VnewsTravel - Bạn không nên bỏ lỡ những điểm tham quan khi có một chuyến Du lịch đến Tp Phan Thiết.
1. Trường Dục Thanh – Bảo tàng HCM chi nhánh Bình Thuận
Trường Dục Thanh
Tọa lạc: 39 Trương Nhị, Tp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vé tham quan : Miễn phí (có hướng dẫn viên thuyết minh tại điểm)
Trường Dục Thanh (viết tắt “Giáo dục Thanh Niên”) nằm bên sông Cà Ty của thành phố Phan Thiết.
Đây được xem là ngôi trường có nền giáo dục tiên tiến lúc bấy giờ do một số sĩ phu yêu nước lập ra, tiêu biểu là nhà thơ Nguyễn Thông cùng 2 người con là Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh.
Đây cũng là nơi mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dừng chân để day học trên con đường đi tìm đường cứu nước năm 1911.
Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận
Giá vé tham quan: Miễn phí
Thành lập: 19/5/1986, nhân kỷ niệm 96 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tọa lạc: thị xã Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty, đối diện trường Dục Thanh. Là tổng thể các công trình lịch sử, văn hóa gồm: trường Dục Thanh, nhà bảo tàng Hồ Chí Minh và tượng đài về Người.
Đây là trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền về Hồ Chủ tịch ở miền cực Nam Trung Bộ và là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Thuận.
Gồm phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu về tiểu sử sự nghiệp của Bác.
2. Dinh Vạn Thủy Tú
Tọa lạc: Đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, Tp. Phan Thiết
Giá vé tham quan: 3.000/trẻ em, 5.000/người lớn (có thuyết minh viên tại điểm)
Dinh Vạn Thủy Tú là một trong những Dinh Vạn lớn nhất và cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. (“Thủy” là nước, “Tú” là màu mỡ nhiểu sản vật; ý nói lên vùng biển Phan Thiết trù phú, đẹp giàu)
Nơi đây có trưng bày bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (dài 22 m, nặng 65 tấn)
Cá Ông tên khoa học là cá voi lưng xám, theo tín ngưỡng thờ cá Voi của cư dân làng chài, Ông được tôn làm Ông Nam Hải hay Nam Hải đại tướng quân. Khi trời giông bão, Ông thường tựa vào thuyền, che chắn cho thuyền không bị sóng nhấn chìm. Khi Ông lụy (chết) người dân làm tang lễ và thờ tự ở Dinh. Thể hiện niềm tôn kính ngư ông cũng như niềm tin vào sự phò trợ của Ông Nam Hải, lịch sử hình thành Vạn Thủy Tú gắn liền với lịch sử hình thành thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận của lớp ngư dân đầu tiên vào khai phá.
Hằng năm tại Dinh đều diễn ra 5 ký tế lễ: 20/2 ÂL (Tế Xuân), 20/4 ÂL(Cầu Ngư), 20/6 ÂL(Chính mùa), 20/7 ÂL (Chèo dọc), 23/8 AAL (Mãn Mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn Bá Trạo, hội đua nghe…
3. Tháp Chàm Poshanu – Phế tích lầu Ông Hoàng
Tọa lạc: tại Đồi Bà Nai, phường Phú Hải, tp. Phan Thiết; cách trung tâm tp. Phan Thiết khoảng 7 km về hướng Đông Bắc.
Giá vé tham quan: 3.000/trẻ em; 5.000/người lớn
Tháp Chăm Poshanu là 1 nhóm di tích còn sót lại của vương quốc Champa xưa còn tồn tại khá nguyên vẹn vẻ nguyên sơ của nó so với một số cụm tháp khác ở Bình Thuận. Cụm tháp tọa lạc trên đồi Ông Hoàng, do người dân xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva, vị thần người Chăm tôn sùng.
Tháp thờ bà Poshanu – con gái của vua Po Parachanh trị vì vương quốc cổ Champa khoảng vào thế kỷ XIV. Công chúa Poshanu có công lớn trong việc hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay trong sản xuất nông nghiệp, khai phá đất làm rừng rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thủy lợi. Bà cũng là người đặt ra nhiều quy tắc tiến bộ trong quan hệ giao tiếp gia đình và xã hội thời kỳ đó.
Trong truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của tháp còn gắn liền với chuyện tinh đầy hạnh phúc nhưng cũng rất đau thương của bà. Chuyện kể rằng: Bà đã vượt qua sự cấm đoàn hà khắc của tôn giáo Chăm lúc bấy giờ, đem lòng yêu thương và kết duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar theo đạo Hồi. Trong những ngày sống hạnh phúc, họ đã cùng nhau vận động người dân xây tháp. Thái tử Podam không muốn chị lấy chồng ngoại đạo, đã bày mưu kế chia rẽ 2 người. Trong 1 chuyến hành hương không thấy vợ trở về, cho rằng bà đã thay lòng nên ông đã lấy người khác. Những năm tháng cuối đời bà Poshanu sống một mình thanh thản tại Bianneh. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp.
Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Champa. Yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhất của tháp Hòa Lai là những vòm cửa trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giá và các ô khám của các tầng, vành của cửa vòm phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn, vọt ra từ miệng của quái thú Kala trên đỉnh. Một trong những nét rất đặc biệt của tháp Hòa Lai là tháp không thẳng đứng mà lại hơi choãi ra về phía trước.
Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nét uy nghiêm và kỳ bí.
Gần khu tháp Chàm là địa danh lầu Ông Hoàng, được xây dựng trên đồi Bà Nài ở độ cao trên 40m so với mực nước biển. Đứng trên đồi ta có thể nhìn thấy toàn cảnh bãi trước Phan Thiết, bao gồm một quần thể sông, núi, biển chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng với ngọn núi Cố.
Năm 1922, một ông hoàng người Pháp Ferdinand d’Orléans, Công tước De Montpensier, đã bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây một tòa biệt thự nghỉ mát, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Địa danh này cũng gắn liền với cuộc tình giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm năm 1936.
Cũng tại lầu Ông Hoàng, quân Pháp đã cho xây dựng một hệ thống lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn để không chế khu vực thị xã Phan Thiết. Nơi đây là đồn bót bất khả xâm phạm.
4. Mũi Kê Gà - Hải đăng Kê Gà
Tọa lạc: xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận
How: Bus – từ tp Phan Thiết bắt xe số 6, chạy khoảng 30 km; xe máy –hướng thứ nhất đi từ tp.HCM theo quốc lộ 1A đến thị trấn Hàm Thuận Nam rẽ phải vào khoảng 20 km; hướng 2 là từ Vũng Tàu đi theo quốc lộ 55 qua La Gi; hướng 3 là từ tp. Phan Thiết chạy qua khoảng 30 km .
Tên gọi: 1, tên gọi “Khe Gà” hay “Kê Gà” vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà. 2, do đây là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê (trong sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi là “Kê Dữ” tức “Đảo Gà”), vì nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển.
Lịch sử: Hải Đăng Kê Gà là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á, do người Pháp xây dựng năm từ năm 1897 đến năm 1899 (2 năm). Vật liệu để xây dựng hải đăng được vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là vị trí hiểm yếu từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Nơi đây có nhiều thuyền buôn qua lại nhưng bị đắm do không xác định được vị trí, tọa độ. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài. Pháp đã cho xây dựng hải đăng Kê Gà với tầm quét sáng là 22 hải lý (tương đương 40 km). Không chỉ là ngọn hải đăng cổ nhất, đây còn là ngọn hải đăng cao nhất khu vực với gần 200 bậc thang xoáy trôn ốc liên tục, tổng chiều cao lên đến đỉnh đèn là 35 m.
Khi lên ngọn hải đăng, du khách sẽ nhìn thấy biển xanh thăm thẳm với một vài con thuyền thấp thoáng ngoài khung cửa – trông như những bức tranh phong cảnh hữu tình. Quý khách không chỉ được nhìn ngắm toàn cảnh mũi Kê Gà mà còn toàn cảnh Hòn Bà với vô số phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng ngoạn mục. Để ra hải đăng, bạn có thể liên hệ resort thuê tàu hoặc thuê thuyền thúng của dân địa phương.
5. Dinh Thầy Thím
Tọa lạc tại: xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Thời gian: xây dựng vào năm 1879, vào thời vua Tự Đức. Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1994.
Lễ hội: ngày 15/9 AL hằng năm
Tương truyền thầy tên là Tánh, người làng Qua La, tỉnh Quảng Nam. Ông nhà nghèo lại lận đận trong việc thui cử nên tầm sư học đạo. Thầy có pháp thuật cao cường.Thầy làm mưa sau 1 năm bị nắng hạn giúp làng hồi sinh. Theo mong ước có 1 ngôi đình làng, sau một đêm ông biến ra cái đình Bát Nhị. Do rằng ông là mối nguy hại lớn nên ông bị áp giải lên công đường. Trước khi bị xử án, Thầy xin một tấm vải điều, Thầy niệm chú vẽ hình con rồng trên vải. Thầy báo Thím cùng ngồi trên vải. Thầy chấm thêm đôi mắt thì tự nhiên rồng bay lên chở Thầy Thím về phương Nam trước sự ngạc nhiên của dân làng. Thầy dung bùa phép, Thím hái thuốc chữa bệnh cho dân làng. Khi Thầy Thím mất, dân làng biết ơn nên lập Dinh này để thờ cúng. Nổi tiếng linh thiêng, khi xây dinh quay về hướng Đông nhưng qua một đêm thì quay về hướng Nam, theo ý thầy.
