VnewsTravel - Cần Thơ, Tổng cục Du lịch và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Các tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các địa bàn trong điểm du lịch như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Lâm Đồng để cùng hỗ trợ nhau phát triển. Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú. Ngành du lịch ở đây đã phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái như tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đất ngập nước, du lịch văn hóa, lễ hội, sông nước. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của vùng còn trùng lắp, chưa hấp dẫn và tính cạnh tranh chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các tỉnh trong khu vực này thiếu sự liên kết trong việc phát triển các sản phẩm du lịch.
Nhằm phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, đại diện Tổng cục Du lịch đề nghị các tỉnh cần tăng cường liên kết phát triển sản phẩm đặc thù. Trước mắt, các tỉnh cần tập trung phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Tràm Chim, khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen, các sân chim, rừng ngập mặn Cà Mau, biển đảo Phú Quốc; đẩy mạnh phát triển du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng tại Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Phụng và 7 xã ven sông (Bến Tre) gắn với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), cù lao An Bình (Vĩnh Long), khu vực du lịch vườn Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), cồn Ốc, cồn Quy, cồn Tiên (Bến Tre), cồn Tân Lộc (Cần Thơ); mở rộng du lịch lễ hội, tín ngưỡng với các hoạt động lễ hội bà Chúa Xứ, lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), lễ hội Ooc-om-bok và đua ghe ngo (Sóc Trăng), lễ hội Nghinh ông Nam Hải (Trà Vinh), lễ hội trái cây (Bến Tre).
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch, đề xuất nên phát triển thêm loại hình homestay ở các khu du lịch sinh thái vì hiện nay, dịch vụ này còn thiếu.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, kiến nghị các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ lao động phục vụ chuyên nghiệp hơn gồm: lễ tân, phục vụ buồng, bar, hướng dẫn viên, nhân viên lữ hành.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng các tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác với các địa bàn trong điểm du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Lâm Đồng để cùng hỗ trợ nhau phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đạt chất lượng cao.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội, đề xuất xây dựng thêm nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài đang tăng lên vì số khu nghỉ dưỡng như vừa nêu tại Đồng bằng sông Cửu Long còn quá ít. Bà Phương nhấn mạnh muốn tăng thời gian lưu trú của khách, các tỉnh phải nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường du lịch thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tuyến đường du lịch duyên hải dọc quốc lộ 80 và tuyến N1 dọc biên giới Việt Nam – Campuchia.
Nhằm tạo sản phẩm đặc thù mang tính lâu dài, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển du lịch theo 4 cụm, trong đó cụm trung tâm thuộc 4 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang phát triển loại hình du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau thuộc 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng được xây dựng với loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía đông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười có tỉnh Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười./.
Nguồn: baohaiquan.vn
Add a Review?