Xây dựng môi trường văn hóa để quảng bá du lịch

Xây dựng môi trường văn hóa để quảng bá du lịch

VnewsTravel - Việt Nam vốn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan du lịch đặc sắc, có một không hai trên thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” để du lịch Việt có thể thu hút du khách là phải tạo lập được môi trường văn hóa trong cộng đồng du lịch.

Bài 1: “Con sâu làm rầu nồi canh”

Những hành vi thiếu văn hóa của những “con sâu” chuyên bắt chẹt, “chặt chém” khách du lịch đã và đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong con mắt của du khách gần xa.


Hai du khách nước ngoài bị những người bán thổ cẩm ở Sa Pa vây bám.

Tháng 2/2014, với quãng đường khoảng 3 km, Ngô Thị Nhung, nữ tài xế giả nhân viên hãng xe taxi Hà Anh đã thu của hai du khách người Anh là Nicola Iraland và Brianna Solomon số tiền 50 USD. Đến tháng 3/2014, với quãng đường khoảng 1 km từ Hàng Đào đến Mã Mây, một tài xế taxi khác đã thu của 3 khách nước ngoài 245.000 đồng. Điều đáng nói là những du khách này có lẽ đã được trang bị kỹ năng chống “chặt chém”, nên đã chụp ảnh biển số xe gửi đến cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù các tài xế đã bị phạt, nhưng những hình ảnh về du lịch Việt Nam đã xấu đi rất nhiều trong lòng du khách.

Trước đó, chỉ riêng trong tháng 4/2013, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra 4 vụ du khách nước ngoài bị bắt chẹt, "chặt chém". Đó là vụ việc hai du khách người Đức phải trả tới 840.000 đồng sau khi chụp ảnh lưu niệm với chiếc quang gánh, chiếc nón lá và mua 3 quả dứa. Chưa hết, bà Ilona Schultz (quốc tịch Úc), cùng hai con nhỏ lên một chiếc xích lô đi quãng đường chừng 5 km, từ Lăng Bác về Nhà hát múa rối Thăng Long (phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) nhưng phải trả tới 1,3 triệu đồng, cho dù trước đó tài xế xích lô Phạm Văn Chiêu đã thống nhất giá chuyến đi là 70.000 đồng. Cá biệt, 3 du khách người Pháp còn bị một tài xế taxi và nhân viên khách sạn cấu kết lừa đảo, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Chỉ tới khi Công an quận Hoàn Kiếm vào cuộc thì nhân viên khách sạn này mới đứng ra xin lỗi và bồi thường số tiền 10 triệu đồng…

Theo phản ánh của nhiều du khách, không chỉ riêng nạn “chặt chém” của tài xế taxi hay xích lô, nhiều hình ảnh chưa đẹp khác cũng thường xuyên diễn ra ở các điểm du lịch. Chị Nguyễn Thị Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Xe ô tô vừa dừng lại để du khách ngắm cảnh đẹp ở Sa Pa (Lào Cai), hàng chục em nhỏ người dân tộc vây quanh, đeo bám mời mua những sản phẩm thổ cẩm khiến cho chúng tôi phát hoảng, phải vội vã lên xe “chạy”. Tại một số điểm du lịch khác, tôi cũng bắt gặp hàng rong đeo bám du khách, không bán được hàng, bọn trẻ tỏ rõ thái độ khó chịu và nói năng rất vô lễ. Vậy nên, giờ gia đình tôi đặt mục tiêu, cố gắng dành dụm để đi du lịch nước ngoài”.

Thực tế, đã có khá nhiều du khách nước ngoài cũng e ngại, tuyên bố những lý do vì sao không quay trở lại Việt Nam lần thứ hai bởi họ không muốn thêm một lần bị “chặt chém”, trở thành máy rút tiền ATM di động hoặc bị chèo kéo khi mua hàng, hay phải thót tim như leo núi tìm cảm giác mạnh mỗi khi phải đi qua đường…

Anh Vũ Minh Thọ, Giám đốc Công ty Du lịch Đỉnh cao Á Châu (Asia Travel) cho biết: “Thật không vui vẻ gì khi những người làm du lịch như chúng tôi luôn phải cảnh báo, hướng dẫn du khách những kinh nghiệm để chống lại nạn “chặt chém”, rồi liên tục phải dặn dò du khách phải lưu ý, cẩn thận giữ gìn tư trang, hành lý kẻo bị trộm cắp hay cướp giật… Nếu du khách luôn cảm thấy bất an khi đi du lịch thì chuyến đi sẽ không thoải mái, việc họ sẽ không muốn đến Việt Nam nữa là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra”.

Những chuyện kể trên quả thực là câu chuyện buồn không chỉ với người nước ngoài, mà cả với phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước luôn đẹp đẽ trong mắt bạn bè thế giới. Rõ ràng, chỉ khi nào tình trạng một số “con sâu làm rầu nồi canh” như lái xe taxi, nhà hàng “chém đẹp” du khách chấm dứt, khách du lịch thực sự thoải mái với hành trình khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn thì họ mới muốn trở lại với các điểm du lịch.

Đồng tình với quan điểm này, chị Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Thuận An (Ascend Travel) khẳng định: “Cảnh đẹp độc đáo, điểm tham quan ấn tượng; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và xây dựng được văn hóa ứng xử trong cộng đồng du lịch là ba yếu tố được xem như một chiếc kiềng ba chân của du lịch, nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì chắc chắn khó có thể có được một sức mạnh để hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Nếu như cảnh quan ấn tượng, đặc sắc, cơ sở hạ tầng là điều kiện “cần”, thì văn hóa ứng xử trong cộng đồng du lịch chính là điều kiện “đủ” để mang đến cho du khách một chuyến du lịch hài lòng, thỏa mãn. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, dù có cảnh quan rất đẹp, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, nhưng khách du lịch vẫn không muốn quay trở lại vì thường xuyên bị “chặt chém” và phải chịu đựng những gương mặt thiếu thiện cảm…
Nguồn: moitruongdulich.vn

Add a Review?

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC