VnewsTravel - Xây dựng từ thế kỷ 17, chùa Bút Tháp vẫn lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, đặc biệt là bảo tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng về dân ca quan họ, Bắc Ninh còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước với nhiều ngôi chùa cổ. Bên cạnh chùa Dâu, chùa Phật Tích…, chùa Bút Tháp là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình du xuân đầu năm của nhiều Phật tử và du khách phương xa.
Chùa Bút Tháp nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ Hà Nội, bạn có thể qua cầu Chương Dương và men theo đường đê sông Đuống hoặc đi thẳng hướng quốc lộ 5, đến ngã ba Sủi rẽ trái hơn 10 km là đến chùa Bút Tháp. Bằng không, bạn bắt xe buýt 204 xuống Xuân Lâm và đi xe ôm chừng 5 km nữa.
Chùa Bút Tháp nhìn từ cổng vào. Ảnh: Kim Anh.
Theo con đường chạy xuyên qua cánh đồng lúa bạt ngàn, bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp trầm mặc, trang nghiêm của ngôi chùa cổ. Lối dẫn vào chùa là con đường gạch đá rêu phong cùng hàng cau xanh mướt. Không gian thanh tịnh bao trùm khi ngay trước sân chính là hai cây đa rễ rủ như buông màn.
Không bước vào bằng cửa chính như những ngôi chùa khác, du khách đến viếng thăm chùa phải đi qua cánh cổng nhỏ vừa đủ một người qua ở phía hiên chùa. Tới đây, bạn sẽ nhận thấy hiếm có ngôi chùa cổ nào mà quy mô kiến trúc lớn và bề thế như chùa Bút Tháp.
Cụm kiến trúc trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường "thần đạo" và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là tòa Tiền Đường, Thượng Điện, Cầu Đá, tòa Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, tòa Hậu Đường và hàng tháp đá.
Tượng La Hán thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo. Ảnh: Kim Anh.
Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng nam, hướng truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật, hướng Nam là hướng của trí tuệ, của bát nhã. Với cách bố trí độc đáo, chặt chẽ và sinh động, cộng với sự kết hợp hài hòa các chất liệu gạch, gỗ, đá… du khách vãn cảnh chùa như được bước vào con đường tu đạo với một tâm hồn nhẹ bẫng.
Đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa, chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ. Nổi bật là bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 2,35 m (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng), có 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ. Một trong những vẻ đẹp riêng của pho tượng là các cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt.
Tượng tọa trên đài sen do một con rồng nhô lên từ mặt nước đội lấy. Phía trên đầu là các pho tượng Phật ngồi cao dần, và trên cùng là Phật A Di Đà, Đức Phật của cõi Tây Phương cực lạc. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Thị Kính. Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ..., còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo.
Đến phủ thờ nằm sau Phật điện, trong ngôi nhà 5 gian đặt hai pho tượng quý, tạc chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (nhà Lê) đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Từ thượng điện, đi qua một chiếc cầu đá có 3 nhịp uốn cong, bạn sẽ bắt gặp cây Cửu Phẩm Liên Hoa trong Tích Thiện am. Đây là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại.
Còn rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn trong ngôi chùa cổ này đang chờ bạn khám phá, nhất là mùa lễ hội du xuân 2014 đang đến gần.
Add a Review?