VnewsTravel - Gần một năm sau khi chiến lược phát triển du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 khởi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch, lượng du khách tham gia vẫn khá èo uột. Tuy đầy tiềm năng và hấp dẫn nhưng du lịch đường thủy TP.HCM đang vấp phải nhiều rào cản.
Hấp dẫn…
Du khách đang xuống tàu theo tour đại lộ Đông Tây
Sau nhiều ngày đăng ký và mấy cuộc điện thoại, tôi mới được nhân viên bán tour của Saigontourist cho biết: “Hiện có ba khách người nước ngoài, thêm chị nữa là bốn, đủ để khởi hành tour đại lộ Đông Tây (ĐLĐT)”. Sự hiện diện của tôi, một người Việt sống tại TP.HCM, khiến tất cả ê kíp từ nhân viên bán tour, hướng dẫn viên (HDV), tài xế đưa khách ra bến tàu, đến đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Họ nói: “Trước giờ chỉ thấy khách Tây hoặc Việt kiều”.
Con tàu mới mẻ, khang trang cập Bến Bạch Đằng đón bốn du khách cùng một HDV. Chúng tôi được yêu cầu mặc áo phao và bước lên tàu với sự hỗ trợ của các thuyền viên. Tàu có sức chứa tối đa 20 khách, hai hàng ghế được sắp đâu lưng vào nhau để du khách có thể vừa ngồi vừa ngắm cảnh. Đứng hoặc ngồi, du khách đều có thể quan sát được quang cảnh hai bên bờ sông.
HDV đưa ra một thông báo và xin lỗi du khách vì phải chuyển hướng tour sang đi dọc Sài Gòn chứ không vào được kênh Tàu Hủ Bến Nghé, theo ĐLĐT do lúc đó nước ròng. Con thuyền từ từ rẽ sóng ra giữa sông Sài Gòn, hướng về Bến Nhà Rồng. HDV bắt đầu thuyết minh về từng cảnh vật, địa danh hai bên bờ sông, từ lịch sử của Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, cầu Mống, hầm Thủ Thiêm, đến khu cảng Q.4, cảng Tân Thuận, những dự án bên kia bờ sông Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm… bằng tiếng Anh một cách lưu loát và hấp dẫn.
Tôi đã nhiều lần chạy xe máy dọc đường bộ ven sông Sài Gòn, song cái cảm giác được ngồi trên thuyền, ngắm trung tâm TP từ mặt nước thật khác hẳn. Dọc bên bờ Q.1, Sài Gòn lung linh, huyền ảo khi phố lên đèn; dọc bờ Q.4 là những bến cảng tiếp nối, tàu thuyền lớn nhỏ san sát…
Chúng tôi kết thúc chuyến đi sau gần một giờ đồng hồ. Các du khách nước ngoài hào hứng cho biết, họ cảm thấy rất thú vị sau hành trình. Bản thân tôi cũng có cảm giác tương tự nhưng lại không khỏi băn khoăn, bởi lượng du khách còn quá ít so với tiềm năng của tour.
… Nhưng còn nhiều bất cập
Hành trình ĐLĐT hay dọc theo sông Sài Gòn khá ngắn, chỉ trong một giờ đồng hồ, cả lượt đi lẫn lượt về. Trong khi đó, hành trình đến Củ Chi, Cần Giờ thì dài nhưng không có bất cứ điểm dừng nào. Chị Nhã (Việt kiều Úc), đã từng đi tour Củ Chi đường sông cho biết: “Suốt lượt đi tôi thích thú với những cảnh vật hai bên đường, nhưng đến lượt về thì thực sự không còn hào hứng nữa, cảm giác cuối cùng đọng lại là chán và mệt mỏi vì biết suốt đoạn về, không còn chỗ nào để ghé lại, khám phá”.
Nghèo nàn điểm đến, thiếu điểm dừng chân, thiếu bến đỗ, cầu tàu là những lý do chính khiến du lịch đường thủy (DLĐT) TP.HCM chưa thu hút được du khách. Củ Chi, Cần Giờ thực ra là điểm đến đã có từ lâu. Các doanh nghiệp lữ hành hiện cũng chỉ khai thác chủ yếu hai điểm đến này cho tour DLĐT TP.HCM. Thế nhưng các tour này vẫn đang được bán theo kiểu lượm lặt. Một nhân viên của công ty du lịch Hoa Sen Á Châu cho biết, mỗi ngày chỉ bán được tối đa 20 khách đi Củ Chi bằng đường sông, hầu hết là người Âu, Mỹ.
Năm 2013, Saigontourist mở thêm một loạt tour mới như: ĐLĐT, Bình Quới, nhà vườn Long Phước, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, song hiện chỉ còn mở bán tour ĐLĐT. Những tour còn lại đang tạm ngưng vì nhiều nguyên nhân: chưa có cầu tàu, bến đỗ; cầu tàu không an toàn; điểm đến kém hấp dẫn. Bà Phạm Hoàng Mai Lộc, Giám đốc bộ phận Inbound, Saigontourist, cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực khảo sát nhiều địa điểm dừng chân trên hành trình đến Củ Chi, như một số làng nghề ven sông ở Bình Dương để tăng sức hấp dẫn cho tour này, nhưng cảm thấy chưa đủ thuyết phục. Tour ĐLĐT sẽ thu hút hơn nếu kết hợp cho du khách cập bến vào khu Chợ Lớn, song nơi đây lại chưa có cầu tàu, bến đỗ, không đảm bảo an toàn cho du khách nên không thể triển khai…”.
