VnewsTravel -(TITC) - Thời gian gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu du lịch “phượt” qua những cung đường hoa đẹp trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi thời điểm trong năm, ở mỗi vùng đất lại có những loài hoa tuyệt đẹp thi nhau khoe sắc. Nếu đến vào đúng mùa hoa nở, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng và chụp những bức ảnh đẹp lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời.
Nồng nàn hoa sữa Hà Nội
Bốn mùa Hà Nội đều có sức quyến rũ riêng. Nếu như mùa xuân rực rỡ hoa đào, mùa hè tím ngắt sắc hoa bằng lăng, mùa đông trải vàng những cánh đồng hoa cải thì mùa thu (tháng 9, 10, 11) lại nồng nàn bởi hương hoa sữa. Khi những cơn gió thu xao xác, mang theo chút hanh hao, se se lạnh thì đó cũng là lúc hoa sữa Hà Nội tỏa hương, hứa hẹn một mùa yêu thương, hạnh phúc chớm nở và cũng gợi nhắc mỗi người về một miền kí ức xa xăm.
Chẳng biết tự bao giờ, trong tâm trí của người dân Thủ đô và khách du lịch, mùi hương hoa sữa đã trở thành “hương của Hà Nội”. Những ngõ phố ngập tràn màu hoa trắng tinh khôi gợi trong lòng mỗi người những nỗi niềm cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Loài hoa ấy cũng đi vào thơ ca, nhạc họa, điển hình là bản tình ca không tuổi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua...".
Đến Hà Nội vào mỗi dịp thu về, du khách có thể dễ dàng bắt gặp mùi thơm ngào ngạt của hoa sữa ở nhiều con phố, nhưng có lẽ đẹp và lãng mạn nhất vẫn là đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Nguyễn Du, Quang Trung... Càng về khuya, khi nhịp sống trở nên chậm rãi và tĩnh lặng thì mùi hương của hoa sữa càng quyến rũ, nồng nàn hơn. Tối thu se lạnh, rong ruổi dạo khắp phố phường, du khách sẽ thấy một Hà Nội bình yên, ngọt ngào hương hoa sữa làm thức dậy những xúc cảm lắng đọng trong tâm hồn mỗi người.
Lạc bước giữa xứ sở hoa Mộc Châu
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 200km về phía tây bắc, Mộc Châu thu hút du khách bởi những mùa hoa mộc mạc, đơn sơ. Đặc biệt, vào cuối thu đầu đông (giữa tháng 11 đến giữa tháng 12), tiết trời chuyển lạnh cũng là lúc Mộc Châu khoác lên mình lớp áo trắng tinh khôi của hoa cải. Du khách đến đây thời điểm này đều không khỏi ngỡ ngàng, say đắm trước vẻ đẹp nên thơ của những đồi cải phủ trắng sườn đèo, nhất là khu vực phía sau rừng thông Bản Áng (xã Đông Sang). Nhìn từ xa, cả thung lũng hoa cải tựa đám mây trắng xốp bồng bềnh nhẹ trôi trên thảm cỏ xanh mượt. Thong thả dạo bước trong rừng thông theo những lối mòn quanh co, uốn lượn, du khách sẽ không thể kìm lòng trước vẻ đẹp trong trẻo của mùa thu Tây Bắc khi chợt hiện ra trước mắt là những đồi cải rộng mênh mông, chạy hút tầm mắt giữa không gian thơ mộng của núi rừng.
Không chỉ có hoa cải trắng, đến Mộc Châu, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chùm hoa mận trắng li ti, những vạt hoa dã quỳ lóng lánh sương mai hay hoa hướng dương vàng rực xen lẫn cùng sắc đỏ của hoa trạng nguyên dọc các con đường vào bản. Những hàng rào hoa tự nhiên đan xen màu vàng cam của quýt chín khiến con đường đất đỏ trở nên sống động hơn bao giờ hết. Xa xa là những ngôi nhà sàn lãng đãng trong sương mờ, những đồi chè xanh ngút ngàn và cả những đàn bò sữa thong dong gặm cỏ. Tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia để rồi khi phải rời xa mảnh đất này, mỗi người đều vương vấn những kỷ niệm không thể nào quên.
Lãng mạn mùa hoa tam giác mạch Hà Giang
Dịp cuối thu (cuối tháng 10, đầu tháng 11), khi sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vừa phai nhạt, Hà Giang lại bừng sáng bởi màu phớt hồng đầy mê hoặc của những cánh đồng hoa tam giác mạch, tạo nên sức hút khó cưỡng thôi thúc bước chân du khách tìm về với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Tam giác mạch hay còn được gọi là kiều mạch, mọc thành chùm, thường nở rộ trong khoảng 1 tháng. Khi mới nở, hoa có màu trắng li ti, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ một hạt mạch ở giữa, những chiếc lá cũng có hình tam giác nên được gọi là tam giác mạch. Người dân địa phương thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với ngô để nấu rượu tạo nên hương vị rượu ngô rất đặc trưng. Lá tam giác mạch non được dùng như một loại rau xanh, khi luộc lên ăn ngọt và mát. Thân cây còn có thể làm thức ăn cho gia súc.
Từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, vòng theo “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc, hoa tam giác mạch tưng bừng nở rộ xen giữa những ngọn núi tai mèo sừng sững, đan thành thảm trên những cánh đồng hay thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ. Bởi vậy mà cứ mỗi độ cuối thu, biết bao du khách lại đến với cao nguyên đá Đồng Văn chỉ để được ngắm nhìn, nâng niu cánh hoa bé xíu trên tay, chụp vài tấm hình lưu niệm để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ này.
Sa Pa – thiên đường hoa đào Tây Bắc
Khép lại mùa đông lạnh giá, thật viên mãn cho hành trình khám phá du lịch Tây Bắc nếu du khách được trải nghiệm mùa hoa đào ở Sa Pa trong sắc xuân thì. Được ví như “thiên đường hoa đào” miền Tây Bắc, Sa Pa nổi tiếng với giống đào mốc và đào phai, tạo nên vẻ đẹp riêng có bởi đào rừng thường có tuổi thọ hàng trăm năm, thế tự nhiên, nhiều nụ, hoa, quả, có cành la, cành bổng. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ ít, mập, bông hoa có màu hồng nhạt. Loại đào này mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp, nhiều cây còn có lớp rêu phủ. Trong khi đó, đào phai lại có thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng.
Lên Sa Pa vào mỗi dịp xuân về, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của những cây đào rừng cổ thụ khoe sắc thắm ở vùng Ô Quy Hồ, Hầu Thào, Trung Chải, Tả Phìn, Sa Pả, Bản Khoang, Tả Giàng Phình… Không chỉ có hoa đào, những cành hoa lê, hoa mận trắng tinh khôi thi nhau đua nở càng khiến cho Sa Pa mang một vẻ đẹp căng tràn đầy sức sống, vẻ đẹp của sự khát khao vươn lên và tin vào ngày mai đầy tươi mới. Những luống cải mèo, su hào cũng bung những đóa hoa vàng rực, tạo thành cung đường hoa quyến rũ giữa muôn trùng mây.
Hoang dã hoa dã quỳ trên mảnh đất Tây NguyênTừ độ cuối tháng 10 trở đi, trong khi vùng cao Đông - Tây Bắc tràn ngập màu trắng, hồng của hoa cải, tam giác mạch, vùng đất Tây Nguyên lại nở rộ một màu vàng rực của loài hoa dã quỳ. Từ các huyện phía tây Quảng Nam vào Tây nguyên, từ Bình Phước lên Đắk Nông, Lâm Đồng hoặc từ Lâm Đồng qua những cung đường đèo đến Gia Lai, ngược lên Kon Tum, vào đến Biển Hồ... đâu đâu, du khách cũng có thể bắt gặp những thảm hoa dã quỳ rực rỡ chạy tít chân trời. Đặc biệt, trong cái se lạnh đầu đông, đến thăm Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách sẽ vô cùng thích thú khi được chiêm ngưỡng sắc hoa dã quỳ hoang dại len lỏi trong những con phố nhỏ, bên những căn biệt thự cổ kính nơi dầu dốc. Hoa mọc hai bên đường, trên các lối đi, ven hồ, ven suối, khoe sắc trên những sườn núi tạo thành những thảm vàng trải dài đến vô tận. Dù không rực rỡ như hướng dương nhưng khi nở rộ, dã quỳ tạo nên một thảm vàng tít tắp trên hầu khắp các con đường vào thành phố cao nguyên. Thời điểm ngắm hoa dã quỳ đẹp nhất là vào buổi sáng, khoảng từ 9 giờ trở đi khi mặt trời đã lấy đi những giọt sương mai cuối cùng làm dã quỳ tỏa sáng rạng ngời và đẹp lung linh.
Những vùng đất tràn ngập sắc hoa trong tiết thu mát lành, trời đông se lạnh hay sắc xuân mơn mởn sẽ là những điểm đến thú vị không thể bỏ qua đối với những ai say mê cái đẹp. Hãy đến để chiêm ngưỡng và tận hưởng không gian tuyệt đẹp đến nao lòng, để thả hồn mình lãng du theo cảnh sắc tươi đẹp trên khắp mọi miền Tổ quốc./.
Nguồn: TITC