VnewsTravel - Tư Nhuần (Nguyễn Văn Nhuần), 57 tuổi, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau khoe: “Bây giờ Tư cũng là nông dân, nhưng là nông dân làm du lịch à nghen. Hàng ngày được đón tiếp nhiều đoàn khách cả trong và ngoài nước, Tư học hỏi được nhiều thứ lắm…”.
Tư Nhuần (bên trái) tiếp rượu, kể chuyện làm du lịch của mình.
Anh lái hàu thành ông chủ khu du lịch
Thấy canô chở chúng tôi vừa cập bến, Tư Nhuần kêu vợ là bà Lương Thị Phượng rang muối thêm dĩa sò huyết để nhâm nhi với khách. Rót ly rượu được ủ từ trái giác rừng, Tư Nhuần bảo: “Hai món này là độc chiêu của Tư đó, khách nào đến đây cũng nhất quyết phải dùng bằng được”.
Vợ Tư Nhuần đang chế biến thức ăn trong bếp cười hiền, chen vào: “Nhớ mấy năm trước, ổng nói với tôi chắc đi làm du lịch. Tôi nghe mà giật cả mình, vì làm du lịch ra làm sao, nào giờ mình hổng có biết. Là nông dân, hơn nửa đời người bám trụ với ruộng vườn nên khi nghe ổng nói, tôi hỏi “ông có chắc làm được không?”. Ổng nói không có gì là ổng làm không được...
Theo lời bà Phượng, có được như hôm nay, Tư Nhuần cũng đã trải qua biết bao sóng gió. Vốn là người miệt Cái Nước (Cà Mau), mấy chục năm trước chồng bà đưa vợ con về Gò Công sinh sồng, rồi phải đôi ba lần dời nhà đến chỗ này chỗ kia vì kế mưu sinh.
Khi dạt về ấp Cồn Mũi, nhờ đồng vốn tích lũy, vợ chồng bà sang lại gần 10ha đất rừng ngập mặn để nuôi tôm, rồi không lâu sau đó Tư Nhuần bén duyên với cái nghề làm du lịch.
Hiện tại với cách làm bài bản của Tư Nhuần đã thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan, ăn uống. Bà Phượng cho biết, hàng tháng khu du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình bà đón hàng trăm lượt khách khắp nơi. Riêng Tư Nhuần khẳng định, khách đến với mô hình du lịch của ông sẽ không bị chặt chém. Bởi lẽ giá cả đều có ngành chức năng quy định và giám sát chặt chẽ.
“Ở đây Tư bán hàng tính theo kg. Ví dụ như sò huyết ai muốn ăn, Tư nói giá theo giá thị trường, khách “ok”, Tư chế biến. Còn khách nào muốn trải nghiệm mò sò, bắt tôm hay câu cua biển… thì đi theo Tư ra vuông, mỗi người Tư lấy 20.000 đồng, muốn mò bao nhiêu sò cũng được”.
Bạn bè của Tư Nhuần thường nói vui rằng, cái quyết định làm du lịch của Tư Nhuần đã biến vợ con ông thành những đầu bếp nhà hàng, thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ.
Còn riêng Tư Nhuần thì trở thành ông chủ chuyên tiếp chuyện với khách bằng rượu trái giác do chính tay ông pha chế bên cạnh những câu chuyện tiếu lâm kể về cuộc sống đời thường của người dân xứ Mũi.
Trợ lực cho nông dân
Mãi cho đến bây giờ, Tư Nhuần vẫn còn nói vui với bạn bè rằng mình gặp hên khi giữa năm 2012, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cùng Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế (SIDA) của Thụy Điển đã hỗ trợ cho ông và 3 hộ dân khác cùng địa phương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
“Năm đó, SIDA hỗ trợ cho Tư 53 triệu đồng, Tư bỏ tiền túi ra thêm vài chục triệu đồng đầu tư xây cất thêm nhiều căn chòi, mua thêm vài ba xuồng máy để khách đến chơi có phương tiện mà đưa rước” – Tư Nhuần kể.
Theo Tư Nhuần, đến tham quan, sinh hoạt tại khu du lịch của ông đã có hơn 50 lượt khách nước ngoài, chủ yếu là người Myanmar, Đức và Pháp. Hầu hết họ thích thú khi được trải nghiệm tất cả các hoạt động tại đây như đánh bắt cá, chăm sóc vườn, nấu ăn… Khách nghỉ đêm thì thích đi bắt ba khía, cùng gia đình hát đờn ca tài tử.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: Sau vài năm triển khai, mô hình du lịch cộng đồng đã có bước phát triển tích cực, đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch mỗi ngày đến khám phá, trải nghiệm, nghỉ ngơi và nghiên cứu khoa học.
Ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Thông tin và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau khẳng định: “Đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Để hỗ trợ nông dân, thời gian qua trung tâm tiếp thị, quảng bá các mô hình du lịch của người dân ở ấp Cồn Mũi đến với khách tham quan thông qua các công ty lữ hành. Mở các lớp tập huấn ngắn hạn hướng dẫn bà con cách giao tiếp, nấu nướng… nhằm phục vụ khách ngày càng tốt hơn”.
Anh Giang Hoàng Tấn - du khách đến từ Cần Thơ thích thú khi ghé thăm mô hình du lịch của Tư Nhuần: “Đây là mô hình du lịch thể hiện được nét văn hoá độc đáo của người dân Nam Bộ. Nó vừa gần gũi, chân chất và hết sức đời thường”.
Nguồn: danviet.vn
Add a Review?