Giá cả cũng là điểm quan trọng khiến các tour đường thủy khó tiếp cận du khách, đặc biệt là khách trong nước vì cao hơn gấp ba lần so với đi bằng đường bộ. Tour ĐLĐT có giá thấp nhất cũng đã đến 399.000đ/người. Khảo sát giá tại một số đơn vị du lịch cho thấy, trong khi đi Củ Chi đường bộ chỉ chưa đến 600.000đ thì khách sẽ mất đến gần 1,7 triệu đồng nếu đi đường thủy. Tương tự, giá tour Cần Giờ đường bộ khoảng 1,5 triệu đồng, đường thủy là 2,3 triệu đồng; tour Mê Kông đường bộ: một triệu đồng, đường thủy gần 2,4 triệu đồng… Nguyên nhân do các phương tiện đường thủy như ca nô, tàu, thuyền quá hao nhiên liệu. Quan trọng hơn nữa, “nhà nghèo gặp eo”, chi phí cao mà lượng khách ít, nên trước mắt bài toán giảm giá thành khó có thể thực hiện được.
Hơn nữa, qua trực tiếp chứng kiến và khảo sát một số đơn vị du lịch có triển khai tour đường thủy TP.HCM cho thấy, việc quảng bá của các đơn vị vẫn chỉ nhắm đến khách quốc tế, chưa mặn mà với khách trong nước. Khi gọi điện đến một số doanh nghiệp như DGI travel, Vietseattour hỏi về tour đường thủy, chúng tôi đều được yêu cầu để lại số điện thoại liên lạc. Thế nhưng, sau nhiều ngày tôi vẫn không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào của phía công ty du lịch.
Du khách nghe hướng dẫn viên thuyết minh
Mới ở vị trí khởi điểm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT-DL) TP.HCM thừa nhận còn rất nhiều bất cập trong phát triển DLĐT. “Chúng tôi đã nhận thấy, các doanh nghiệp cũng hiểu rõ và đang trong quá trình hoàn thiện bởi thực tế là DLĐT TP.HCM hiện vẫn ở vị trí khởi điểm”.
Hiện ngành du lịch thành phố đang phối hợp cùng các sở, ban ngành chức năng triển khai các chương trình theo chiến lược phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến 2020. Cụ thể, đến hết quý III, năm 2014 sẽ có thêm khoảng 14 cầu tàu, bến đỗ được đưa vào sử dụng. Trong đó, có sáu bến do nhà nước đầu tư: bến Bình Đông, bến trạm Chùa Long Hoa, bến khu dân cư Bình Hòa, bến chùa Hội Sơn, bến Phú Xuân-Phước Khánh và bến tại Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; khoảng tám bến do doanh nghiệp đầu tư: Bình Quới (nâng cấp ba bến), khu vực cầu Mống (xây mới một bến), tại khu vực Phú Mỹ Hưng (hai bến), khu vực chung cư Nguyễn Ngọc Phương và gần chùa Vĩnh Nghiêm (hai bến).
Theo đó, các tour về Bình Quới, Q.9, Củ Chi, Cần Giờ, đặc biệt là các tour nội ô sẽ có điều kiện phát triển hơn. “Hiện Sở VH-TT-DL TP.HCM đang hỗ trợ Công ty TNHH thuyền Sài Gòn về phát triển tuyến du lịch đường thủy nội đô dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến khu vực chùa Vĩnh Nghiêm. Đây sẽ là tuyến du lịch tham quan độc đáo không chỉ hấp dẫn đối với du khách khi được ngắm nhìn thành phố và các hoạt động đang diễn ra dọc hai bên bờ kênh, dẫn đến những điểm tham quan văn hóa (chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Candaransi…)”, ông Việt Anh cho biết.
Sở VH-TT-DL còn phối hợp với các trường chuyên ngành tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho dân cư tại vườn cây ăn trái xã Trung An - huyện Củ Chi và khu du lịch sinh thái nhà vườn tại Q.9. Chương trình sẽ hướng dẫn cư dân địa phương xây dựng sản phẩm và phương pháp tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Phạm Mai Hoàng Lộc, bên cạnh việc khảo sát thêm điểm đến mới, Saigontourist đang thiết kế lại một số tour đường thủy kết hợp đường bộ (đi đường thủy về đường bộ hoặc ngược lại) vừa để tăng tính hấp dẫn, vừa giảm giá thành. Khi các cầu tàu, bến đỗ được hoàn thiện, Phú Mỹ Hưng, Chợ Lớn… sẽ là những điểm đến mới hấp dẫn.
Nguồn: phunuonline.com.vn
Add a Review?