Tương lai du lịch Biển VN: Muốn ngắm, tắm, phải có tiền?

Tương lai du lịch Biển VN: Muốn ngắm, tắm, phải có tiền?

VnewsTravel - Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang “dịu” dần, ngành du lịch Việt đang có sự phục hồi đáng kể, bằng chứng là lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng 12% trong năm qua. Sự tăng trưởng mạnh này đã ảnh hưởng tích cực đến việc mở rộng các resort, khách sạn, nhà hàng… Lĩnh vực khách sạn tại châu Á tăng khoảng 7%/năm, riêng Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất (15%), với khoảng 7.100 phòng đang được xây dựng mới. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” này kéo theo nhiều bất cập…

Xem thêm:

“Xẻ thịt” biển miền Trung

Miền Trung Việt Nam có hơn 1.000km bờ biển và sở hữu nhiều vịnh, bãi biển thuộc loại đẹp nhất hành tinh. Nhưng những bãi biển đẹp này đã và đang bị băm nát bởi sự phát triển ào ạt của các nhà hàng, resort, khách sạn ven biển…

Theo báo SGGP, 10 năm trở lại đây, những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung đã bị người dân, kể cả chính quyền địa phương thi nhau chặt phá để cấp đất cho các dự án xây dựng. Để đến bây giờ, cái giá phải trả là những bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, bờ kè đầu tư hàng trăm tỉ đồng cũng bị sóng biển đánh tả tơi. Nhiều người dân miền Trung xót xa: “Với sự “xuống tay” không thương tiếc của con người, những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi đã bị bứng gốc để thay vào đó là những khu resort…”

Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam trong suốt chiều dài gần 100km bờ biển, nếu như 10 năm trước đây được phủ kín bởi những rừng thông xanh mướt thì bây giờ chỉ trơ trọi những bãi cát trắng, hồ tôm nham nhở hay những khu du lịch, resort quy mô đồ sộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng trên tuyến đường ven biển nối từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Hội An (Quảng Nam) hơn 30km có trên 30 dự án khu du lịch, resort đã và đang triển khai xây dựng.

Bãi biển tuyệt đẹp phía Đông đường Trường Sa thuộc về các resort

Nhiều nhà bảo vệ môi trường chắc không quên những lời của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Đà Nẵng: “Ngày mà người ta triệt hạ những rừng thông hàng chục năm tuổi để xây dựng các dự án du lịch ven biển thấy mà đau xót. Ngày đó, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo TP là cần phải giữ lại những rừng thông để phòng chống khi bão xảy ra cũng như chống việc xâm thực của biển; các dự án có thể lùi vào trong. Thế nhưng các khu du lịch, resort cứ thế được cấp phép xây dựng sát mép biển. Trước đây, mỗi khi có bão đổ bộ vào, người dân Đà Nẵng đâu có bị thiệt hại nặng như bây giờ nhờ có những tấm lá chắn rừng thông cao ngút…”
Hậu quả mà ông Thắng nói là những năm gần đây, tại các trục đường ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam bị sóng biển đánh nát, sụp đổ nhiều đoạn. Và theo thời gian, sóng biển tiếp tục xâm thực mạnh, nhiều nơi sóng biển “ăn” sâu vào cả chục mét.

Còn nhớ hồi cuối năm 2007, nhiều người dân ở Đà Nẵng tỏ ra ngỡ ngàng khi biết UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon) triển khai dự án Khu đô thị Đa Phước trên khu vực vịnh Đà Nẵng. Để thực hiện dự án này, 180ha vịnh Đà Nẵng phải bị san lấp và đây cũng là dự án lấp biển lớn nhất miền Trung cho đến thời điểm hiện nay, khiến người Đà Nẵng bất an.

Hiệu quả của dự án này xin chưa bàn tới, nhưng hậu quả thì thấy rõ: Việc lấp 180ha vịnh đã lấy đi chỗ neo đậu tàu thuyền của hơn 100 hộ dân nơi đây, để bây giờ cuộc sống của họ bị đảo lộn do nơi neo đậu tàu thuyền cách nơi ở quá xa. Không những thế, trong quá trình san lấp, một lượng bùn đất rất lớn làm bồi lấp vịnh, gây biến dạng hệ sinh thái biển…

Dân bị triệt đường ra biển

Ở miền Trung, Đà Nẵng khá “nổi tiếng” và cũng “tai tiếng” bởi hàng loạt resort ven biển. Có thể kể tới Furama Resort Danang, Pullman Danang Beach Resort, Fusion Maia Resort trên đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn, nằm ngay trên bãi biển Bắc Mỹ An, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh; Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Vinpearl Luxury Danang, The Ocean Villas ở đường Trường Sa, bên bãi biển Non Nước hiền hòa, thơ mộng; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở bãi Bạc, bán đảo Sơn Trà…

Các resort này án ngữ trên diện tích đất lớn, chiếm giữ toàn những bãi biển đẹp nhất ở Đà Nẵng. Tất nhiên, giá phòng ở đây thấp nhất cũng khoảng 2.9 triệu đồng/ngày đêm – tức chỉ người giàu mới được tắm biển đẹp, người nghèo, du khách vãng lai và người dân thì “xin mời ra chỗ khác” (?)

 Người dân miền Trung chen chúc tắm biển (Ảnh internet) 

Năm 2011, chúng tôi cũng theo đoàn công tác nghỉ ở Lifestyle Resort Đà Nẵng trên đường Trường Sa để tham dự một hội thảo quốc tế. Một cảm giác rất khó chịu của người viết là bãi biển thuộc Resort này rất vắng người vào buổi sáng (khách tập trung đông ở hồ nước ngọt và sân bóng chuyền), trong khi khu vực bãi biển “mở” bên cạnh, người dân, du khách ở các khách sạn, nhà nghỉ nhỏ xung quanh chen chúc trong một vùng nước hẹp, gần như không thể vẫy vùng chứ đừng nói bơi lội, thư giãn…
“Bất cập” ở Đà Nẵng không chỉ ở các resort khổng lồ, mà ngay trên đường Trường Sa, có một số nhà hàng được cấp phép xây dựng ở phía đường sát bãi biển. Đáng chú ý là các nhà hàng này, trong đó nổi tiếng nhất là nhà hàng đặc sản biển For You (4U) nằm chơ vơ phía biển, che khuất tầm nhìn của người dân và du khách muốn nhìn ra bãi biển Mỹ Khê – khu vực biển được xem là đẹp nhất của Đà Nẵng. Sự “mọc lên” của các nhà hàng này khiến người Đà Nẵng và du khách nhiều năm qua “tức mắt” nhưng vẫn chưa được “chữa trị” (?)
Đất ven biển đã không còn của ngư dân nữa. Dân địa phương thì bị đẩy ra khỏi bãi biển...

Tại Quảng Nam, dải đất ven biển thuộc TP.Hội An và huyện Điện Bàn, các dự án du lịch đã chen nhau “phân lô” gần như kín mít. Nhiều năm qua, hàng trăm hecta bãi biển chạy dọc tuyến đường Ngũ Hành Sơn - Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đã bị hàng chục dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort... "xí phần". Không ít dự án "treo" 3-4 năm nay nhưng vẫn dựng hàng rào chiếm đất, bịt lối ra biển của ngư dân và du khách.

Không gian sát biển của Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort này không dành cho người đia phương và du khách bình dân.

Tại Thừa Thiên - Huế, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) hiện có hơn 15 dự án du lịch được cấp đất xây dựng dọc theo bờ biển. Các dự án này được xây dựng liền khít nhau trên chiều dài nhiều km dọc theo bờ biển đã bít hết các tuyến đường ra biển của người dân, “chặn đường” họ tắm biển, đánh bắt…

Tương tự như vậy, ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (Bình Thuận) hiện có hàng trăm resort dày ken nhau, khóa kín mặt biển. Ở Nha Trang, trong một thời gian không dài nhưng hàng trăm công trình đã được xây dựng, khiến bãi biển này ngày bị che khuất. Nhiều người phàn nàn việc xuất hiện nhiều nhà hàng phía Đông đường Trần Phú, chiếm không gian vốn rất hẹp ở đây, che lấp tầm nhìn ra biển...

Nâng tầm đẳng cấp bằng resort, sao lại "tụt hạng"?

Hơn chục năm trước, nói đến Bà Rịa - Vũng Tàu, khách du lịch chỉ biết đến thành phố biển Vũng Tàu. Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch như tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu-Long Hải- Phước Hải - Bình Châu đến Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, đường lên khu du lịch Núi Nhỏ, các tuyến đường giao thông cùng hệ thống cấp điện, cấp nước, dịch vụ viễn thông đến các khu du lịch.

Từ ngày có con đường láng mịn ven biển, các dự án ồ ạt đổ vào. Theo báo Nhân dân, trong năm năm (2005-2010), tại đây đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư mới trong đó có nhiều dự án quy mô lớn với tổng vốn đăng ký từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD như: Hồ Tràm Strip (4,23 tỷ USD); Sài Gòn Atlantis Hotel (4,1 tỷ USD); Công viên thế giới kỳ diệu Vũng Tàu (1,299 tỷ USD); Vườn thú hoang dã Safari Bình Châu (500 triệu USD)...

Giữa những khu du lịch - nghĩ dưỡng và resort cắm cọc dựng vách dọc bờ biển Long Hải - Bình Châu, may mắn thay còn sót lại một bãi biển hoang sơ, cách chợ Bình Châu khoảng 7km, được dân quanh vùng chọn làm bãi tắm. Cách đây 2-3 năm, bãi biển hoang dã ở đây theo mùa và con nước vẫn còn nguyên vẹn hệ sinh thái. Mùa mưa biển đầy rong, mùa hè những con sứa trắng tươi bị sóng đánh dập lên bờ. Người dân từ Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM đến đây tắm biển chấp nhận sự hoang sơ mộc mạc, mặc nguyên đồ ướt cứ thế lên xe về nhà.

Em bé ngạc nhiên trước con sứa trắng, to, bị sóng đánh dạt lên bờ bãi tắm hoang sơ nằm cách chợ Bình Châu 7km

Đó là câu chuyện vui nho nhỏ của một bãi tắm hoang dã còn sót lại trong chiều dài bờ biển đang bị... đô thị hóa đến nao lòng. Vì đang ngày càng trở nên “xa dân”, cách đây không lâu, một tạp chí du lịch quốc tế đã đánh rớt hạng bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) và Mũi Né (Bình Thuận) vào nhóm “bét” bảng 99 bãi biển đẹp nhất thế giới – một kết quả dường như đã được báo trước. Không biết vài năm nữa, với cách khai thác và "trấn" biển như hiện nay, VN có còn đứng trong danh sách 99 bãi biển đẹp nhất thế giới không?!

Việc “tụt hạng” chỉ là chuyện nhỏ. Còn “chuyện lớn” hơn, khi du khách quốc tế thấy được sự bất cập của du lịch biển Việt Nam: Tổn hại hệ sinh thái; “triệt đường” phát triển nghề cá; lấy hết không gian ngắm cảnh, tắm biển của người dân (nhất là người nghèo và bình dân) địa phương và du khách, ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe và sự phát triển tâm lý, thể chất con người (nhất là trẻ nhỏ)… thì các resort, nhà hàng, khách sạn án ngữ trước biển kia có nâng tầm sang trọng cũng chỉ là cách thương mại hóa đơn thuần. 

Du lịch Biển phải phát triển bền vững và cùng nhau giữ thiên nhiên đẹp như những gì nó vốn có chứ không phải bắt nó phải thuần phục theo ý mình!
Nguồn: congluan.vn

Add a Review?

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC