VnewsTravel - Dù tổ chức thành công nhiều kỳ Festival, được xác định là thành phố, thành phố Festival, đang triển khai và cấp phép hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án du lịch... nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia thì Huế đang "cũ” đi.
Lăng Tự Đức
80% khách du lịch di sản Huế đang nắm giữ hai giá trị di sản văn hóa bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình. Khi đến Huế du lịch, ngoài thưởng thức các danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món ẩm thực, thì việc tìm hiểu về giá trị văn hóa của hai di sản này chính là đam mê của mỗi du khách. Theo thống kê, số lượt khách đến Huế với mục đích tham quan, tìm hiểu lịch sử, tận mắt chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới chiếm tới gần 80% tổng lượt khách du lịch.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2014, di tích Huế đã đón hơn một triệu rưỡi lượt khách, trong đó khách quốc tế có hơn sáu trăm lượt, khách trong nước có hơn tám trăm lượt, doanh thu bán vé đạt hơn một trăm tỉ đồng.
Hiện nay, Huế đang từng bước hoàn thiện mình, nhiều công trình kiến trúc, nhiều không gian diễn xướng được khôi phục như: Tứ Phương Vô Sự, thuyền Quan Long, biểu diễn Nhã nhạc tại nhà hát Duyệt Thị Đường, chương trình nghệ thuật Bốn mùa yêu tại vườn Cơ Hạ, tái diễn các hoạt cảnh như: lễ đổi gác, rước hoàng thái hậu hồi cung… Đây chính là "đặc sản văn hóa” góp chung vào những giá trị tinh thần để du khách chiêm nghiệm.
Huế đang "cũ” đi?
Nhiều du khách khi đến Huế đều cho rằng người Huế hòa nhã chân tình. Nhưng đã có nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao du khách không lưu lại với Huế lâu hơn, tại sao họ không quay lại khi đã một lần đến Huế?
Đã từng có một cuộc hội thảo về việc phát triển du lịch, và tại cuộc hội thảo này, ông Trịnh Quang Thang - Đại diện Công ty du lịch Việt Nam đã phát biểu khi nói về du lịch Huế: "Đây là mảnh đất của huyền thoại, đi đâu cũng gặp huyền thoại. Nhưng hai, ba chục năm rồi, sông vẫn vậy, núi vẫn vậy, biển vẫn vậy, chúng ta vẫn chỉ khai thác những cái mình có. Nhiều người chưa đến Huế hoặc chỉ đến Huế một lần là vì Huế thiếu đột phá, vẫn chỉ thành nội, lăng tẩm, ca Huế… Tôi coi Huế là thánh địa của du lịch, nhưng thánh địa này ảm đạm quá”.
Chị Phương Hà, một du khách đến từ miền Nam chia sẻ: "Tôi đến Huế, yêu con người và vùng đất nơi đây, nhưng tôi thực sự không hài lòng khi tham quan chợ Đông Ba, một địa chỉ mua sắm nổi tiếng nhưng quá nhếnh nhác, thậm chí tôi đã mua quà lưu niệm với giá gấp 3 lần giá bán cho người khác. Tôi thật sự hoang mang và cảm thấy chợ Đông Ba không như mình đã nghe về nó.”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong Đại Nội cần có một điểm dừng chân nghỉ ngơi, bởi vì diện tích tham quan quá rộng nên du khách không thể cùng một lúc có thể đi hết. Ngoài ra, cần có thêm dịch vụ tại điểm dừng chân để du khách không cảm thấy mệt và buồn. Ngay những người của di tích, làm sao để có những trang phục thực sự đúng với triều đình nhà Nguyễn ngày xưa để thể hiện hết được nét văn hóa chốn Hoàng cung. Cố gắng trùng tu, tìm tòi và nghiên cứu tài liệu để đưa về giá trị nguyên bản của nó và gắn với con người đời thường hơn.
Hiện nay, theo thống kê chưa chính thức của Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế, Huế có khoảng hơn 50 trung tâm lữ hành, nhưng làm thế nào để Huế có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch vẫn là một điều nan giải. Nhiều người cho rằng, để du lịch Huế phát triển, Huế cần có một Hội nghị bàn tròn giữa các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch… nhằm tìm ra một giải pháp toàn diện và mới mẽ về việc quảng bá hình ảnh của Huế trong việc phát triển du lịch.
Nguồn: daidoanket.vn