March 2015

Hội làng Diềm rộn ràng câu ca quan họ

VnewsTravel - Hội làng Diềm được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện sự tôn kính đối với Vua Bà - Thủy tổ Quan họ, người có công sáng lập những làn điệu dân ca danh bất hư truyền.

Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, Bắc Ninh. Lễ hội là dịp để thể hiện sự tôn kính và lòng nhớ ơn của dân làng đối với Thủy tổ Quan họ và cũng là thời điểm để bà con cầu cho mưa thuận, gió hòa, một năm làm ăn phát đạt.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, trong đó ngày 25/3 (mùng 6/2 âm lịch) là chính hội. Lễ rước kiệu diễn ra uy nghiêm, do hàng trăm người dân trong làng tham gia, xuất phát ở đền Vua Bà sang đình làng, đến đền Cùng rồi quay lại đền Vua Bà. Theo truyền thống, dân làng tổ chức lấy nước ở giếng Ngọc làm lễ bao sái rồi mới tiến hành tế lễ. 

Kiệu vào đền Cùng thờ Vua Bà xin nước từ giếng Ngọc.

Đến hội Quan họ Diềm từ đêm trước, du khách đều được nghe những canh hát mừng thọ các cụ cao tuổi và những canh hát đãi khách thập phương tại nhà. Điều đáng nói của văn hóa Quan họ là dù khách đến hội lần đầu hay nhiều lần, là khách quen hay khách lạ cũng được gia chủ của bất kỳ nhà nào khoản đãi cơm ăn.

Làng Diềm là nơi duy nhất trong số 49 làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ. Tiếng quan họ vang lên suốt lễ hội, những liền anh liền chị tình tứ trao làn điệu duyên dáng và cảm ơn sự yêu mến của du khách.

Tương truyền, Đức Vua Bà là con gái vua Hùng. Đến tuổi cập kê, nhà vua đã cho tổ chức hội cướp cầu để kén chọn phò mã. Tuy nhiên Bà đã không chấp nhận sánh duyên cùng người thắng cuộc mà lại xin ân điển của nhà vua để được chu du sơn thủy một thời gian.

Khi Bà cùng các thị nữ vừa ra khỏi kinh thành thì một cơn mưa lớn ập đến, giông gió nổi lên dữ dội và một cơn lốc đã cuốn phăng cả đoàn người lên trời rồi giáng hạ xuống ấp Viêm Trang (thôn Viêm Xá ngày nay).

Vốn nơi đây là một vùng đất hoang vu, Bà đã cho đắp bờ, phá đất, lập nên ruộng đồng, làng xóm và dựng vợ gả chồng cho mọi người. Bên cạnh việc dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm... Bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú nghệ thuật ca hát. Do vậy khi Bà mất, dân làng đã lập đền thờ và tôn vinh Bà là Đức Vương Mẫu, là thành hoàng làng. Hàng năm vào hội dân làng dựng và diễn ở ngoài trời sự tích "Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân".

Các cụ cao niên được bố trí ngồi trong vị trí quan trọng của hội để răn dạy con cháu hiếu thảo, kính trọng người cao tuổi.

Cụ Nguyễn Giới, 91 tuổi là một trong 3 cụ cao niên nhất làng Diềm.

Ngoài ra, trong hội còn có các hoạt động thể thao như: Cờ tướng, cầu lông, cây đu, chọi gà... Trên hình là góc thi cờ tướng bên hông Đình.

Ngoài phần tế lễ, dâng hương... hội còn tổ chức hát thờ, hát đối, hát canh Quan họ tại đền Vua Bà, trên thuyền, hát đón.

Bình Định muốn làm du lịch sinh thái biển đảo

VnewsTravel - Với 15 dự án trọng điểm, tỉnh Bình Định đang "trải thảm đỏ" mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư, mong muốn trở thành trung tâm du lịch quốc gia hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. 

Ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Bình Định - cho biết năm nay, tỉnh lập danh mục 15 dự án và mời gọi nhà đầu tư du lịch sinh thái gắn biển đảo nhằm hấp dẫn du khách.

Bình minh trên bãi biển Quy Nhơn.Ảnh: Trí Tín.
Trong đó, các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư gồm khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại 800 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD; khu du lịch Mũi Rồng-Tân Phụng 200 ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Các điểm du lịch ven biển Hoài Hải-Tam Quan Bắc; khu du lịch sinh thái Đề Gi khoảng 2.000 ha (huyện Phù Cát) 50 triệu USD cũng nằm trong danh sách này. 

