VnewsTravel - Dạo bước trên con đường dẫn vào đền, gió lồng lộng thổi từ cánh đồng thăm lại khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng).
Bước qua cổng Tam Quan là đền thờ với ba gian tiền đường và hai gian hậu cung được lập từ nền nhà cũ của Trạng Trình. Cây đa cổ thụ thân to mấy người ôm không xuể, rễ buông mành xuống sân. Hai con rồng đá ngự bên bức bình phong như trang sách mở ra tôn thêm vẻ trang nghiêm cho ngôi đền. Cây cầu đá bắc qua hồ Thái Nhâm, phía dưới đàn cá vàng bơi lội trong làn nước trong vắt. Các em nhỏ thích thú ngắm nhìn những chú cá quẫy nước, đớp mồi.
Sừng sững ở trung tâm quần thể di tích, tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7 m, nặng 8,5 tấn uy nghiêm qua bao mùa mưa nắng. Lư hương bên tượng đài lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Hai bức phù điêu lớn với những nét điêu khắc tinh sảo của các nghệ nhân đã dựng lên những thước phim sống động về những thăng trầm trong cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tạo thế “tọa sơn vọng thủy”, tượng đài hướng ra hồ bán nguyệt rộng khoảng 1000m2, hàng liễu xanh ngăn ngắt rủ bên bờ, tựa vào chín ngọn núi sấm sừng sững. Trèo lên đỉnh những ngọn núi này, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh làng mạc mờ mờ trong khói lam chiều, cánh đồng thẳng cánh cò bay, chú bé mục đồng vắt vẻo lưng trâu, rồi thu vào tầm mắt toàn bộ khung cảnh khu di tích: trầm mặc chùa Song Mai, đền thờ có tượng bà Minh Nguyệt (vợ thứ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), đền thờ thân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng gỗ lim vững chắc như thách thức với thời gian, um tùm những tán cây, bồn hoa được cắt tỉa chu đáo…
Dạo bước trong khu di tích thả hồn vào không gian làng quê yên bình với rặng tre xanh. Lạc vào khu vườn tượng với những bức tượng kích thước và hình dáng như thật diễn tả cuộc đời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rất nhiều du khách đã chọn nơi này để ghi lại những bức ảnh kỉ niệm. Khu vườn tượng không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn có giá trị lịch sử quý giá.
Điểm nhấn của khu di tích là căn nhà được lợp bằng cói mô tả Bạch Vân Am trước đây. Khoảnh sân nhỏ cũng là lát cắt trong quãng đời của Bạch Vân cư sĩ từ sau khi cáo quan về ở ẩn với những bức tượng đủ hình hài, những đứa trẻ cùng bố mẹ đến xin cụ dạy chữ, những vị quan vốn là học trò đến vấn an cụ,…
Thật tiếc nếu bạn đến thăm khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà lại bỏ qua nhà trưng bày. Nơi đây lưu giữ bút tích, những kiệt tác văn học qua những bản in cổ, những lời sấm truyền cho ngàn đời sau… Bạn sẽ được sống lại những khoảnh khắc lịch sử với những hiện vật giá trị.
Đến đây, được thả hồn vào nét quê thanh bình, bạn còn được nghe những giai thoại thú vị mang màu sắc huyền bí về khả năng tiên tri thần kì của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để rồi tự hào, để rồi nhớ mãi.
Quần thể khu di tích còn được mở rộng với Tháp bút Kình Thiên, tương truyền được học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên thể hiện niềm tôn kính, ca ngợi tài năng của cụ như trụ cột chống trời. Bên bờ sông Hàn là Quán Trung Tân nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thường ngồi câu cá và nghĩ suy thế sự. Khu di tích rộng gần 6 ha đủ để du khách trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau./.
Nguồn: TCDL
Add a Review?