January 2014

Những di tích cổ xưa ở Quảng Yên (Hải Phòng)

VnewsTravel - Được bao bọc bởi Hải Phòng, Hạ Long, Uông Bí, thị xã Quảng Yên dường như có chút “lép vế” vì mọi sự chú ý của du khách đã bị hút về ba thành phố náo nhiệt kia. Thế nhưng nếu có một ngày thong thả ở đô thị hai trăm năm tuổi này, người ta sẽ tìm thấy những khoảnh khắc đẹp và thật yên bình.

Hơn hai thế kỷ trước, trấn lỵ Quảng Yên bên dòng sông Chanh đã được nhà Nguyễn lập nên. Nền nông nghiệp trù phú và giao thương thuận lợi mang lại cho vùng đất này sự giàu có về cả di tích vật thể lẫn phi vật thể.

Hệ thống đình, chùa, từ đường dày đặc trên các phố nhỏ hay các làng ngoại ô khiến du khách nhận ra ngay đây là vùng đất một thời phồn thịnh. Thêm vào đó, một số tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp quý phái nằm dưới bóng cây cổ thụ khiến thị xã có vẻ nên thơ rất riêng.

Lạc bước vào chợ Rừng, ngôi chợ lớn nhất, sầm uất nhất ở đây nhiều người lại tưởng mình đang ở một góc chợ quê. Những cụ bà bên rổ rau, giỏ trứng nho nhỏ lấy từ vườn nhà từ tốn bán mua. Khoản lời nhỏ chỉ đủ mua trầu và quà cho cháu nhưng niềm vui đơn sơ từ một buổi chợ hiền hòa khiến du khách cũng thấy vui lây.

Theo nhiều khảo sát gần đây, Quảng Yên là địa phương được xếp hàng đầu ở Việt Nam về mật độ di tích lịch sử. Trong đó, chỉ riêng di tích Bạch Đằng, nơi từng diễn ra những trận đánh oanh liệt đã nói lên bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn.


Trong quần thể này hiện còn lại khu bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Hưng Đạo Vương cổ kính. Đặc biệt miếu Vua Bà gắn với huyền thoại về bà cụ hàng nước năm xưa mách lịch thủy triều lên xuống, giúp Trần Hưng Đạo dụng kế đóng cọc lim đánh tan thuyền giặc nay được mở rộng về quy mô thật khang trang, đẹp đẽ.

Chưa hết, nằm gần bên bờ sông Chanh được xây kè chắc chắn là hàng loạt những di tích khác như đình Trung Bản, đền Trung Cốc, hai cây lim giếng Rừng – dấu tích của khu rừng mà năm xưa người dân đã chặt gỗ để vót cọc phá thuyền…

Qua cây cầu bắc ngang sông hướng về phía nam thị xã, chúng tôi đặt chân lên đất đảo Hà Nam. Đây là một bãi phù sa có địa hình thấp hơn mực nước biển khi thủy triều lên và được gọi là đảo.
Hà Nam có tới 34km đê biển bao quanh, được đánh giá là nơi bảo tồn khá nguyên vẹn nét văn hóa, tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ với hơn 20 ngôi đình, chùa, 80 từ đường của các dòng họ.

Phong cảnh trên đảo thật đẹp, nép dưới rặng dừa xanh mát là những mái ngói rêu phong. Các di tích trên đảo còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc rất có giá trị như các mảng chạm khắc được làm công phu, sắc nét tạo thành các bức tranh sống động hình tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng uốn lượn mềm mại.

Ngoài ra, trong từ đường còn có các bản gia phả, sắc phong và các đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của cha ông đi khai hoang mở đất.

Dù nét xưa cũng đã đôi phần mai một nhưng cứ mỗi độ tết đến, người dân Quảng Yên lại náo nức tổ chức hàng chục lễ hội lớn, nhỏ như: lễ ra cỗ họ, lễ hội Tiên Công, lễ đại kỳ phước của các làng xã, lễ hội xuống đồng và nhiều hội làng độc đáo khác.

Trong những ngày này, các làn điệu hát chèo, hát đúm, hát giao duyên cũng rộn ràng khắp làng trên xóm dưới. Nếu đến thị xã vào đúng ngày hội, thế nào khách phương xa cũng được người địa phương mời nếm một miếng bánh dày hay bánh gio đảo Hà Nam để gọi là tỏ lòng hiếu khách…/.
Nguồn: TCDL

7 thiên đường mua sắm không thể bỏ qua khi du lịch Hàn Quốc

VnewsTravel - Mỗi khu mua sắm lại có những mặt hàng thế mạnh riêng phù hợp với từng đối tượng.

Khu Myeongdong

Đây được coi là khu mua sắm lớn nhất Seoul. Bất cứ nhãn hàng nước ngoài nào muốn xâm nhập thị trường Hàn đều chọn Myeongdong là điểm đặt cửa hàng đầu tiên. Bạn có thể tìm thấy tất cả những nhãn hiệu thời trang lớn như Zara, H&M và cả những sản phẩm từ Hàn Quốc. Khi đến Myeongdong, bạn nên đem theo hộ chiếu vì nơi này có những cửa hàng giảm giá dành cho khách du lịch.

Khu Dongdaemun

Dongdaemun là thánh địa của thời trang nội địa ở Hàn Quốc, đây là nơi tập trung nguồn hàng của các cửa hàng nhỏ trên khắp đất nước, vì vậy bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì ở khu Dongdaemun này. Đặc biệt Dongdaemun còn có khu chợ về đêm mở cửa sau 9h tối rất được yêu thích.

Khu Itaewon

Khu Itaewon nổi tiếng với những cửa hàng bán đồ dành cho dân hip hop với nhiều kích cỡ khác nhau được các du khách nước ngoài ưa chuộng. Ngoài ra, đây cũng là nơi tập trung những điểm bán túi xách làm giả hàng hiệu.

Khu Ewha

Nơi tập trung nhiều trường đại học là mảnh đất màu mỡ cho việc kinh doanh và thời trang là một trong những mặt hàng được yêu thích ở Ewha. Nơi này có rất nhiều cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ với giá cả phải chăng.

Khu Hongdae

Giống như Ewha, khu Hongdae tập trung rất nhiều trường đại học, vì vậy, các mặt hàng ở đây có giá rẻ bất ngờ. Hongde có nhiều cửa hàng dành cho phụ kiện, đồ trang sức phong phú và đa dạng.

Khu Garosugil

Garosugil là nơi tập trung những xu hướng thời trang mới nhất, là địa điểm ưa thích của các fashionista. Giá cả ở Garosugil không quá đắt và có nhiều lựa chọn.

Khu Apgujeong

Apgujeong là một trong những khu mua sắm đắt đỏ hàng đầu Hàn Quốc, ở đây tập trung các nhãn hàng xa xỉ nhất thế giới như Louis Vuitton, Prada, Channel và những cửa hàng thời trang được trang trí độc đáo, lạ mắt.
Nguồn: News.zing.vn

Tây Ninh - Điểm hẹn cuối tuần Đông Nam Bộ

VnewsTravel - Cách TP HCM khoảng 100 km, Tây Ninh là một điểm đến có nhiều nét thú vị, thích hợp cho một chuyến trải nghiệm nhẹ nhàng cuối tuần.

Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ

Nằm cách thành phố Tây Ninh 11 km về phía đông bắc, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen.

Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Để lên tham quan Điện Bà, có 3 cách di chuyển: cáp treo, máng trượt và đi bộ, tùy theo sức khỏe và sở thích của mỗi người.

Núi Bà Đen yên bình khi hoàng hôn xuống.
Núi Bà Đen yên bình khi hoàng hôn xuống.

Còn với người ham khám phá và chinh phục, để lên được đỉnh nóc nhà Đông Nam Bộ cao 986 m thì phương tiện duy nhất là đôi chân, men theo đường mòn quanh co, khúc khuỷu với nhiều hướng đi. Càng lên cao không khí càng mát dịu, lên đến đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm nhìn quang cảnh một vùng hoang sơ nhưng đầy thơ mộng.

Căn cứ Trung ương cục Miền Nam

Di tích lịch sử- văn hóa này nằm ở Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh khoảng 60 km, là một điểm đến cho hành trình về nguồn, gồm hai khu vực chính.

Khu di tích gồm phục hồi nhà thường trực, hội trường, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng..., hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu… phân bố đều trên toàn tuyến.

Khu tưởng niệm gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Đến đây, bạn sẽ được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ; ngắm nhìn nhà lá đơn sơ cùng những hiện vật bình dị như bàn làm việc mộc mạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những cuốn sổ ghi công tác với nét chữ nắn nót, chiếc bình toong; chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay Mỹ…

Khu căn cứ có những hàng cây thẳng tắp, hay phía ngoài có hàng trúc, bãi lau trắng… tô điểm thêm nét thanh bình.

Không gian thơ mộng phía ngoài khu căn cứ.

Tòa thánh Tây Ninh

Nằm ở huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam, Tòa thánh Tây Ninh có nét kiến trúc độc đáo.

Khuôn viên Tòa Thánh rộng 1,2 km với những kiến trúc tôn giáo liên thông bởi những con đường rộng thênh thang, đầy bóng mát của cao su.

Kiến trúc độc đáo của Tòa thánh.

Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m. Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu).

Lưu ý khi vào bên trong Tòa thánh, bạn phải bỏ giày dép ở ngoài và tham quan theo hướng dẫn.

Hồ Dầu Tiếng

Cách thành phố Tây Ninh 20km, Hồ Dầu Tiếng có diện tích rộng trên 27.000 ha và 1,5 tỷ m3 nước, không những có những khả năng tưới cho hàng trăm nghìn ha đất trồng mà còn là một vùng cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Cảnh quan bình dị ở Hồ Dầu Tiếng.

Cảnh quan thiên nhiên trải dọc bên hồ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình có nét chấm phá là các đảo nhỏ như Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò trong vùng hồ. Không khí trong lành, thoáng mát, và phong cảnh tự nhiên thích hợp cho những ai yêu thích chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc chân thực, sống động của thiên nhiên.

Thưởng thức đặc sản Tây Ninh

Bánh canh Trảng Bàng, đến Tây Ninh chưa ăn món này thì coi như chưa đến. Tô bánh canh đầy đặn, dậy mùi thịt heo, sợi bánh trắng nõn, mềm nhưng không nhão, nước dùng ngọt đậm đà, béo ngậy ăn kèm rau thơm, mùi vị rất đáng nhớ.

Ghé Tây Ninh đừng bỏ qua tô bánh canh giò heo.

Bạn cũng đừng quên tìm ăn ốc xu núi Bà, món này không cần chế biến quá cầu kỳ mà chỉ cần hấp gừng, chấm muối tiêu chanh, là cảm nhận được hương vị riêng của ốc núi.

Quà mang về từ Tây Ninh, có thể mua những lọ muối tôm, các sản phẩm từ bánh tráng  phơi sương, bánh tráng muối me…

Cấp sắc - nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc sắc của người Dao

VnewsTravel - Ngày 31/10/2013, loại hình tôn giáo tín ngưỡng Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại Tuyên Quang đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3820/QĐ- BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Sự tích về lễ cấp sắc được người Dao truyền tụng rằng: Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn trên các triền núi, bỗng đâu ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, giết hại con người và vật nuôi... Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp một đạo sắc phong thầy để cùng với quân nhà trời trừ yêu diệt quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời và là một trong những nghi lễ độc đáo được lưu truyền hàng nghìn đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. 

Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Dao, dù bất cứ ở ngành Dao nào. Đây là thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành. Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. 

Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2, họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Thường là một lễ cấp sắc 3 đèn thì cần 3 thầy, 7 đèn thì 7 thầy. Ông thầy cả gọi là chí chẩu sai hoặc cô tàn sai, các thầy phụ gồm: Dần chái, tình mình, pá tạn, tông tàn. Ngày hành lễ cấp sắc thường được tiến hành vào những tháng cuối năm. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1 đến 2 ngày; cấp sắc 7 đèn kéo dài 3 đến 5 ngày.

Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, sau đó thầy cúng làm lễ khai đèn. Lễ thụ đèn, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Đặc biệt, trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tại đạo sắc này tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa. Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Từ đây chàng trai thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh, được cả cộng đồng công nhận có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng. Và cũng từ hôm đó, họ phải gọi các thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho mình là cha. Thông qua nghi lễ cấp sắc, cộng đồng dân tộc Dao đề cao tính giáo dục luân thường đạo lý truyền thống đối với nam thanh niên Dao. Lễ cấp sắc được coi là một hoạt động tôn giáo mang nét văn hóa truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân bằng các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội trong cộng đồng các ngành Dao ở Tuyên Quang bao gồm: Dao Áo dài, Dao Coóc Mùn, Dao Coóc Ngáng, Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng, Dao Ô Gang, Dao Tiền, Dao Thanh Y.

