VnewsTravel - Vào những ngày đầu xuân, ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một lễ hội rất độc đáo, đó là lễ hội rước Cộ Bà chợ Được.
Lăng Bà đã được các vua triều Nguyễn sắc phong và Bà được phong Thượng đẳng thần. Lăng Bà chợ Được cũng đã được tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội rước Cộ Bà chợ Được diễn ra trong 2 đêm 11 và 12 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội khắc họa đậm nét chân dung một vùng quê tuy còn nhiều gian khó nhưng rất trân trọng các giá trị lịch sử và rất đỗi anh hùng, vững bước đi lên. Với những ý nghĩa đó, việc chuẩn bị cho lễ rước Cộ Bà chợ Được đang được chính quyền và người dân nơi đây tích cực chuẩn bị.
Hai bàn kiệu quan trọng nhất của lễ hội đã được người dân thôn 3, xã Bình Triều- nơi đặt di tích Lăng Bà bắt đầu tiến hành những công đoạn đầu tiên từ ngày Mùng 4 Tết. Theo các bậc cao niên, đây là 2 bàn kiệu quan trọng nhất trong lễ hội rước Cộ. Một bàn dùng để rước Sắc Bà, và một bàn kiệu để rước sắc phong của Vua và Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Lăng Bà. Các bàn cộ được người dân rước đi vòng quanh các ngã đường trong xã trong 2 đêm liền để thể hiện lòng thành kính, tri ân.
Lão ông Nguyễn Rân, người dân xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết, từ bao đời nay, tất cả các thế hệ trong làng không phân biệt tuổi tác hay giới tính đều hết mực thành tâm đối với lễ hội. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng của UBND huyện Thăng Bình, người dân xã Bình Triều đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động, trưng dụng nhiều vật dụng của gia đình và đóng góp thêm kinh phí để phục vụ cho lễ hội. Mong muốn lớn nhất của cụ Rân cũng như người dân Bình Triều là mãi kế tục truyền thống của cha ông để giữ gìn nét đẹp văn hóa này.
Ngoài hai bàn cộ không thể thay đổi trong lễ hội rước Cộ bà Chợ Được hàng năm là Cộ bàn rước Sắc bà và Cộ bàn rước Sắc phong của Vua, năm nay, Lễ hội có thêm các bàn Cộ tái hiện các truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, chân dung vị anh hùng dân tộc vua Quang Trung- Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh và đặc biệt năm nay vừa tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vì vậy việc khắc họa một bàn Cộ để tái hiện lại giây phút lịch sử của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp với mốc son là bắt sống tướng giặc, kéo cờ chiến thắng trên nóc hầm vào được người dân nơi đây chuẩn bị kỹ càng. Để làm bàn Cộ này, dưới sự điều hành của các nghệ nhân, người dân trong thôn đã chuẩn bị mọi vật liệu từ những ngày trước Tết. Mỗi người được đảm nhận một công việc khác nhau. Tất cả mọi người đều nhiệt tình trong việc đóng góp sức người, sức của để hướng đến ngày “trình làng” tác phẩm của mình.
Ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Trưởng Ban chỉ đạo các hoạt động lễ hội huyện Thăng Bình cho biết: Để lưu truyền Lễ hội rước Cộ Bà chợ Được, huyện Thăng Bình sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu một cách bài bản các hoạt động của lễ hội để trên cơ sở đó có sự đầu tư thích đáng, nhằm nâng tầm quy mô của lễ hội cũng như sự lan tỏa của lễ hội đến với cộng đồng gắn liền với các hoạt động văn hóa tinh thần trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Lễ hội rước Cộ Bà chợ Được thường được kết thúc với màn thả hoa đăng trên sông Trường Giang như một lời tri ân với tổ tiên và ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an./.
Nguồn: TCDL
Add a Review?