VnewsTravel - Dân Hội An thế nào thì lãnh đạo thế đấy. Ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự là một người Quảng rặt. Bằng bản chất “quê mùa”, cục bộ, ông đã lấy được cảm tình người dân quanh năm với phong thái nói chuyện rất chi là “nông dân”.
Phố cổ Hội An
Từ lãnh đạo đến người dân rất chân quê: Sai thì nhận rồi sửa; Không tránh né, đùn đẩy. Đó là nét đẹp của con người Hội An đã làm tôi, thời sinh viên, mẩn mê.
Từ danh hiệu “Thành phố lãng mạn nhất thế giới” (Tạp chí Indiatimes - Ấn Độ), “điểm đến hấp dẫn thứ 2 châu Á” (Tạp chí Conde Nast Traveler – Mỹ), “thành phố được yêu thích nhất” (Tạp chí Gold Award – Mỹ), “điểm đến hấp dẫn nhất thế giới” (Tạp chí Wanderlust – Anh), cho đến cả “thành phố châu Á rẻ nhất cho du lịch “bụi” (Trang du lịch Price of Travel),... như là bằng chứng cho sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân Hội An về việc xây dựng một điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện nhất hành tinh…
Khác với những nơi từng đến, Hội An để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Đó không chỉ là nét rêu phong cổ kính trầm mặc của một cảng thị thưở vàng son “lụi tàn” mà trên hết là sự thân thiện, lịch lãm, chân chất của con người xứ Quảng “ăn cục, nói hòn”.
Tôi còn nhớ những ngày còn là cậu sinh viên. Ngày đó, mỗi lần có dịp về dẫn bạn về Quảng Nam chơi tôi đều đến Hội An. Như là đề quảng bá về một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt.
Từ hình ảnh của chị bán cá, cô bán rau, bà bán chè, anh xe ôm, bác xích xô, lão tàu phớ, xí mà; cho đến dáng dấp, lời nói của những vị lãnh đạo đều phảng phất chất “hồn quê” dân dã đáng quý.
Dân “buôn” với nhau, họ trò chuyện cởi mở, chân thành, không rào trước đón sau, nghĩ gì nói nấy. Hay đúng như cách gọi người Quảng là “ăn to, nói lớn”. Mới lần đầu tiên nghe, nhiều người cứ ngỡ như là bị “tạt” nước vào mặt. Nghe họ nói mà cứ tưởng như là họ đang “chửi” mình. Càng nói càng thấy họ gần gũi, hiền hậu.
Hội An dẫu có nhiều thành phần gốc gác, là người Hoa, Nhật, Ấn... vì ngày xưa là một Thương cảng nổi tiếng nhưng theo thời gian, phần nhiều đã bị “bản địa” hóa tiếng nói và tính cách người Quảng “Nôm”. Trong cách nói chuyện, người Hội An không cầu kỳ, văn vẻ, quanh co mà chân phương đi thẳng vào vấn đề một cách nhiệt tình, thẳng thắn.
Lướt qua những gánh chè bắp hàng rong vỉa hè góc phố nhỏ, lời mời gọi giòn tan của các bà hút khách: “Ghé eng (ăn – PV) chén chè bắp phố Hội tươi nóng đi các cô các cậu ơi… 5.000 đồng một chén rẻ bèo”. Hay quanh gánh lão tàu phớ - xí mà dịu ngọt: “Một tô tàu phớ cho mát nhé cháu!...”. Một trong số những tiếng chào hàng mộc mạc, chân thành, thân quen hiếm gặp ở giữa phố thị.
Rồi dạo một lượt theo chân những bác xích xô, anh xe ôm rất chân quê. Không có cảnh “xí” người chằng ngang giành khách. Các bác, các anh rất trật tự rồi ai cũng sẽ đến lượt rồi có phần. Khách được dìu lên xe cẩn trọng, chu đáo. Trước khi “nổ máy” kèm theo lời nhắc sẵn sàng cho khách. Giá cả phải chăng, có quy định rạch ròi, không “chặt chém”.
Ông Nguyễn Sự đạp xe chở nhà văn Nguyên Ngọc đi dạo trong phố cổ
Tạt qua khu chợ cũ Hội An ngăn nắp, sạch sẽ. Những dãy quán được phân theo khu khá “đẹp mắt”. Nụ cười chào hàng niềm nở. Ánh mắt “hoang sơ” đến lạ lùng, cứ đưa qua đưa lại. Không có cảnh chèo kéo khách. Mời lần 1 – lần 2, khách không mua vẫn mỉm cười lặng lẽ rời đi. Khác hẳn với lối chào hàng chụp giựt vẫn thường thấy trong những di tích văn hoá – lịch sử, tín ngưỡng – tâm linh vốn ở đâu đấy.
Dân Hội An như thế nào thì người lãnh đạo cũng thế. Ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự là một con người như thế. Bằng cái bản chất “quê mùa” cục bộ ông Bí thư này đã lấy được cảm tình người dân quanh năm bằng phong thái nói chuyện rất chi là “nông dân”.
Mọi việc cho dù đúng hay sai gì không biết nhưng ông đều tiếp dân một cách chân thành chỉ duy một cái phương ngôn “lên bờ xuống ruộng” sặc sụa tiếng Quảng. Việc gì dân hay du khách góp ý, phàn nàn về phố cổ ông đều tiếp thu rồi trực tiếp xuống chỉ đạo. Đơn cử như vụ “tận thu” vé tham quan vào phố cổ đang nóng dư luận thời gian. Ông đã có cách ứng xử dung dị mà thực tế. Ông dám đối diện và chấp nhận cái sai trái và sự đổi thay: sai thì nhận rồi sửa.
Đây là cách xử trí khôn khoé của lãnh đạo trong vụ “tẩy chay” Hội An chỉ vì một tấm vé số. Và dù sự việc “ầm ĩ” trên được lan truyền trên các trang báo với những lời phàn nàn, cáu ghét nhưng lượng khách đến với phố cổ Hội An vẫn không giảm. Dường như phần nhiều là những vị khách “ruột” của Hội An. Hội An đã khẳng định thương hiệu, kiếm được một chỗ đứng vững.
Dòng Hoài giang vẫn thế cứ chảy. Phố Hội Chùa Cầu vẫn nét cổ kính soi mình bóng nước. Và vẫn là những hình ảnh đẹp yên bình của những con người Hội An nồng hậu, chân chất và hiền hoà. Cứ thế chầm chậm làm nên một “tố chất” rất chi Hội An mà sâu lắng lạ… từ cuộc sống bình dị của những con người phố Hội.
…Để rồi một ai đã một lần về với phố Hội chùa Câu vang mãi câu ca:
“Ai qua phố Hội chùa Cầu;
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”.
Nguồn: motthegioi.vn
Add a Review?