Tuy nhiên, theo ông Bàn Văn Tiến ở xã Trung Minh (Yên Sơn), một thầy cúng đã từng làm lễ Cấp sắc cho rất nhiều gia đình người Dao ở trong vùng thì hiện nay Lễ Cấp sắc đã được lược giảm bớt đi rất nhiều thủ tục như rút ngắn thời gian, chi phí tổ chức cho việc ăn uống không còn kéo dài linh đình như trước nhưng nhiều gia đình người Dao có con trai, nhất là lớp trẻ có xu hướng coi việc Cấp sắc có hoặc không làm cũng được. Vấn đề này dẫn đến nguy cơ Lễ Cấp sắc không còn mang đặc trưng nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người Dao.  

Lễ Cấp sắc của người Dao vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và cộng đồng các dân tộc ở Tuyên Quang nói chung. Đây cũng là điều kiện tốt để thế hệ trẻ người Dao ở tỉnh ta kế thừa và phát huy làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.
Nguồn: TCDL

Ngắm lại hình ảnh Tết Canh Ngọ (1990) ở Hà Nội

VnewsTravel - Thời gian trôi qua với rất nhiều sự đổi thay, thế nhưng tinh thần và nét truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán vẫn luôn được lưu lại. Ký ức những ngày Tết cũ ấy với nhiều người chắc chẳng thể nào quên được, khi mà nghèo khổ, khó khăn là thế nhưng luôn giàu niềm vui và hạnh phúc khi thấy sắc vàng hoa mai, sắc hồng hoa đào của mùa xuân.

Mùi khói thơm nồng ngày cuối năm hẳn sẽ làm không ít người nhớ lại những ngày xưa ấy. Hãy cùng ngắm lại những hình ảnh của Tết Canh Ngọ (năm 1990) ở Thủ đô Hà Nội, các mẹ nhé! 

Ước mong thành công, thắng lợi mới khi xuân sang.

Bách Hóa Tổng Hợp ở phố Tràng Tiền một thời là "thiên đường" mua sắm của người dân Hà Nội. 

Hàng hóa tràn ngập khắp các đường phố. 

Cuộc sống của tinh thần của người dân ngày càng phong phú. 

Tiết mục diễn văn nghệ mừng xuân mới. 

Vẻ sôi động của một khu chợ Tết. 

Sắc đào hồng thấp thoáng khu phố cổ. 

Đường phố tấp nập. 

Quán xá nhộn nhịp. 


Thời điểm này, xe máy bắt đầu phổ biến dù một chiếc xe là cả một gia tài. 

Cho đến năm 1990, tàu điện vẫn là phương tiện đi lại công cộng chủ yếu ở Hà Nội. 




Khu mua sắm gần Nhà điều hành xe điện. 

Đầu phố Hàng Đào. 

Gánh hàng vẫn nặng trên đôi vai người lao động với mong muốn Tết này sung túc hơn. 

Một gốc phố Hà Nội xưa. 

Cả nhà chụp hình đầu năm làm kỷ niệm
Nguồn: webtretho

Về miền Tây du xuân miệt vườn

VnewsTravel - Thời gian này, ở Miền Tây đang tấp nập và khẩn trương chuẩn bị cho Tết. Nhóm chúng tôi đã dành hai ngày cuối tuần cho khám phá du xuân miệt vườn.

Nhắc tới trái cây mùa này, không thể quên được đặc sản vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ở đất Vĩnh Kim - Tiền Giang. Nơi này chỉ cách Mỹ Tho khoảng 30 phút xe máy. Các bạn có thể dọc theo tỉnh lộ 864 sau đó rẽ vào tỉnh lộ 876. Đến đây là bạn đã thấy những vườn vú sữa hai bên đường. Tiếp đó, bạn nên rẽ vào đường nhỏ. Có một con đường từ chợ Vĩnh Kim đi lên, không đi tiếp tỉnh lộ 876 mà rẽ trái vào. Con đường này xuyên qua xứ Vĩnh Kim và nếu muốn thực sự khám phá thì hãy chọn những con đường nhỏ chạy dọc bờ kênh.