6. Núi Tà Cú
Tọa lạc: quốc lộ 1A, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam; cách tp Phan Thiết 30 km về phía Nam.
Vé tham quan, vé cáp treo.
Quanh năm không khí ở Tà Cú trong lành và mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18 – 22 độ. Tà Cú với phong cảnh hữu tình, những phiến đã muôn hình vạn trạng, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng khí hậu trong lành, thanh tịnh như chốn thần tiên.
Nếu du khách thích mạo hiểm và có sức khỏe tốt, du khách có thể chinh phục đỉnh núi sau hơn 1000 bậc thang hoặc du khách đi cáp treo lên đỉnh núi khoảng 15 phút.
Trên đỉnh núi có 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ Tự (Chùa Trên) và chùa Long Đoàn (chùa Dưới), nổi tiếng với bức tượng Thích Ca Phật Nằm, dài 49 m. Đây là bức tượng lớn nhất Đông Nam Á.
7. Đồi cát Mũi Né (còn gọi là Đồi Cát Bay)
Tọa lạc: gần khu vực Hòn Rơm (thuộc khu phố 5, phường Mũi Né)
Giá vé tham quan: Miễn phí
Thời gian tham quan thích hợp: sáng sớm và chiều tối
Dịch vụ: trượt cát, thưởng thức dừa ba nhát, bánh bột lọc Phan Thiết…
Xuất xứ tên gọi: Gọi là đồi cát bay vì hình dạng của đồi Cát thay đổi liên tục theo từng ngày, từng giờ… không có hình dáng nhất định. Việc tạo nên hình dáng của cát là do gió bào mòn và thổi bay lớp cát mỏng phía trên,
Đây là điểm tham quan thu hút khá nhiều du khách do hình dáng đẹp của cát và màu sắt cát (có đến 18 màu sắc khác nhau: màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu hồng, màu trắng xám, màu đỏ đen…). Màu sắc được tạo bởi đây là mỏ sắt tồn tại hàng trăm năm kiến tạo nên. Đây cũng chính là ý tưởng cho nghệ sĩ Ý Lan tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo: tranh cát.
8. Đồi Hồng
Tọa lạc: gần khu vực Hòn Rơm, cồn cát Mũi Né, thuộc phường Mũi Né, tp Phan Thiết.
Vé tham quan: Miễn phí
Đó là những đồi cát đỏ, trong quá trình bị xói mòn tạo thành những hình thú kỳ thú.
9. Đồi cát Trinh Nữ - Bàu Sen
Tọa lạc tại: thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, cách Phan Thiết khoảng 45 km.
Có 2 cung đường: 1 từ Phan Thiết men theo đường biển đến Mũi Né, qua chợ Mũi Né, Đồi Hồng dọc theo bãi biển khoảng 1h; 2 từ tp Phan Thiết theo quốc lộ 1A đến Lương Sơn, rẽ phải khoảng 18 km.
Vé tham quan: Miễn phí
Dịch vụ: cưỡi ngựa, trượt cát…
Tên gọi: Bàu có nhiều hoa sen nên được gọi là Bàu Sen. Còn được gọi là Bàu Cát, Bàu Trắng hay Bạch Hồ.
Bàu Trắng là 1 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ờ xã Hòa Thắng, hình thành từ lâu đời nằm giữa vùng đồi cát mênh mông. Dân gian xưa gọi là Bàu Ông, Bàu Bà vì bàu chia làm 2 phần cắt ngăn bằng một ngọn đồi.
Với nguồn nước mát quanh năm, Bàu Sen làm dịu đi không khí nóng bỏng của đồi cát và làm cho cát ẩm ướt, đi không lún chân, cát ít tung bay.
Do hiện tượng sa mạc hóa nên diện tích hồ đang bị lấn chiếm dần bởi tự nhiên.
10. Mũi Né
Tọa lạc tại: phường Mũi Né, tp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; cách trung tâm tp Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, dọc theo quốc lộ 706.
Tên gọi: 1, xuất phát từ việc ngư dân, mỗi khi gặp bão thường đến đây nương náu. “Mũi” là mũi đất đưa ra biển, “Né” nghĩa là để tránh né. 2, Mũi Né xuất phát từ công chúa Út – công chúa Chuột của vua Chăm. Năm 16 tuổi, nàng mắc bệnh nan y, về sau tu tại miếu Am, Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né – lâu dần người dân đọc trại thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út, Mũi là mũi đất đưa ra biển.
Đây là một trung tâm du lịch nổi tiếng và quen thuộc ở Phan Thiết với biển xanh, cát vàng. Mũi Né có bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão, là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách như bãi Ông Địa, bãi Trước và bãi Sau.
Đức Ninh
Add a Review?