VnewsTravel - Trên địa bàn hai xã Trường Sơn và Trường Xuân của huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, gần 50% dân số là dân tộc Bru-Vân Kiều. Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân tộc Vân Kiều vẫn luôn xây dựng và giữ gìn những nét văn hóa, phong tục đậm đà bản sắc truyền thống, phản ánh rõ nét tập quán canh tác, tín ngưỡng của mình trong cuộc sống.
Với hàng ngàn năm sinh sống trong các thung lũng, trên những lèn núi đá, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, múa đám chay, hát giao duyên, hay các nhạc cụ truyền thống như kèn, sáo, đàn và các dụng cụ hằng ngày sử dụng lên nương rẫy như A rừa, A chói cũng được đưa vào các điệu múa hát của người Bru-Vân Kiều.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết của người Bru–Vân Kiều tại 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân nói trên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo tồn văn hóa dân tộc chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức theo nhu cầu và theo chủ trương. Do vậy, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa.
Nhận thấy được thực trạng và nhu cầu cần thiết trong việc khôi phục và phát triển nền văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều và thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nên văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, từ năm 2006, Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) đã hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều bản Khe Ngang thuộc xã Trường Xuân thực hiện dự án sáng kiến cộng đồng về bảo tồn văn hóa dân tộc do nhóm phụ nữ đề xuất và thực hiện. Ban đầu đội văn nghệ được hình thành với 13 thành viên nòng cốt, trong đó có 4 nam, 9 nữ. Sau khi thành lập đội văn nghệ đã tiến hành mua sắm các trang phục, nhạc cụ truyền thống từ nguồn kinh phí do dự án hỗ trợ. Đồng thời tổ chức luyện tập các bài hát, điệu múa, điệu hò và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc do các nghệ nhân người Vân Kiều sống tại bản truyền dạy. Một số loại hình văn hóa văn nghệ được đội văn nghệ bản Khe Ngang phục hồi như: múa mừng lúa mới, múa đám chay, múa đám cưới; hát giao duyên, hát đối đáp, hát ru con. Đội cũng đã sử dụng, phục hồi một số nhạc cụ của dân tộc như: kèn, sáo, chiêng, xập xèng, đàn pơlư và một số trang phục dân tộc cũng được phục dựng trong các cuộc trình diễn văn nghệ như: váy khố, khăn đạm, gùi, A rừa, A chói. Đến nay, sau 7 năm thực hiện, Đội văn nghệ dân tộc bản Khe Ngang tiếp tục duy trì và mở rộng được 30 thành viên, trong đó có 7 nam và 23 nữ. Ngoài ra, một số thành viên trong đội văn nghệ Khe Ngang đã tham gia các hoạt động hỗ trợ của xã Trường Xuân mở rộng thêm đội văn nghệ tại bản Khe Dây với 10 thành viên dân tộc Vân Kiều tham gia.
Học tập từ mô hình bảo tồn văn hóa văn nghệ thành công tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, năm 2007, nhận được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ RDPR, UBND xã Trường Sơn đã tiến hành thành lập đội văn hóa văn nghệ dân tộc với 12 thành viên, gồm 6 nam và 6 nữ đều là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Sau khi được thành lập đội văn nghệ xã Trường Sơn đã tổ chức nhiều buổi luyện tập và phục hồi được nhiều điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc; phục hồi và luyện tập một số nhạc cụ dân tộc, trang phục và dụng cụ sản xuất truyền thống. Hiện nay, đội văn nghệ dân tộc xã Trường Sơn đã tăng lên được 20 thành viên, trong đó có 11 nam, 9 nữ và đã hỗ trợ thành lập thêm đội văn nghệ bản Khe Cát với 25 thành viên gồm 12 nam, 13 nữ. Từ những thành công đạt được của dự án Quỹ RDPR hỗ trợ, năm 2013, UBND xã Trường Sơn đã huy động thêm một số nguồn kinh phí từ dự án Phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Kông tỉnh Quảng Bình để mở lớp “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru- Vân Kiều” cho 26 học sinh là người Bru-Vân Kiều trong xã.
Từ khi được Quỹ RDPR hỗ trợ thành lập đội văn nghệ dân tộc tại hai xã Trường Xuân và Trường Sơn của huyện Quảng Ninh, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều tại hai xã được chính quyền và người dân địa phương quan tâm và sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc vùng sâu vùng xa được sôi nổi hơn. Các đội văn nghệ dân tộc đã tham gia tích cực trong các hoạt động văn hóa văn nghệ và tham gia tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước tại địa phương rất hiệu quả. Việc bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua thành lập đội văn nghệ dân tộc Bru-Vân Kiều như là niềm tự hào của các thành viên và của người dân địa phương. Với những động viên khích lệ của chính quyền, các thành viên đội văn nghệ dân tộc xã Trường Xuân và Trường Sơn đã thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn tại nhiều cuộc thi trong nước như “Liên hoan tiếng hát 54 dân tộc Việt Nam” tại Hà Nội (2009), giao lưu văn hóa dân tộc tại Gia Lai, Quảng Ngãi (2011), hội thi “Làn điệu dân ca các dân tộc Việt Nam” tại Hà Tĩnh, Huế (2012) và đạt được nhiều giải thưởng.
Trong nhiều năm qua, Quỹ RDPR huyện Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc Vân Kiều thông qua các dự án sáng kiến cộng đồng do người dân trực tiếp thực hiện. Trong đó, đặc biệt đối với dự án sáng kiến cộng đồng về bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều đã có tác động hiệu quả trong việc phục hồi và phát triển văn hóa dân tộc tại địa phương. Ghi nhận những đóng góp trên của Quỹ RDPR, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã tặng bằng khen việc thực hiện tích cực Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nên văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Có thể thấy, hoạt động khôi phục và phát triển văn hóa người Bru-Vân Kiều có ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hai xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân. Đồng thời, giúp cho thế hệ trẻ dân tộc Vân Kiều hiểu biết hơn, tự hào hơn về văn hóa của chính dân tộc mình và tham gia phát huy, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Chia sẻ về hoạt động này, bà Hồ Thị Con, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Trường Sơn đồng thời cũng là thành viên của đội văn nghệ dân tộc cho biết, từ khi có các hoạt động văn nghệ văn hóa dân tộc Vân Kiều được tổ chức, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong bản được đi lên, lớp trẻ biết được và tự hào về các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều, mạnh dạn tham gia giao lưu, biểu diễn với các địa phương khác. Hoạt động văn nghệ đã thu hút nhiều người tham gia vào đội văn nghệ của bản hơn, các bản đã học tập lẫn nhau để tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở bản của mình ngày được tốt hơn./.
Nguồn: TCDL
Add a Review?