Lễ hội Quán Thế Âm 2014: Người người hướng về Ngũ Hành Sơn

Lễ hội Quán Thế Âm 2014: Người người hướng về Ngũ Hành Sơn

VnewsTravel - Ngày 17-3, tại Non Nước – Ngũ Hành Sơn (TP  Đà Nẵng), Lễ hội Quán Thế Âm 2014 đã chính thức khai mạc. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh mang nét sinh hoạt văn hóa tinh thần và cộng đồng rộng lớn, cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thế giới hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, hỉ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc...

Dù đến 19 giờ ngày 17-3 (nhằm ngày 17-2 ÂL), tiếng trống khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2014 mới chính thức vang lên nhưng ngay từ sớm, người người từ khắp nơi đã hướng về Non Nước - Ngũ Hành Sơn, về với lễ hội để chiêm bái Phật và tham gia các nghi thức: Thượng phan, thượng kỳ; xem triển lãm tranh, ảnh du lịch -  thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thư pháp – thiền trà, biểu diễn trống hội và múa trình tường; thưởng thức những điệu hô hát bài chòi Khu V; giao lưu thơ nhạc - đặc san lễ hội; dự Lễ Tế xuân cầu Quốc thái dân an...

Người người nô nức về Non Nước - Ngũ Hành Sơn dự lễ hội Quán Thế Âm.

Giữa tiết trời của mùa xuân, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong quốc thái dân an, con người hạnh phúc... Dù phải nhích từng bước một trên con đường Sư Vạn Hạnh trong cái nắng nhưng sự háo hức được đến chiêm bái Phật Quán Âm cho tình thương nhân loại đã xoa dịu nỗi khó chịu của mọi người. Có lẽ, niềm vui trẩy hội và sự tôn kính Phật Quán Thế Âm đã giúp cho mọi người “hóa giải” tất cả những gì chưa thật sự hài lòng...

Du khách Bùi Thị Hoài Thu (45 tuổi, quê TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Trong tâm thức của người Việt, Bồ tát Quán Thế Âm có tấm lòng từ bi, bác ái, cứu giúp dân lành. Chính vì thế, vào dịp lễ hội, không riêng gì tôi mà hàng vạn người dân, Phật tử và du khách đều hành hương háo hức đến Non Nước – Ngũ Hành Sơn để viếng chùa, lễ Phật, vãn cảnh núi non, hang động, cầu mong quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Nét thanh tịnh ở nơi đây vừa dẫn dắt mọi người vào tiên cảnh, vừa mở ra ước nguyện về cuộc sống an lành...”.

Có một điều dễ dàng nhận thấy tại lễ hội Quán Thế Âm đó là mọi người, không phân biệt địa vị, giàu nghèo, đều nô nức đến đây để được chiêm bái Phật Quán Thế Âm, tham dự các nghi thức và hoạt động của lễ hội để cầu nguyện những điều tốt lành nhất và hướng thiện. Ông Lê Văn Dũng (quê Phú Ninh, Quảng Nam) dù đã bước qua tuổi 60 nhưng quên cả sự mệt mỏi vì phải đi bộ trong cảnh nhích từng bước chân bởi dòng người cuồn cuộn, hồ hởi: “Sáng nay, tôi đón xe buýt ra đây từ rất sớm. Tôi và mọi người đến đây để chiêm bái Phật Quán Âm và cầu nguyện cho đất nước hòa bình, người dân luôn được sống trong phồn vinh, an vui và hạnh phúc. Đây là cơ hội để người người cùng nhau hành hương tâm tình bước về nguồn cội và là dịp để tạ ơn tấm lòng từ bi, bác ái, cứu giúp dân lành của Phật Quán Thế Âm...”.

Về với lễ hội để chiêm bái Phật Bồ tát Quán Thế Âm.

Trước đây, Lễ hội Quán Thế Âm dường như chỉ dành riêng cho những người theo đạo Phật, nhưng từ năm 2000 đến nay, khi lễ hội là một trong 15 lễ hội quốc gia, thì nó đã trở thành một sự kiện văn hóa nên đã thôi thúc mọi người khắp nơi tìm về lễ hội, hòa mình trong cái cảm giác bình an, đậm nét truyền thống dân tộc.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Trưởng Ban đại diện Phật giáo Q. Ngũ Hành Sơn, Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết:  “Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đang được các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đây là những minh chứng sống động, là niềm tự hào của một vùng đất lịch sử - văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét  lịch sử - văn hóa Phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước – một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển...”.

Sau nghi lễ Tế xuân cầu Quốc thái dân an và tiếng trống khai hội chính thức vang lên, các đội hình rước đuốc, rước cộ bắt đầu diễu hành qua một số khu vực để thực hiện nghi lễ rước ánh sáng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả. Dưới sông, các chư tăng, Phật tử chùa Quán Thế Âm và du khách thả hoa đăng, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước... Với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn. Càng về đêm, lễ hội càng lộng lẫy, hoành tráng với nhiều thanh âm và sắc màu. Nhờ vào vị thế sơn thủy hữu tình, vùng đất Ngũ Hành Sơn địa linh, nhân kiệt, với những địa danh kỳ thú: núi Thủy Sơn, động Âm phủ, động Huyền Vi, núi Ghềnh, đình làng Khuê Bắc, miếu thờ Công chúa Huyền Trân...  cùng với sự xuất hiện của các hoạt động trong lễ hội đã thu hút đông đảo khách hành hương cùng khách du lịch trong và ngoài nước đến với thắng tích Non Nước - Ngũ Hành Sơn.

Lễ Tế xuân cầu Quốc thái dân an.

Theo ông Lê Hoàng Đức – Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban Lễ hội Quán Thế Âm năm 2014, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà doanh nghiệp, khách du lịch, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội và du lịch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Sau đêm khai mạc, lễ hội tiếp tục được diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-3 với các hoạt động như: Pháp đàn cầu nguyện theo Phật giáo Nam Tông; hội thi kéo co, đẩy gậy và biểu diễn võ thuật; lễ gia trì và ý nghĩa Xá Lợi Phật; cầu nguyện và thiền tọa; hội hoa đăng; nghi lễ Phật giáo; hội đua thuyền truyền thống...
Nguồn: cadn.com.vn

Add a Review?

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC