Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014

Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014

VnewsTravel - Dân Việt - Để tôn vinh những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật đặc sắc Nam Bộ, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - 2014 sẽ được UBND tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức vào cuối tháng 4 tới.

Phóng viên NTNN trao đổi với bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- Phó Trưởng ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho festival.

Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- Phó Trưởng ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho festival.

So với nhiều Festival khác đã được tổ chức khắp trên cả nước, Festival lần này rất được nhiều người kỳ vọng, đặc biệt là giới mộ điệu nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Xin bà cho biết, hiện nay công tác chuẩn bị như thế nào?

- Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I có chủ đề “ĐCTT, tình đất - tình người phương Nam”, diễn ra từ ngày 20 -25.4.2014. Tham gia Festival là các nghệ nhân của 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ - những địa phương đã góp phần hoàn chỉnh hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sinh hoạt đờn ca tài tử tại Bạc Liêu.

Festival có 21 hoạt động, logo chính thức đã được công bố, với ý tưởng gồm có: Hoa sen - Quốc hoa, khóa sol - ký hiệu đặt ở đầu khuông nhạc và đờn kìm là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc ĐCTT (cũng chính với nhạc cụ này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang”). 

Được biết tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng khá nhiều công trình để phục vụ cho Festival, các công trình đó có gì đáng chú ý? 

- Hiện nay các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình để kịp phục vụ cho Festival như: Quảng trường Hùng Vương; Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Tượng đài Mậu Thân; Nhà thi đấu đa năng; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm tỉnh; 

Trung tâm Triển lãm Văn học Nghệ thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bờ kè sông Bạc Liêu... Tỉnh cũng đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phục vụ du khách như tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu vui chơi giải trí công viên Trần Huỳnh, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam...

Ngoài ra, tỉnh đã và đang chỉ đạo kiểm tra nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách đến tham dự Festival; tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng phong cách người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”…

Đâu là điểm “nhấn” trong suốt 6 ngày diễn ra Festival?

- Điểm nhấn của Festival là các hoạt động gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ như: Hội thảo về ĐCTT Nam Bộ, Liên hoan ĐCTT, tổ chức không gian ĐCTT Nam Bộ phục vụ du khách... Kịch bản khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, mang đậm dấu ấn văn hóa của đất và người phương Nam.

Ngoài ra, Festival không diễn ra trong hội trường bình thường mà dự kiến sẽ tổ chức trong không gian ở Hồ Nam. Nó sẽ gần gũi hơn với ĐCTT và phong cách sống của người nông dân Nam Bộ. Ngày xưa cội nguồn của ĐCTT cũng bắt đầu ở nông thôn...

Bạc Liêu là nơi khai sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” và cũng là một trong những nơi được mệnh danh là cái nôi của ĐCTT Nam Bộ. Qua Festival lần này, theo bà các cấp, ngành cần phải làm gì để bảo tồn, phát huy và gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc này? 

- Trong khuôn khổ Festival, Bạc Liêu sẽ khánh thành Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đây là một bảo tàng chuyên đề đầu tiên về ĐCTT Nam Bộ, cải lương, vọng cổ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…

Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát triển phong trào ĐCTT gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì và phát triển nhiều câu lạc bộ ĐCTT ở cơ sở; 

Hỗ trợ trang thiết bị cho các câu lạc bộ ĐCTT hoạt động; xây dựng câu lạc bộ ĐCTT tại các khu điểm du lịch và trong các trường học; định kỳ tổ chức liên hoan ĐCTT các cấp. Thời gian qua, các trung tâm văn hóa đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT, vọng cổ cho nhân dân, nhất là giới trẻ…

Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành văn hóa biên soạn giáo trình và đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, Sở VHTTDL đã phối hợp Sở GDĐT xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật ĐCTT vào giảng dạy trong các trường phổ thông... Tôi tin các hoạt động trên sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, đồng thời cũng thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO.

Ban tổ chức kỳ vọng gì trước và sau Festival?

- Quyết tâm của UBND tỉnh Bạc Liêu là tổ chức Festival chu đáo, nghiêm túc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người mộ điệu và du khách. Thông qua Festival nhằm tăng cường quảng bá về đất nước và con người Nam Bộ nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng; thu hút khách du lịch đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là cơ hội để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của Nam Bộ và tỉnh Bạc Liêu. 

Bên cạnh đó, thông qua Festival, chúng tôi muốn góp phần tôn vinh, quảng bá nghệ thuật ĐCTT không chỉ cho người dân Việt Nam mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới.
Nguồn: danviet.vn

Add a Review?

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC