VnewsTravel - Tọa lạc: tại Đồi Bà Nai, phường Phú Hải, tp. Phan Thiết; cách trung tâm tp. Phan Thiết khoảng 7 km về hướng Đông Bắc.
Tháp Chăm Poshanu là 1 nhóm di tích còn sót lại của vương quốc Champa xưa còn tồn tại khá nguyên vẹn vẻ nguyên sơ của nó so với một số cụm tháp khác ở Bình Thuận. Cụm tháp tọa lạc trên đồi Ông Hoàng, do người dân xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva, vị thần người Chăm tôn sùng.
Tháp thờ bà Poshanu – con gái của vua Po Parachanh trị vì vương quốc cổ Champa khoảng vào thế kỷ XIV. Công chúa Poshanu có công lớn trong việc hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay trong sản xuất nông nghiệp, khai phá đất làm rừng rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thủy lợi. Bà cũng là người đặt ra nhiều quy tắc tiến bộ trong quan hệ giao tiếp gia đình và xã hội thời kỳ đó.
Trong truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của tháp còn gắn liền với chuyện tinh đầy hạnh phúc nhưng cũng rất đau thương của bà. Chuyện kể rằng: Bà đã vượt qua sự cấm đoàn hà khắc của tôn giáo Chăm lúc bấy giờ, đem lòng yêu thương và kết duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar theo đạo Hồi. Trong những ngày sống hạnh phúc, họ đã cùng nhau vận động người dân xây tháp. Thái tử Podam không muốn chị lấy chồng ngoại đạo, đã bày mưu kế chia rẽ 2 người. Trong 1 chuyến hành hương không thấy vợ trở về, cho rằng bà đã thay lòng nên ông đã lấy người khác. Những năm tháng cuối đời bà Poshanu sống một mình thanh thản tại Bianneh. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp.
Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Champa. Yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhất của tháp Hòa Lai là những vòm cửa trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giá và các ô khám của các tầng, vành của cửa vòm phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn, vọt ra từ miệng của quái thú Kala trên đỉnh. Một trong những nét rất đặc biệt của tháp Hòa Lai là tháp không thẳng đứng mà lại hơi choãi ra về phía trước.
Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nét uy nghiêm và kỳ bí.
Gần khu tháp Chàm là địa danh lầu Ông Hoàng, được xây dựng trên đồi Bà Nài ở độ cao trên 40m so với mực nước biển. Đứng trên đồi ta có thể nhìn thấy toàn cảnh bãi trước Phan Thiết, bao gồm một quần thể sông, núi, biển chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng với ngọn núi Cố.
Năm 1922, một ông hoàng người Pháp Ferdinand d’Orléans, Công tước De Montpensier, đã bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây một tòa biệt thự nghỉ mát, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Địa danh này cũng gắn liền với cuộc tình giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm năm 1936.
Cũng tại lầu Ông Hoàng, quân Pháp đã cho xây dựng một hệ thống lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn để không chế khu vực thị xã Phan Thiết. Nơi đây là đồn bót bất khả xâm phạm.
Giá vé tham quan: 3.000/trẻ em; 5.000/người lớn
Nguồn: Vinh
Add a Review?