ ngừng hoạt động", Stephanie Anastasiou, người đứng đầu Ask2Travel Group, Yachts-sailing.com và hệ thống đặt phòng Entrada Central nói.

Doanh nghiệp du lịch là các công ty tư nhân, do đó sẽ không ngừng hoạt động khi vẫn có khách hàng. Cô nói: "Các doanh nghiệp này đã được chứng minh là hoàn toàn có thể hoạt động ngay cả trong thời điểm khó khăn hơn nhiều".

Có bị thiếu lương thực không?

Nhiều báo cáo cho biết nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men cơ bản đã cạn kiệt tại Athens và một số hòn đảo du lịch nổi tiếng do các đơn vị nhập khẩu phải vật lộn để chi trả các hóa đơn. Nhưng một số khác lại cho rằng nhiều cửa hàng vẫn đầy kho.

Theo Theodore Agiostratitis, Giám đốc điều hành khách sạn cao cấp Margi, các điểm đến du lịch đều được chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ nghỉ mùa hè. Ông nói: "Du lịch rất quan trọng đối với Hy Lạp. Ngay cả khi điều tồi tệ nhất xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và các hoạt động sau nhiều tháng tháng chứ không chỉ trong ngày một ngày hai".

Du khách có được chào đón ở Hy Lạp không?

"Người Hy Lạp nổi tiếng với lòng hiếu khách và chúng tôi tự hào về điều đó", Yorgos Geniatakis, tổng giám đốc của Minos Imperial Luxury Beach Resort ở Crete chia sẻ. Ông cho biết đó là một phần trong văn hóa ở nơi đây, hơn nữa Hy Lạp phụ thuộc vào du lịch, vì vậy du khách sẽ luôn được chào đón.
Nguồn: vnexpress

Những thác nước đẹp nổi tiếng nhất Việt Nam

VnewsTravel - Bản Giốc, Đray Nur, Cam Ly... đều gắn với những truyền thuyết tuyệt đẹp và đều mê hoặc du khách bởi vẻ hùng vĩ, hoang sơ.

1. Thác Bản Giốc cách thị xã Cao Bằng 89 km, nằm ngay trên đường biên giới giữa Việt  -Trung. Đây là ngọn thác hùng vĩ nhất Việt Nam. Ảnh: Vietnamvisaonentry.

2. Thác Tác Tình (Sơn La) có độ cao khoảng 130 m, chân thác rộng chừng 40 m. Hồ nước dưới chân thác rộng chừng 200 m2. Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình, du khách còn được người dân địa phương kể về mối tình son sắc của đôi trai gái đã tạo nên ngọn thác này. Ảnh: Govietnamtour.

3. Thác Yang Bay cách TP. Nha Trang khoảng 45 km. Thác tọa lạc giữa một thung lũng và có cao 100 m so với mực nước biển. Đây là điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn học sinh, sinh viên địa phương cũng là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến thành phố này. Ảnh: Vietnamcheapgrouptour.

4. Thác Cam Ly nằm trên dòng suối Cẩm Lệ, cách trung tâm TP Đà Lạt 3 km. Hiện nay do không được bảo tồn và khai thác đúng mức, thác Camly đang dần đánh mất vị trí nổi tiếng nhất nhì thành phố hoa. Ảnh: Aprotravel.

5. Thác Preen nằm ngay dưới chân đèo cùng tên thuộc TP Đà Lạt. Có ba cách để bạn cảm nhận dòng thác này là ngắm nhìn từ xa; chui vào lòng thác và đi tuyến cáp treo dọc thác. Ảnh: Worldtravelserver.

6. Thác Pongour hay thác Bảy Tầng, cách TP Đà Lạt khoảng 50 km. Thác cao 40m, trải dài 7 tầng và rộng gần 100m. Pongour là thác nước duy nhất của Lâm Đồng tổ chức ngày hội hằng năm vào rằm tháng Giêng. Ảnh: Thousandwonders.

7. Thác Datanla cách trung tâm TP Đà Lạt 10 km, dòng nước trong vắt, mát lạnh chảy qua rất nhiều tầng núi đá rồi dội thẳng xuống. Đến Datanla, ngoài ngắm cảnh bạn còn có có hội tham gia nhiều trò chơi mạo hiển thú vị như trèo thác, vượt thác… Ảnh: Aprotravel.

8. Thác Thủy Tiên hay còn gọi là Thác Ba Tầng nằm ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đăk Lăk. Đây là một ngọn thác đẹp nằm giữa núi rừng. Điểm nhấn của thác là vô vàn tảng đá nhiều hình dáng và những tán rễ cây đan vào nhau. Ảnh: Panoramio.

9. Thác Đray nur (Đăk Nông) có chiều dài 250 m, độ cao trên 30 m, tạo nên khung cảnh hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên. Đến đây, ngoài ngắm thác, du khách còn tìm được những cảm giác mạnh khi chui vào hang đá bên trong lòng thác, đi cầu treo… Ảnh: Mapio.

10. Thác Đray Sap hay thác Chồng, thác Khói cao khoảng 50 m, trải gần 100 m. Cùng với Đray nur, thác Đray sap tạo nên một cảnh quan du lịch hấp dẫn nhiều khách du lịch đến với Đăk Lăk. Ảnh: Antematters.

11. Thác Trinh Nữ cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 25 km về phía tây nam. Theo lời kể của người dân, cái tên Trinh Nữ của ngọn tháp bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động và khá buồn về một người con gái chung thủy. Ảnh: Antematters.

12. Thác Dambri, tiếng K’ho nghĩa là "đợi chờ" là thác nước đẹp, cao nhất Lâm Đồng. Thác cách TP Bảo Lộc khoảng 17 km. Dòng nước đổ xuống từ độ cao 90 m tạo thành một khung cảnh hùng vĩ,  hoang sơ. Ảnh: Lifeswanderlust.

13. Thác Giang Điền (Đồng Nai) là một trong những thác nước đẹp của miền Đông Nam Bộ. Không sở hữu chiều cao hùng vĩ, Giang Điền chiều lòng người với màu xanh của cỏ, nước, bầu trời; nét hiền hòa của những dòng suối uốn lượn, niềm vui của việc ngập lặn trong dòng nước. Ảnh: Panoramio.
Nguồn: zing

Nham Bắc Giang - món ăn quen thuộc của dân địa phương

VnewsTravel - Với các nguyên liệu đa dạng như trám đen, cá chép, thịt ba chỉ, rau thơm... món nham đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng Hiệp Hòa, Bắc Giang. 

Với những người dân xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nham đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình đoàn tụ. Món này cũng đã được đưa vào thực đơn khai vị trong các nhà hàng tỉnh Bắc Giang. 

Cách làm nham cũng giống như món gỏi của người miền Nam. Nguyên liệu bao gồm trám đen, thịt ba chỉ, cá chép, rau thơm, khế chua, lạc rang, rau húng... Ngoài ra còn có hành tiêu, chanh, ớt và một số gia vị khác. 

Món nham ngon, đặc biệt nhờ hương vị trám thơm, bùi, ngậy. Đây là một đặc sản của người làng Vân Xuyên. Ở trong làng, có nhiều cây trám cổ thụ, thường ra quả vào tháng 7 và quả chín có vỏ màu đen bóng. 

Hương vị nham dân dã của người dân xã Hoàng Vân. Ảnh: GO
Khi chế biến nham, người đầu bếp sẽ tách vỏ trám, lấy cùi rồi thái nhỏ. Loại thịt lợn ăn cũng phải chọn thịt ba chỉ tươi, vừa có nạc, vừa có mỡ. Có như vậy món ăn mới không bị khô hay quá nhiều mỡ.

Thịt đem bóp muối, rửa sạch rồi để ráo, cho thêm nước mắm, bột ngọt và chờ thấm gia vị trong khoảng 1 giờ. Tiếp đó, mang thịt đi hấp chín, để nguội rồi thái chỉ. Nhiều người còn biến tấu bằng cách đem đi áp chảo cũng khá hấp dẫn, thịt lúc này chín vàng, bắt mắt. 

Riêng phần cá chép sẽ được đem đi rán giòn, nhẹ nhàng gỡ bỏ xương. Tất cả các nguyên liệu sau đó được trộn cùng với rau thơm, khế chua xắt mỏng, nêm chút mắm, muối, bột ngọt, đường cho vừa miệng.

Để món nham thêm dậy vị, người ta còn phi hành vàng để trộn chung với các nguyên liệu có sẵn. 

Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, người đầu bếp sẽ trút nham ra đĩa, rắc thêm lạc rang giã nhỏ lên trên. Khi ăn, bạn có thể dùng kèm với chén nước tương, cảm nhận được vị mặn, chua, ngọt đậm đà không lẫn với những món khác. Bạn có thể thử món này trong các nhà hàng ở huyện Hiệp Hòa hoặc ở các khu chợ quê. 

Hàn Quốc miễn phí tham quan các cung điện nổi tiếng

VnewsTravel - Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc vừa thông báo mở cửa miễn phí cho du khách tham quan tất cả các cung điện ở Seoul trong tháng 7.

Theo Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch phát triển trong bối cảnh dịch MERS hoành hành, thủ đô Seoul sẽ mở cửa miễn phí cho du khách tham quan tất cả cung điện, đền thờ, chùa…

Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul. Ảnh: lexiskorea.
Các địa chỉ mở cửa miễn phí cho du khách tham quan bao gồm cung điện Gyeongbokgung, Changdeokgung, Changgyeonggung và Deoksugung. Ngoài ra danh sách miễn vé có thêm khu lăng mộ hoàng gia của triều Joseon và miếu thờ Jongmyo.

Ngày thường, mức vé thăm mỗi cung điện này dao động từ 1.000 đến 3.000 won (tương đương 0,9 – 2,6 USD).
Nguồn: vnexpress

Du ngoạn quần đảo Hải Tặc với khoảng 1 triệu đồng

VnewsTravel - Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc khiến Hải Tặc (Kiên Giang) trở thành điểm đến lý tưởng của những người ham khám phá, mạo hiểm.

1. Di chuyển
TP HCM đến Hà Tiên: Hà Tiên cách Sài Gòn khoảng 350 km, đi xe khoảng 7-8 giờ. Bạn có thể đi bằng xe khách, ô tô hay xe máy. Xe khách: mua vé xe các hãng như Kumho, Phương Trang... Giá vé 170.000-200.000 đồng một người.

Nếu di chuyển bằng ô tô riêng hay xe máy, bạn có thể đi theo hai cung đường sau:

Cung 1: Từ TP HCM chạy quốc lộ 1 về miền Tây. Qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc. Tiếp đó qua phà Vàm Cống sang Long Xuyên, An Giang, rồi chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Từ đây đi dọc theo kênh Vĩnh Tế để về Hà Tiên.

Cung 2: Từ TP HCM đi theo quốc lộ 1, đến địa phận Long An rẽ phải theo quốc lộ 62 (hướng đi cửa khẩu Bình Hiệp, Mộc Hóa). Sau đó, chạy dọc đường sát biên giới Việt Nam - Campuchia để đi Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc, Hà Tiên.

Di chuyển từ Hà Tiên ra đảo: Mua vé tàu lại bến Hà Tiên để đi đảo Hải Tặc. Mỗi ngày có 2 chuyến khởi hành lúc 9h, 14h và 2 chuyến ngược lại về lúc 9h, 15h. Giá vé từ 40.000-50.000 đồng một người. Nếu mang thêm xe máy, bạn sẽ trả thêm 30.000 đồng một chiếc. Thời gian di chuyển trên tàu khoảng 1,5 giờ, cập bến Bãi Nam, đảo Hải Tặc.

Di chuyển trên đảo: Bạn có thể mang xe máy lên đảo để tự do đi lại khám phá. Nếu không, bạn có thể thuê xe ôm đi dạo một vòng quanh đảo hay thuê xe máy theo buổi hay ngày.
Đừng quên kết hợp với nhiều du khách khác để thuê thuyền nhỏ đi một vòng các đảo. Giá cho chuyến đi khoảng 300.000-400.000 đồng. Một thuyền chở khoảng 8-10 người.

2. Lưu trú: Hiện nay đảo chưa có nhà nghỉ, khách sạn. Bạn có thể xin ngủ nhờ nhà dân, cắm trại hay thuê phòng trọ do người dân xây dựng với giá 50.000 đồng một người. Điện cắt vào khoảng 21h đến sáng, nêu nếu muốn cắm trại, bạn nên trang bị đủ dụng cụ chiếu sáng.

3. Ăn uống: Hải sản rẻ. Bạn có thể mua, nhờ người dân chế biến. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia lặn bắt - đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của chuyến đi. Ngoài ra, bạn có thể ăn cơm và các món khác ở hàng quán cạnh bãi biển.

4. Mua về làm quà: Nếu có đồ bảo quản tốt, bạn có thể mua các loại hải sản tươi về làm quà. Nếu không, hải sản khô sẽ tiện cho việc di chuyển hơn.

5. Tham quan: Bên cạnh tắm biển, thưởng thức hải sản, chụp hình khung cảnh, đi xe máy trên con đường duy nhất của đảo (dài khoảng 5 km). Bạn có thể thuê kính để lặn biển ngắm san hô gần bờ, lặn bắt hải sản, tới bia chủ quyền quốc gia khắc đủ tên 16 đảo thuộc quần đảo

6. Nên mang theo: Kem chống nắng, áo khoác, mũ, các loại thuốc trị bệnh thường gặp, bikini. Lều, túi ngủ, mền, dụng cụ nấu nướng. Chi phí dự tính chuyến đi 2 ngày 1 đêm cho 2 người khoảng 1,2 triệu đồng.
Nguồn: zing

5 bãi biển tuyệt đẹp ít người biết ở Quảng Ngãi

VnewsTravel - Khi lượng du khách đến Lý Sơn càng nhiều, người ta càng phát hiện Quảng Ngãi ngoài đặc sản trứ danh còn sở hữu những bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp.

Biển Dung Quất: Nhắc đến Dung Quất, du khách thường nhớ đến cảng, nhà máy lọc dầu và thành phố trẻ Vạn Tường, mà quên rằng nơi đây còn có vụng Nho Na tuyệt đẹp - làn nước trong vắt uốn mình bên những đụn cát trắng.
Ngoài tắm biển, phơi nắng, ngắm mặt trời mọc và lặn, đến đây, bạn đừng quên thưởng thức những món hải sản tươi ngon hay các món ngon từ dông.

Biển Sa Huỳnh có tên là Sa Hoàng (cát vàng), song do trùng với tên vua Nguyễn Hoàng nên đọc thành Sa Huỳnh. Biển nằm trên trục đường Bắc - Nam, có trạm dừng nên rất tiện trở thành điểm đến của du khách mọi miền. Ảnh: Panoramio.

Đến Sa Huỳnh, ngoài tắm biển, bạn có thể ghé thăm các thắng cảnh khác như ghềnh đá Châu Me, đảo Khỉ, khu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh. Đừng quên mua mắm nhum hay cua Huỳnh Đế để thưởng thức và làm quà. Ảnh: Panoramio.

Biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B, cách thị xã Quảng Ngãi 15 km, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ảnh: Lam Hồng.

Biển Mỹ Khê gây ấn tượng mạnh với khách du lịch bằng vẻ yên tĩnh, thanh bình của một bờ biển trong xanh được che chắn bởi rừng dương xanh thẳm và cung biển uốn lưỡi liềm. Sau khi nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản, bạn còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Ảnh: Lam Hồng.

Biển Khe Hai hay còn gọi là biển Thiên Đàng thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Nơi đây có bãi cát trắng mịn, rặng phi lao ngút ngàn song hành với bờ biển xanh. Phía tây có dãy Bàn Than chạy dài từ bờ, rồi lấn sâu ra biển tạo thành một nửa vòng cung. Phía đông có hòn núi nhô lên gọi là Hòn Ông. Với hai địa danh này, du khách có thể lên thuyền đến Hòn Trà, Hòn Ông khám phá những hang động kỳ thú, hoặc men theo bãi đá ngầm bắt ốc đụn, khảy hàu. Ảnh: Anh Sơn/Yesgo.

Ngoài trải nghiệm những dịch vụ của du lịch biển, bạn còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập 10.000 cổ vật của khu bảo tàng tư nhân ở ven biển này. Ảnh: Lam Anh/Tinhnhanh.

Biển trên đảo Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đảo đã và đang làm say lòng hàng nghìn du  khách với vẻ đẹp của nàng tiên còn say ngủ. Ảnh: Chikito Hoàng.

Ngoài các bãi tắm đẹp, Lý Sơn còn ghi dấu với du khách với hình ảnh chùa Hang 300 tuổi; chùa Đục nằm dưới chân miệng núi lửa; những kiến trúc cổ độc đáo ở đền thờ Lăng Chánh, đình An Hải, đền thờ Cá Ông, dinh Tam Hòa... Màu xanh của nước, của trời, của những ruộng tỏi bạt ngàn cùng những món hải sản, đặc sản đầy màu sắc, hương vị. Ảnh: Chikito Hoàng.
Nguồn: zing

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC