VnewsTravel - Mặc dù được đánh giá là dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam và đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, song mục tiêu lớn nhất mà gốm Chu Đậu là hướng tới một thương hiệu du lịch làng nghề hút khách không thua kém gì Bát Tràng.
Nằm trên địa phận xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, làng gốm Chu Đậu, theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, vốn là một trung tâm gốm cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII do nhiều nguyên nhân.
Có lịch sử phát triển rực rỡ là vậy, song thực tế dòng gốm quý từng bị thất truyền hơn 500 năm này chỉ mới nổi tiếng trong nước và quốc tế vào khoảng 10 năm trở lại đây kể sau khi Xí nghiệp gốm Chu Đậu ra đời vào năm 2001, góp phần khôi phục lại dòng gốm cổ đã bị lãng quên. Người có công lớn khôi phục dòng gốm cổ nổi tiếng một thời của cha ông là ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO), cũng là một người con của quê hương Nam Sách.
Gốm Chu Đậu đang hướng tới mục tiêu trở thành một quần thể du lịch làng nghề hấp dẫn như Bát Tràng
Ông Thắng cho biết, nét độc đáo khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với bất kỳ loại gốm nào khác là được vẽ thủ công hoàn toàn, men được làm từ tro trấu tự nhiên tạo nên màu vàng hanh cổ kính, tao nhã; men rạn sâu và hình xoắn đồng tiền rất đặc trưng. Đến nay, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã phát triển thành Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu với khu trưng bày và sản xuất lên đến 4000m2, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 người dân địa phương. Sản phẩm của gốm Chu Đậu rất được ưa chuộng ở trong nước và quốc tế, được xuất khẩu đến 52 quốc gia trên thế giới.
Thành công trên “mặt trận” thương mại, song điều khiến ông Thắng trăn trở là hiện nay là làm sao gắn kết gốm Chu Đậu với du lịch để có thể quảng bá di sản văn hóa quý báu của cha ông vang xa hơn nữa, đồng thời đem lại nguồn lợi kinh tế bền vững và lâu dài cho quê hương. Hiện tại, dòng gốm quý này mới chỉ được khôi phục sản xuất tại xưởng của công ty gốm Chu Đậu mà chưa được mở rộng trong nhà dân để có thể hình thành nên quần thể làng nghề gốm phát triển và thu hút du khách như Bát Tràng. “Chúng tôi có một tham vọng mang tính xã hội, đó là chọn những gia đình tâm huyết với nghề gốm để hình thành nên các vệ tinh của gốm Chu Đậu. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là phát triển thành quần thể làng nghề du lịch gốm Chu Đậu, vừa góp phần quảng bá dòng gốm quý của cha ông, vừa đưa quê hương Chu Đậu thành một điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước”- ông Thắng cho biết.
Là một dòng gốm quý mang giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật đã được quốc tế công nhận, song gốm Chu Đậu còn thiếu không gian làng nghề để có thể thu hút du khách
Theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành, hiện nay gốm Bát Tràng đã nổi tiếng từ lâu và dần trở nên nhàm chán với du khách, trong khi đó xét về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như vẻ đẹp thì gốm Chu Đậu không hề thua kém, thậm chí còn cao cấp hơn. Do vậy, đây là cơ hội lớn để gốm Chu Đậu phát triển và hấp dẫn du khách đến với mình. Tuy nhiên, dù gốm Chu Đậu là dòng gốm cổ cao cấp và rất được du khách trên thế giới ưa chuộng, song để đánh thức tiềm năng du lịch và biến làng gốm Chu Đậu thành một điểm đến làng nghề hấp dẫn như Bát Tràng thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.
Một chuyên gia du lịch cho biết, lợi thế lớn nhất của gốm Bát Tràng so với gốm Chu Đậu là có vị trí địa lý gần trung tâm thành phố Hà Nội nên rất thuận tiện để phát triển du lịch. Trong khi đó, với vị trí không mấy thuận lợi về giao thông (không nằm trên trục đường Hà Nội – Hạ Long) thì gốm Chu Đậu cần phải làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết với các đối tác lữ hành và bán sản phẩm lưu niệm để tạo ấn tượng với du khách. “Tiếng lành đồn xa, một khi gốm Chu Đậu đã gây thiện cảm được với du khách thì những lần sau khách sẽ tự tìm đến”- vị chuyên gia du lịch này cho biết.
Bên cạnh đó, theo anh Lê Văn Dũng – Công ty lữ hành Thăng Long Opera, điều khiến du khách quan tâm hơn cả là lịch sử của dòng gốm Chu Đậu có từ bao giờ, thất truyền và được khôi phục như thế nào? Do vậy, điều quan trọng nhất hiện tại là cần làm tốt công tác ghi chép, thuyết minh lịch sử của gốm Chu Đậu, quảng cáo, in ấn tờ rơi, tờ gấp giới thiệu… tới du khách. Ngoài ra, cần có sự nghiên cứu và thiết kế sản phẩm lưu niệm riêng dành cho khách du lịch với tiêu chí gọn, nhẹ, đẹp và đa dạng mẫu mã bởi thực tế gốm Chu Đậu có giá không hề rẻ và cũng không thuận tiện trong việc vận chuyển qua hàng không.
Cùng quan điểm này, chị Mỹ Hòa, Trưởng phòng khách Inbound của công ty lữ hành Toserco cho rằng, điều du khách quan tâm không chỉ là được trực tiếp ngắm những sản phẩm và quy trình làm nên một sản phẩm gốm Chu Đậu mà còn ở những bài thuyết minh hấp dẫn về lịch sử dòng gốm này. Chị Hòa đề xuất, cần xây dựng một khu trưng bày những hiện vật cổ, hình ảnh những nghệ nhân, những người có công khôi phục nên dòng gốm Chu Đậu… để du khách tham quan có cái nhìn bao quát và hiểu về giá trị lịch sử đáng quý của dòng gốm Chu Đậu.
Dưới góc độ một nhà nghiên cứu về du lịch, KTS. TS Nguyễn Thu Hạnh- Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho rằng, gốm Chu Đậu có tiềm năng rất lớn để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Tuy nhiên, muốn sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch thì phải điều tra thị trường kỹ xem du khách thích gì. “Tôi thấy anh Thắng chia sẻ rằng tới đây sẽ thành lập một hội đồng cố vấn để nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch dài hạn cho gốm Chu Đậu. Nếu làm được như vậy thì sẽ tạo ra được những sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách”. TS Hạnh cho rằng, giai đoạn đầu quan trọng nhất vẫn là chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm sao cho bài bản, có tầm nhìn xa và có kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết.
Để Chu Đậu không chỉ là một dòng gốm quý mà còn là một thương hiệu du lịch văn hóa tinh túy của dân tộc và đem lại nguồn lợi kinh tế bền vững sánh ngang với Bát Tràng, Minh Long… chắc chắn sẽ phải cần rất nhiều thời gian, công sức và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị lữ hành và các nhà quản lý. Tuy nhiên, có thể thấy rằng công việc khó khăn nhất là khôi phục một di sản văn hóa vốn bị thất truyền hơn 500 năm đã làm được, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng dòng gốm Chu Đậu sẽ vươn xa hơn nữa và sớm trở thành một điểm đến văn hóa quen thuộc dành cho du khách trong và ngoài nước./.
Nguồn: toquoc.gov.vn
Add a Review?