Bình Định có bờ biển trải dài 134 km với nhiều bãi tắm đẹp. Không chỉ có bãi tắm Hoàng Hậu hấp dẫn, nơi đây còn có Bãi Xép, Tân Thanh, Vĩnh Hội... Dọc ven bờ biển, tỉnh này còn sở hữu khoảng 32 đảo lớn, nhiều nơi trong số này vẫn hoang sơ, tuyệt đẹp như Cù lao xanh, Hòn Đất, Hòn Khô, Hòn Tranh, Hòn rùa….

Bãi đá trứng bên bãi tắm Hoàng Hậu và đồi Thi Nhân Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).Ảnh: Trí Tín.

Gần đây, Bình Định mở nhiều tour du lịch biển đảo kỳ thú như Ghềnh Ráng – Hàn Mặc Tử, Núi Bà – Phương Mai, Trung Lương – Vĩnh Hội – Tân Thanh, bán đảo Phương Mai, khám phá đảo Nhơn Châu... Du khách đến đây có thể  khám phá đảo san hô (Nhơn Hải), chinh phục đồi cát Phương Mai, tham quan các làng chài, chiêm ngưỡng phong cảnh, rạn san hô đẹp, nhiều loại cá biển đủ màu sắc và thưởng thức hải sản biển đặc trưng...

Bên cạnh di sản thiên nhiên biển đảo phong phú, Bình Định còn là nơi tập trung nhiều giá trị văn hóa lịch sử và văn học dân tộc. Miền đất này có bảy cụm tháp còn nguyên vẹn và 52 phế tích đền tháp, kiến trúc, nghệ thuật Chămpa. Riêng cụm tháp Bánh Ít vừa được nhóm tác giả người Anh bình chọn trong “1.001 công trình kiến trúc cần phải đến trong cuộc đời". 

Vùng đất này năm xưa là kinh đô của nghĩa quân Tây Sơn trường tồn theo lịch sử dân tộc. Khu di tích đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và Bảo tàng Quang Trung vừa được Chính phủ công nhận là Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Không chỉ là "cái nôi" của võ cổ truyền dân tộc, nơi đây còn khai sinh nghệ thuật tuồng, hát bội, bài chòi…, di sản phi vật thể độc đáo của nhân loại. 

Biển Quy Nhơn lung linh về đêm. Ảnh: Trí Tín.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm Bình Định có lợi thế, tiềm năng du lịch sinh thái biển đảo rất lớn. Để tạo sức hút du khách, địa phương cần có sản phẩm đẳng cấp, sớm tạo thương hiệu trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia với hạt nhân là đô thị du lịch biển Quy Nhơn.

Chủ tịch UBND Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng nhấn mạnh địa phương đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đang quy hoạch không gian du lịch sinh thái biển, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; tập trung đầu tư bài bản không gian đô thị khoa học ven biển Quy Hòa.

Theo ông Dũng, thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn-Bình Định” đang lan tỏa như điểm đến mới thu hút du khách khám phá, trải nghiệm trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Năm 2014, ngành du lịch Bình Định đón gần 2,1 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2013, doanh thu khoảng 790 tỷ đồng. Năm nay, tỉnh này đặt mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách, tăng hơn 20% so với năm 2014, doanh thu dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng. 
Nguồn: vnexpress

Những món bánh đặc sản của miền Tây sông nước

VnewsTravel - Bánh cam, bánh tằm khoai mỳ, bánh bò, bánh da lợn, bánh tai yến... là những đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ khi tới mảnh đất này thăm thú.

Miền Tây Nam Bộ được xem là vùng đất trù phú với những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa và những cánh đồng lúa bát ngát. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều món ăn dân dã nổi tiếng, đặc biệt là các món bánh đặc sản làm nức lòng du khách.

Bánh cam

Món này có tên là bánh cam là vì có hình dáng tròn tròn và màu cam của vỏ bánh khi được chiên giòn trông khá giống trái cam. Bánh có vị ngọt thơm, được làm từ bột nếp và bột gạo, nên ăn không ngán. Để vỏ bánh ngon hơn, người ta còn trộm thêm ít khoai lang tán nhuyễn vào trong phần bột pha chế. Ở giữa bánh có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát.

Bánh cam ở giữa có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát.. Ảnh: Thuhuyennguyenwp.
Bánh tằm khoai mỳ

Đây là một món bánh tráng miệng dân dã của người dân Nam bộ, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người từ nông thôn đến thành thị. Gọi là bánh tằm vì bánh có hình dáng thon dài và được phủ lớp vụn dừa giống con tằm.

Người ta còn bỏ thêm màu lá dứa, lá cẩm, gấc để tạo màu hấp dẫn cho món ăn. Ảnh: Quanngonsaigon.

Để làm món này người ta phải mài khoai mỳ nhuyễn rồi tạo dáng thành từng sợi. Bánh ăn hơi dai, có mùi dừa thơm và béo ngậy, thường dùng kèm với mè rang chín, đường trắng. Người ta còn bỏ thêm màu lá dứa, lá cẩm, gấc để tạo màu hấp dẫn cho món ăn.

Bánh bò

Đây là một món bánh ngọt quen thuộc ở miền Nam, đặc biệt là miền Tây. Cùng là bánh bò nhưng ở mỗi vùng lại có cách chế biến riêng và được gắn với những tên gọi khác nhau như bánh bò thốt lốt, bánh bò bông xốp, bánh bò trong…

Nguyên liệu để làm món này khá đơn giản, gồm bột gạo, đường, dừa và men. Bánh bò có vị ngọt vừa phải, mềm dai, thường ăn kèm với nước cốt dừa, muối mè, có nơi còn dùng chung với thịt heo quay.

Bánh bò có vị ngọt vừa phải, mềm dai, mùi thơm thoang thoảng. Ảnh: Vikybomi.

Bánh da lợn

Điểm đặc trưng của chiếc bánh da lợn là phải có nhiều lớp chồng lên nhau, chia tầng rõ rệt. Lớp bột mỏng ngoài bóng, dẻo khiến người ta liên tưởng tới tấm da lợn rồi lấy đó làm tên gọi cho món ăn.

Nguyên liệu chế biến bánh gồm bột năng, bột nếp, đường, cốt dừa. Bánh có màu ngà vàng của đậu, màu xanh của lá dứa, đôi khi người làm còn thêm màu tím từ lá cẩm hay màu đỏ từ gấc cho chiếc bánh thêm phần rực rỡ.

Cắn một miếng bánh dẻo thơm, hòa cùng vị bùi bùi của nhân đậu xanh, nước dừa béo ngậy, lá dứa thơm nhè nhẹ, rồi uống một ngụm trà thơm nóng, thực khách sẽ nhớ mãi hương vị của món bánh mộc mạc này. Ảnh: Monngonhoian.

Bánh pía

Bánh pía được chế biến với nhiều công đoạn khéo léo và cầu kỳ. Đầu tiên bột mỳ được cán mỏng để làm lớp vỏ bánh bên ngoài. Phần nhân là đậu xanh hoặc khoai môn hấp chín nghiền nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi, lòng đỏ trứng muối.

Thưởng thức món bánh này, thực khách sẽ nhận thấy tổng hợp vị dẻo bùi của nhân bánh hòa với mùi sầu riêng thơm nức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng.

Sau khi cuộn tròn nhân bánh, vỏ ngoài sẽ được thoa một lớp lòng đỏ trứng muối rồi đem vào lò nướng. Ảnh: Vietcadao.

6. Bánh tai yến

Bánh tai yến có hình dạng giống tổ chim yến. Công thức làm mó này khá đơn giản gồm bột gạo pha với một ít bột năng, nước cốt dừa, đường cát, hương liệu va ni cho thơm, tất cả quyện thành một hỗn hợp sền sệt.

Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng. Bánh tai yến vừa mỏng vừa giòn, có vị ngọt và béo ngậy tan chầm chậm trên đầu lưỡi.

Bánh tai yến vừa mỏng vừa giòn, có vị ngọt và béo ngậy tan chầm chậm trên đầu lưỡi. Ảnh: Saostar.

Bánh ú nước tro

Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Bánh có hình chóp nón, to bằng nắm tay người lớn. Bánh được gói bằng lá tre hoặc lá chuối, bên trong là bột nếp, với nhân đậu xanh ở giữa.

Điểm đặc biệt của món bánh này là dùng rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng, chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp qua một đêm. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng.

Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thuathienhue.
Nguồn: vnexpress

Những hàng cổ thụ xanh mát ở Sài Gòn

VnewsTravel - Dưới cái nắng chói chang, những con đường như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quang Khải... trở nên trong lành, mát rượi nhờ bóng cây xanh.

Mảng xanh nhất nhì thành phố là khu vực công viên 30/4 rộng lớn nằm giữa nhà thờ Đức Bà và Dinh Thống Nhất. Dưới bóng cây xanh, bất kể sáng sớm, trưa hè, chiều tối vẫn không ngớt người tìm đến ngồi tâm tình, ca hát. Khoảng xanh này được nhiều du khách gần xa tìm đến, nhâm nhi cà phê bệt để cảm nhận nhịp sống Sài Gòn.
Công viên Gia Định nằm ở quận Gò Vấp có khoảng 700 cây xanh: sọ khỉ, lim xẹt, me tây ... được xem là một trong những lá phổi xanh của thành phố. Với những bãi cỏ xanh mướt bên dưới và tán cây rì rào mát rượi bên trên, không khí nơi đây dễ chịu, trở thành nơi chạy bộ, đánh cầu lông, đá cầu ... của nhiều người dân.

Một người nước ngoài chạy bộ dưới hàng cây lâu năm trong công viên Tao Đàn. Những hàng cây hàng chục năm tuổi thẳng tắp mọc dọc hai bên đường là địa điểm yêu thích của nhiều người dân thành phố đến dạo mát, chụp hình bên cạnh những công trình kiến trúc, văn hóa được xây dựng trong công viên như: tháp Chăm, tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh...

Con đường lá me bay trên đường Lý Tự Trọng xanh mát đến không ngờ dù thời tiết Sài Gòn những ngày gần đây luôn ở mức hơn 35 độ C. Những con đường lá me tập trung khu vực quận 1 như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng ...từng làm ngơ ngẩn nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh: "Có tự bao giờ - Hàng me xanh ngắt - Mà nay đứng đó - Cho em làm thơ...". Những hàng me vào hè đang kết trái, cho những chùm quả chua đầy ký ức tuổi học trò.

Hàng cây cổ thụ ở đường Chu Mạnh Trinh, bên hông Bệnh viện Nhi đồng 2 đầy bóng mát. Con đường này có vài tòa nhà theo kiến trúc Pháp xưa và là nơi lý tưởng để những quán cắt tóc vỉa hè ở Sài Gòn mọc lên.

Hàng cây cổ thụ xanh mướt mắt trên đường Tôn Đức Thắng.

Ngôi trường Trưng Vương màu vàng sáng lên dưới hai hàng cây thẳng tắp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Được nhận xét là con đường yên tĩnh và xanh mát bậc nhất thành phố, nằm liền kề Thảo Cầm Viên, nơi đây ghi dấu bao kỷ niệm tuổi học trò của các bạn học sinh trường Trưng Vương và Võ Trường Toản.

Con đường nên thơ Trần Quang Khải, quận 1 vào một buổi sáng tháng 3 ngập nắng. Ấn tượng với con đường đến từ hai hàng cây thẳng tắp, xanh mát khiến người đi đường luôn cảm thấy dịu mát khi lưu thông qua khu vực này. Đây là một trong những con đường xưa nhất ở Sài Gòn.

Sở thích của cặp vợ chồng già sống ở đường Đinh Công Tráng, quận 1 này là đi dạo buổi sáng dưới những hàng cây xanh um trong công viên Lê Văn Tám, quận 1. Những hàng cây dọc đường Điện Biên Phủ hay Hai Bà Trưng xanh mướt khiến người đi đường thấy dễ chịu trong thời tiết oi bức.

Một góc đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 với gốc cây cổ thụ một vòng tay ôm không xuể. Đây cũng là con đường đẹp ở thành phố nhờ những tán cây xanh rợp bóng và những biệt thự cổ còn lại từ thời Pháp.

Một góc đường Duy Tân xưa, nay là đường Phạm Ngọc Thạch, kế bên hồ Con Rùa. Con đường có nhiều ngõ hẻm, quán xá thơ mộng. Đáng chú ý là cà phê hẻm Trịnh ở địa chỉ 47 Phạm Ngọc Thạch, gần căn nhà cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thu hút nhiều du khách tìm đến nhâm nhi tách cà phê sáng.

Hàng cây "thắp nến lên hai hàng" trước Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1 đã không còn xa lạ với người dân thành phố. Dưới con đường xanh, là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội quanh năm.

Một góc đường Nguyễn Du với tán me xanh rì được trồng xen kẽ cây cổ thụ.
Nguồn: vnexpress.net

Hà Nội mang Hoàng Thành Thăng Long ra thế giới

VnewsTravel - Thông qua gian hàng được thiết kế theo mô hình của Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội sẽ quảng bá tới các du khách nước ngoài những điểm đến đặc sắc và nét văn hóa truyền thống ở thủ đô.

Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) năm nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức gian trưng bày nhằm giới thiệu điểm đến Hà Nội tới các hãng lữ hành quốc tế cũng như doanh nghiệp du lịch và khách tham quan.

Phối cảnh gian hàng của Hà Nội tại VITM năm nay.
Với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", thiết kế gian hàng của Hà Nội lần này sử dụng hình ảnh Hoàng Thành Thăng Long - nơi được Unesco công nhận Di sản văn hóa thế giới. Khu gian hàng sẽ dàn dựng thành các mảng trưng bày riêng biệt, giới thiệu về văn hóa và các sản phẩm du lịch.

Một số điểm đến tiêu biểu của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, hồ Tây và phụ cận, hồ Hoàn Kiếm cùng phố cổ sẽ được đẩy mạnh quảng bá trong dịp này.

Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức hội thảo về “Giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội”, dự kiến ngày 4/4 và tham gia một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ VITM năm nay. Chương trình hội chợ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, địa chỉ 148 Giảng Võ, Hà Nội vào các ngày 3-6/4.

Những mùa hoa đẹp nao lòng ở Hà Nội

VnewsTravel - Mùa xuân hoa đào, mùa hè phượng vĩ, mùa thu nồng nàn hoa sữa, mùa đông e ấp cúc họa mi, Hà Nội mùa nào cũng được điểm tô bằng những sắc hoa.

Hoa đào: Mỗi độ xuân về, làng đào Nhật Tân lại phủ màu hồng rực rỡ của đào bích, đào phai. Những cành đào đủ loại len lỏi trên những con phố, như mang mùa xuân về từng ô cửa, từng mái nhà. Ảnh: Hoàng Hà.
Hoa sưa: Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa nhỏ li ti bắt đầu nở rộ, phủ trắng như mây trên những tán cây xanh mướt. Trên các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Bưởi… vào mỗi độ tháng 3, hoa sưa nở trắng trời. Ảnh: Hoàng Hà.

Hoa loa kèn: Sang tháng 4, hoa loa kèn lặng lẽ vào phố trên những chiếc xe đạp, gánh hàng hoa. Những bông hoa trắng xanh xao, mùi hương tinh khiết vấn vương, vừa đơn giản, vừa kiêu kỳ, vươn mình trong những chiếc bình gốm. Một cảm giác rất bình yên, rất Hà Nội! Ảnh: Vũ Minh Quân.

Hoa sen: Tháng 5 về, hồ Tây lại rộn rã đón các bạn trẻ đến chụp ảnh cùng đầm sen. Sen được cắt thành từng bó, mỗi bó độ chục bông, rong ruổi trên những chiếc xe đạp như nét chấm phá của mùa hè tại Hà thành. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Hoa phượng, hoa bằng lăng: Khi các cô cậu học trò gác bút nghiên, ve kêu giữa mùa hè cũng là lúc các đường phố Hà Nội trổ đầy sắc đỏ hoa phượng, lẫn sắc tím của bằng lăng. Hai bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn giữa phố Đinh Tiên Hoàng là nơi bằng lăng và phượng đua nhau khoe sắc mỗi khi hè về. Ảnh: Hoàng Hà.

Hoa sữa: Hè qua, thu tới, thiên nhiên không quên báo hiệu tiết trời vào thu bằng cách trổ bung những cánh hoa sữa nồng nàn. Hương hoa sữa len lỏi khắp không gian, khắp ngõ ngách của Hà Nội, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là phố Nguyễn Du dọc hồ Thiền Quang với những cây hoa sữa cổ thụ. Ảnh: Xuân Chính.

Hoa lộc vừng: Hà Nội có hai cây lộc vừng đẹp và nổi tiếng ở thủ đô bên hồ Gươm. Thông thường, loài hoa này nở mỗi năm một lần vào khoảng tháng 3 và 10 âm lịch. Lúc mặt trời xuống bóng, lộc vừng bắt đầu nở tỏa hương thơm nồng vào ban đêm. Sáng ra, các cánh hoa rụng đầy gốc cây và vương trên mặt nước, tạo cảm giác thi vị cho buổi bình minh. Ảnh: Hoàng Hà.

Cúc họa mi: Loài hoa này có thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 2 tuần lễ báo hiệu mùa đông sắp đến. Cánh hoa trắng muốt, nhị hoa vàng xanh, mảnh mai, được trồng nhiều tại các vườn hoa Nhật Tân (quận Tây Hồ) hay làng Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm). Hoa được bán trên khắp các con phố Giảng Võ, Nghi Tàm, Đội Cấn, Láng Thượng hay các chợ trong Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Nguồn: news

Gợi ý hành trình tự túc khám phá Singapore 4 ngày

VnewsTravel - Mặc dù Singapore là một quốc gia có diện tích khiêm tốn nhưng lại ẩn chứa nhiều điều thú vị đủ để du khách rong ruổi và tìm hiểu trong kỳ nghỉ 4 ngày.

Dưới đây là lịch trình du ngoạn đảo quốc sư tử để bạn tham khảo.

Ngày 1: Khu Tiểu Ấn, Tiểu Ả Rập, Phố Trung Hoa và cầu cảng Clarke Quay

12h30: Từ TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, bạn bay chuyến sáng và đến Singapore buổi trưa. Thời gian ở Singapore sớm hơn Việt Nam một tiếng, vì vậy khi vừa đến sân bay, bạn cần chỉnh lại đồng hồ theo giờ địa phương để tránh bị nhỡ chuyến bay lượt về.

Sau khi hoàn tất nhập cảnh Singapore, bạn theo các bảng chỉ dẫn Skytrain T2 để đến nhà ga tàu điện ngầm tiến vào trung tâm thành phố. Mua thẻ EZ Link tại quầy dịch vụ khách hàng, thẻ này có thể sử dụng để đi tàu điện ngầm, tàu điện trên không, xe buýt, vé vào cổng khu giải trí Sentosa hoặc mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi.

13h - 14h: Di chuyển vào trung tâm thành phố bằng tàu điện ngầm.

14h30 - 15h: Nhận phòng khách sạn.

16h - 19h: Khám phá các khu sắc tộc Tiểu Ấn, Haji Lane, Tiểu Ả Rập và Trung Hoa.

Ra khỏi trạm tàu điện ngầm (MRT) Little India là đến khu Tiểu Ấn. Bạn có thể thả bộ dọc hai bên đường Serangoon để nhìn ngắm hoặc mua sắm tại các cửa hàng bày bán quần áo, giày dép, đồng hồ, trang sức, vòng hoa nhài... theo phong cách Ấn Độ.

Haji Lane là dãy phố nhỏ với những ngôi nhà được sơn, vẽ tranh tường màu sắc nổi bật, nằm trong khu Ả Rập và cách trạm MRT Bugis khoảng 15 phút đi bộ. Khu phố Ả Rập được trang hoàng theo phong cách Trung Đông và Hồi giáo truyền thống. Đây là nơi thu hút người dân địa phương và du khách đến tham quan, mua sắm hàng ngày. Bạn có thể chọn cho mình các sản phẩm làm bằng tay độc đáo và nổi tiếng ở ngay đảo quốc sư tử.

Khi ra khỏi trạm MRT Chinatown, trước mặt bạn là trung tâm di sản Trung Hoa gồm các căn nhà cổ được trùng tu lại, trưng bày các cổ vật của những cư dân người Hoa đầu tiên, mô tả đời sống ở khu phố này thuở xưa. Đi dọc khu chợ đêm, bạn sẽ tìm thấy các mặt hàng như khăn choàng, đồ lưu niệm với giá 10 SGD ba món (khoảng 170.000 đồng).

19h - 20h: Dùng bữa tối với các món ngon tại phố ẩm thực Chinatown trên đường Smith.

Phố ẩm thực Chinatown được lắp đặt hệ thống làm mát tự động và mái che bằng kính, tập trung 24 quầy hàng ăn bình dân và 6 nhà hàng lớn. Tại đây, bạn có thể thưởng thức món mì Phúc Kiến Cheng Kee, mì hoành thánh Wanton, cánh gà nướng Chomp Chomp… Giờ phục vụ từ 11h đến 23h.

Khu vực cầu cảng Clarke Quay lung linh trong ánh đèn đêm. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.
20h30 - 22h: Ngắm cảnh con sông Singapore và nhâm nhi ly sinh tố ở khu cầu cảng Clarke Quay.

22h30: Trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 2: Phật Nha Tự, tòa nhà Marina Bay Sands và Gardens by the Bay

9h - 11h: Tham quan Buddha Tooth Relic Temple (Phật Nha Tự hay còn gọi là chùa Xá Lợi Răng Phật).

Phật Nha Tự là ngôi chùa linh thiêng tọa lạc trong khu Chinatown, thường xuyên diễn ra các buổi triển lãm nghệ thuật về tôn giáo của người Singapore. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc nhà Đường và Mandala Phật giáo, có ngôi tháp làm từ 320 kg vàng. Đến vãn cảnh chùa, bạn vừa hòa mình vào khung cảnh thanh tịnh, vừa chiêm ngưỡng bộ sưu tập các hiện vật xoay quanh cuộc đời đức Phật và xá lợi Phật - phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ hỏa thiêu nhục cốt của đức Phật và các vị cao tăng.

12h - 13h: Dùng bữa trưa tại khu ẩm thực ngon bổ rẻ Maxwell gần đối diện với chùa Phật Nha.

14h - 16h: Thưởng ngoạn vẻ đẹp của tòa nhà Marina Bay Sands.

Từ trạm MRT Chinatown, bạn đi khoảng một tiếng đến trạm Bayfront. Tại đây có hai hướng đối diện nhau là Marina Bay Sands và Gardens by the Bay.

Marina Bay Sands là tổ hợp gồm khách sạn, sòng bài và trung tâm thương mại cao cấp. Phía trước cổng chính có một lòng hồ hình phễu làm bằng kính để thả đồng xu cầu may mắn. Giữa tòa nhà là một hồ nước dài được thiết kế như dòng sông Venice. Thuê một chiếc thuyền nhỏ, bạn sẽ được xuôi theo dòng nước đi dọc khắp bên trong tòa nhà, ngắm nhìn các cửa hiệu. (Xem thêm hình về kỳ quan nhân tạo Gardens by the Bay).

17h - 19h: Khám phá những khu vườn bên vịnh Gardens by the Bay.

Gardens by the Bay trải dài bên bờ vịnh Marina với ba khu vườn mang tên: Bay South, Bay East và Bay Central. Đi tham quan vòng ngoài không mất phí, nhưng vào trong hai khu vườn nhà kính mái vòm thì phải trả phí 28 SGD (450.000 đồng). Tại vườn, bạn được dịp chiêm ngưỡng các "siêu cây" với chiều cao 25 - 30 m, có chức năng thu năng lượng mặt trời và phát sáng vào ban đêm. Tiến vào hai khu nhà kính mái vòm Flower Dome (vườn hoa) và Cloud Forest (rừng mây), bạn phải mất hàng giờ dạo quanh, chụp hình lưu niệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp những loại hoa miền ôn đới.

Tượng Sư tử biển Merlion - biểu tượng của đất nước Singapore. Ảnh: izooper.

19h30 - 21h: Thưởng thức món ăn đặc sản cháo ếch Singapore ở đường Geylang Lorong 9 (gần trạm MRT Kallang). Dễ dàng nhận ra quán với bảng hiệu in dòng chữ tiếng Việt "Nổi tiếng cháo ếch".

Ngày 3: Công viên Merlion, nhà hát Esplanade, cầu Helix, thành phố phong thủy Suntec City

9h - 11h: Chụp hình tạo dáng cùng biểu tượng huyền thoại Sư tử biển của Singapore. Tượng Sư tử biển Merlion cao 8,6m, nặng 70 tấn, có hình dạng đầu sư tử mình cá đang cưỡi trên sóng.

11h - 12h: Tham quan nhà hát Esplanade có kiến trúc độc đáo nhờ thiết kế như quả sầu riêng. Nơi đây là trung tâm biểu diễn nghệ thuật hoành tráng nhất đảo. Cách đó một đoạn là cầu Helix - cầu cây cầu bộ hành dài nhất Singapore (280 m), có cấu trúc xoắn kép đầu tiên trên thế giới.

13h - 15h: Đến thành phố phong thủy Suntec City và dùng bữa trưa tại các khu ẩm thực trong trung tâm thương mại.

16h - 20h: Khám phá thành phố Suntec City và biểu tượng tài lộc Fountain of Wealth.

Tọa lạc tại khu phong thủy Suntec City, Fountain of Wealth được đưa vào sách kỷ lục Guiness năm 1998 là Đài phun nước lớn nhất thế giới với biểu tượng lòng bàn tay úp ngược tượng trưng cho sự giàu có, phồn thịnh và lâu bền.

Du khách có thể vừa ngồi dùng bữa tối, uống tách trà, cà phê dọc theo các cửa kính ốp xung quanh đài phun nước, vừa nhìn ngắm các màn nhạc nước. Bạn cũng có thể đi quanh đài phun nước và bỏ xuống vài đồng xu cầu tài lộc. Vào buổi tối, đài phun nước lung linh huyền ảo với những ánh đèn đủ màu.

Fountain of Wealth, biểu tượng cho tài lộc, may mắn ở Singapore. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Ngày 4: Khu mua sắm Singapura Plaza và đảo giải trí Sentosa

10h - 15h: Đi dạo, mua sắm và ăn trưa tại Singapura Plaza (tọa lạc ngay trạm MRT trung chuyển Dhoby Ghaut). Singapura Plaza là trung tâm thương mại với các cửa hiệu và khu ẩm thực bán với giá phải chăng. Do vậy, nơi đây lúc nào cũng tập trung đông nhân viên văn phòng và du khách đến dùng bữa.

16h - 20h30: Ngay trạm MRT HarbourFront, bạn ra khỏi trạm, tới trung tâm thương mại Vivo City, tầng trên cùng là trạm tàu điện đưa hành khách đến Sentosa.

Sentosa là một hòn đảo thiên nhiên kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí nổi tiếng như khuôn viên có tượng Sư tư biển khổng lồ cao 37 m, rạp chiếu phim, khu thủy cung và bảo tàng hàng hải, khu biểu diễn xiếc cá heo. Bạn tha hồ tắm biển tại hai bãi biển Palawan và Siloso. Cuối ngày, du khách hãy dành thời gian để thưởng lãm chương trình biểu diễn nhạc nước Wings of Time hoành tráng trên đảo.
Nguồn: vnexpress

Thái Lan tái hiện huyền thoại Muay Thái tại Hà Nội

VnewsTravel - Thông qua môn võ cổ truyền biểu diễn tại Hội chợ Du lịch quốc tế đầu tháng tới, Thái Lan muốn giới thiệu về văn hóa và tinh thần thượng võ của xứ chùa Vàng.

Tham dự Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) năm nay cùng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) có 6 đơn vị, bao gồm công ty lữ hành, khách sạn, resort, hãng hàng không (Thai Airways) và một doanh nghiệp về điểm đến du lịch. Ngoài ra, TAT cũng mang đến chương trình môn Muay Thái do các võ sĩ biểu diễn tại sân khấu trung tâm theo các khung giờ cố định.

Tới VITM năm nay, du khách có cơ hội được xem các buổi biểu diễn Muay Thái đặc sắc mà TAT Thái Lan mang tới.
Thái Lan có khí hậu ôn hòa, tràn ngập ánh nắng, những bãi biển xinh đẹp, các công viên quốc gia rộng lớn và nhiều kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng. Để củng cố thêm niềm tin của du khách, TAT còn cho ra mắt chiến dịch Discover Thainess (Khám phá chất Thái) bằng những sự kiện, lễ hội đặc biệt.

Các sự kiện này đều tập trung vào tính độc đáo của di sản văn hóa như lịch sử, tôn giáo, ẩm thực, đặc biệt là sự ấm áp và lòng mến khách của con người. Với mục tiêu truyền nhân tố vui vẻ, hạnh phúc đến tất cả mọi người, TAT cũng bày tỏ hy vọng chiến dịch này có thể thúc đẩy, đồng thời tạo niềm tin cho du khách ghé thăm "thiên đường du lịch" để cùng cảm nhận "chất Thái" một cách trọn vẹn nhất.

Lịch biểu diễn Muay Thái tại VITM 2015:

Ngày 3/4: 10h30 - 11h

Ngày 4/4: 14h - 14h30

Ngày 5/4: 14h - 14h30

Ngày 6/4: 10h - 10h30

VITM 2015 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, địa chỉ 148 Giảng Võ, Hà Nội, chủ đề "Việt Nam - Đất nước của các di sản".

Mô hình gian hàng của Thái Lan tại VITM năm nay.
Nguồn: vnexpress

7 kỳ quan nhân tạo của viên ngọc Trung Đông

VnewsTravel - Cách đây 40 năm, Dubai chỉ là làng đánh cá nhỏ nhưng giờ đây, đất nước này trở thành một trong những thành phố hiện đại, năng động nhất thế giới.

Nguồn: vnexpress

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC