VnewsTravel - Chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh không chỉ mang đậm dấu tích lịch sử, chứng kiến nhiều sự đổi thay, thăng trầm của thành phố, mà còn là địa điểm buôn bán điển hình gắn với sự phát triển kinh tế, nơi giao thoa về văn hóa, du lịch của vùng đất Sài Gòn…
Năm 1680 các thương khách Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… tấp nập ngược sông Sài Gòn lên Cù Lao Phố (Biên Hòa) để buôn bán trao đổi. Nhưng từ năm 1777, bị tác động mạnh do những tranh chấp quân sự, chính trị giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn nên Cù Lao Phố suy tàn nhường chỗ cho Sài Gòn. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, Sài Gòn không ngừng phát triển và trở thành một đô thị sầm uất hàng đầu của nước ta. Trong sự phát triển đô thị, chợ luôn là hạt nhân, nòng cốt gắn kèm. Chợ Bến Thành hình thành trên dưới 100 năm nay, là một biểu tượng quan trọng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
Chợ Bến Thành ngày nay.
Xưa kia, chợ xây trên ao Bồ Rệt sình lầy được san lấp. Cái tên Bến Thành đã có từ trước khi chợ dời về vị trí hiện nay. Vị trí đầu tiên của chợ là nằm sát ven sông, một bến nước của thành Gia Định nên mang tên Bến Thành. Sau đó, để có mặt bằng làm bến tàu, thực dân Pháp dời chợ về vị trí Kinh Lắp (nay là đường Nguyễn Huệ), tuy lúc này chợ không nằm ở ven sông nhưng người dân vẫn gọi với tên truyền thống là Bến Thành và được khai trương năm 1914 trên diện tích rộng 12.000m2. Nằm ở vị trí thuận lợi, chợ Bến Thành trở thành một đầu mối giao thông và thương mại quan trọng vào bậc nhất của Sài Gòn, người mua bán luôn nhộn nhịp, tấp nập. Năm 1944, chợ bị máy bay đồng minh ném bom làm hư hại nặng nề. Năm 1950, chợ được trùng tu lại. Ngày 9/11/1951, hàng vạn học sinh, sinh viên biểu tình đã đốt phá chợ bày tỏ lòng căm phẫn đối với thực dân Pháp và tay sai. Đến đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, chính quyền Sài Gòn có ý định phá dỡ chợ để xây mới hoàn toàn theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng. Nhưng do chiến tranh còn ác liệt và dư luận Sài Gòn lúc ấy còn nhiều bất đồng, không tán thành việc thay đổi hình ảnh quen thuộc của chợ Bến Thành nên đồ án không được thực hiện. Đến tháng 7/1985, chợ Bến Thành bắt đầu cải tạo, sửa chữa theo đồ án của Phó Tiến sĩ Hoàng Như Tấn, có tham khảo ý kiến của các kiến trúc sư khác và hoàn thành ngày 25/8/1985, đưa vào sử dụng từ đó.
Hiện nay, chợ Bến Thành có diện tích 13.056m2 với 4 cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, hằng ngày đón khoảng trên 10.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Đây là ngôi chợ bán lẻ quy mô nhất với đầy đủ các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp: Vải, hàng lưu niệm, rau, cá…
Đến Bến Thành, du khách không nên bỏ qua khu ẩm thực mang đầy đủ hương vị đặc biệt của ba miền. Tháng 1/2012, Tạp chí ẩm thực Food and Wine nổi tiếng đã chọn Bến Thành là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh, điều này đã phần nào khẳng định được vị thế của chợ trong nền giao thoa ẩm thực.
Khách hàng đến chợ Bến Thành có hai dạng: Khách vãng lai chủ yếu là người nước ngoài và khách hàng thân thiết là dân cư lâu năm, sống quanh các con phố của Sài Gòn. Có một nét đặc trưng, hấp dẫn, đó là sự mời chào bằng các thứ tiếng nước ngoài thông thạo cùng những khuôn mặt xinh tươi, ăn mặc hợp thời trang phần nào làm cho chợ thu hút được ngày một nhiều lượng khách tham quan. Tuy đa dạng không thiếu một mặt hàng gì nhưng giá cả trong chợ không đắt đỏ, nếu bạn biết nhìn hàng và biết cách trả giá thì sẽ mua được hàng với giá sỉ, vì ở đây ngoài việc bán lẻ còn chuyên bán sỉ cho các chợ, các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Chợ Bến Thành là một trong những trung tâm thương mại lớn của thành phố. Ai một lần đặt chân đến ắt hẳn sẽ không thể ra về mà không mang theo kỉ niệm. Mỗi du khách sẽ có những khoảnh khắc lắng đọng riêng và đều cảm nhận ở đây một nét chung là sôi động, thân thiện, mua sắm đáng tin cậy.
Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn
Add a Review?