Ngoài vú sữa, mùa này còn có rất nhiều vườn nhãn, sầu riêng và hồng xiêm, bưởi. Nếu bạn đi dọc tiếp Tỉnh lộ 864 sẽ gặp được những vườn hồng xiêm đang trĩu quả. Cù lao Tân Phong, cù Lao Ngũ Hiệp thì nổi tiếng với chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Nhưng mùa này ở Tân Phong hầu như đã thu hoạch hết trái.

Ngày thứ hai của hành trình chúng tôi lại xuôi về Chợ Lách và Cái Mơn để ngắm nhìn hoa Tết. Rất đơn giản chỉ cần chạy dọc Quốc lộ 57 từ Chợ Lách về Bến Tre là bạn đã có thể thỏa thích ngắm nhìn những vườn cây cảnh của Cái Mơn. Vùng đất này cũng là xứ sở của cây tắc (miền Bắc gọi là quất).

Một vòng của cung đường này chỉ khoảng hơn 300km nên rất thích hợp cho các bạn muốn một chuyến du xuân nhẹ nhàng mà đầy thú vị.







Tết nhảy độc đáo của người Dao

VnewsTravel - Người Dao ở nhiều vùng ăn Tết từ tháng chạp, tổ chức nhảy múa suốt đêm để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và cầu mong mùa màng tươi tốt.

Tết nhảy hay "Nhiang chằm Ðao" là nghi lễ cúng Bàn Vương thủy tổ của dân tộc Dao ở nhiều vùng trong cả nước như Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa hay Ba Vì (Hà Nội). Theo truyền thuyết, trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền gặp bão, tính mạng bị đe dọa.

Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau, các họ người Dao, kể cả Dao đỏ, Dao tiền hay Dao quần chẹt đều tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên.

Người phụ nữ Dao Đỏ

Không giống Tết của người Kinh, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà mỗi nhà người Dao mới làm Tết nhảy. Thường vài năm mới tổ chức một lần, nhưng không lâu quá 12 năm, vì như thế là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất. Thời gian tổ chức ở mỗi nơi khác nhau, khi thì rằm hoặc 25 tháng chạp, khi chỉ trước Tết Nguyên đán một hôm.

Tết nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) và là việc của mỗi gia đình, nhưng được cả bản chung tay góp sức từ nấu cỗ đến các nghi thức lễ lạt, nên coi như Tết chung của cả vùng. Người Dao không câu nệ chuyện ăn uống trong Tết nhảy. Lễ cúng chỉ giản đơn gồm thịt và rượu để dâng lên tổ tiên, sau đó được mang ra thiết đãi bà con.

Không cà kê chén rượu, cũng không lai rai khách sáo, bữa cơm Tết nhanh chóng kết thúc để nhường chỗ cho phần quan trọng và độc đáo nhất của ngày Tết là nhảy múa tri ân. Khi tiếng trống, tiếng kèn, chuông đồng vang lên rộn rã là lúc bước chân của những người đàn ông Dao nhún nhảy say sưa theo điệu nhạc. Trước tiên là các điệu múa đưa đường, bắc cầu để đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương giáng trần được mô phỏng theo điệu cò bay, hai tay dang ngang vẫy vẫy nhịp nhàng...

Múa "Ra binh vào tướng".
Vào chính lễ, khởi đầu là điệu múa “tam nguyên an ham” do thầy múa và khoảng 10 thanh niên nam giới biểu diễn để mời thần thánh các binh tướng về dự. Tiếp đến điệu múa dao hay còn gọi là múa “ra binh vào tướng” với những động tác nhảy, quay, nhún, bật tung người rất nhanh, mạnh, dứt khoát, lướt đi trong tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng.

Rất nhiều điệu múa truyền thống theo quan niệm của từng vùng như múa phát nương, múa chạy cờ, múa kiếm, múa chuông, múa văn, múa võ… Đặc sắc nhất vẫn là múa bắt rùa. Rùa là một trong hai loài động vật được người Dao tôn thờ và kiêng không bao giờ ăn thịt, nên điệu múa bắt rùa dù nhịp nhảy và lời hát có khác nhau đôi chút giữa các vùng nhưng vẫn mang nhiều ý nghĩa đối với người Dao.

Trước đèn thờ cúng Bàn Vương, thầy múa đi trước, theo sau là một tốp thanh niên độ vài chục người ăn mặc đẹp, gọn gàng nối tiếp nhau đảo quanh đèn cúng, diễn tả các động tác tìm rùa, bắt rùa, trói rùa khiêng về nhà để dâng cúng Bàn Vương và các vị thần thánh tổ tiên.

Một điệu múa trong Tết nhảy của người Dao.

Có nơi nam giới đứng thành vòng tròn, hai người một quay mặt vào nhau để múa bắt rùa. Mỗi người cầm một đồ vật nào đó có thể tạo ra âm thanh theo mỗi điệu nhảy. Khi chân phải bước lên trước, chân trái khụy gối thấp hơn thì đồng thời hai tay cầm nhạc cụ gõ vào nhau.

Nhìn chung động tác của các điệu múa nhảy khá đơn giản, mang tính tượng hình cao nhưng diễn ra liên tục trong 3 ngày Tết nên cần người khỏe mạnh tham gia. Ai mệt thì ra, người khác vào thay thế, người ra ăn uống rượu thịt no say rồi lại vào nhảy tiếp.

Cứ thế mỗi người nhảy múa hàng trăm lượt và động tác như uyển chuyển hơn trong men say rượu Tết, làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới giao hòa giữa quá khứ và hiện tại. Kết thúc Tết nhảy, tiếng tù và sẽ vang lên và tất cả lại cùng ăn thịt uống rượu, chúc gia chủ một năm tốt lành.

Ẩm thực ngày Tết - Nét đẹp văn hóa của 3 miền

VnewsTravel - Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình.



Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là khoảng thời gian mỗi đứa con xa quê đều đau đáu ngóng trông, là sự mong đợi, háo hức của của cả người lớn, trẻ nhỏ. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi; dù mỗi thế hệ có trưởng thành, hội nhập và hiện đại đến đâu; dù bao năm tháng cứ thế trôi qua… thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân Việt.

Nói chuyện “ăn Tết” ba miền

Trải qua bao biến thiên của thời đại, đặc biệt trong những năm gần đây, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ, người ta thường nói nghỉ Tết chứ ít nói "ăn Tết". Tết hiện đại, mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi, đi du lịch. Nhưng cho dù ở đâu, Tết vẫn là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương với ông bà cha mẹ. Dù cho cuộc sống có thay đổi đến bao nhiêu, nhịp sống có náo nức khẩn trương như thế nào thì cứ Tết đến xuân về, người Việt Nam chúng ta thế nào cũng dành cho mình những thời khắc hoài cổ, thả hồn mình về một chốn xa xưa của nguồn cội và ngóng chờ một bữa tất niên đầm ấm, đầy đủ người thân trong gia đình.

Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiếng, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Do đặc điểm khí hậu, khẩu vị khác nhau của ba miền Bắc - Trung - Nam mà phong tục ẩm thực của từng vùng cũng có những “dấu ấn” không lẫn vào đâu được.

Xuân miền Bắc rực rỡ trong sắc hồng thắm của hoa đào và co ro trong tiết lạnh, người miền Bắc dường như nuông chiều bản thân hơn với các món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo và đầy năng lượng. Ngày Tết ở miền Trung lại không thể thiếu những món ăn dân dã như dưa món, nem chua, tré, thịt dầm bên cành mai vàng sắc nắng. Mâm cỗ cúng Tết miền Trung nấu khéo, nhìn thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ. Người miền Nam lại giản dị, mộc mạc trong ẩm thực ngày đầu năm với những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu…

Không chỉ là những món ăn ngon

Tết là dịp dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp, vui vầy. Bữa cơm cuối năm là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bới thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt. Và đặc biệt hơn, trong mỗi món ăn, dù đơn giản hay cầu kỳ, dù thanh đạm hay đậm đà, vẫn luôn gắn liền với các loại gia vị, và dầu ăn Neptune cũng là một trong những hình ảnh thân thuộc gắn liền với gian bếp. Với bao bì màu đỏ mang lại nhiều may mắn, bên trong chứa đựng những giọt dầu vàng óng bổ dưỡng, dầu ăn Neptune từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành trong mâm cơm ngày Tết. Những món ăn chiên, xào truyền thống vì thế mà trở thêm thơm ngon hơn nhưng vẫn tốt cho sức khỏe. Mâm cơm ngày Tết nhờ vậy mà thêm vị đậm đà, màu sắc tươi tắn và mùi thơm hấp dẫn.

Dầu ăn ăn cao cấp Neptune với mong muốn mang lại sức khoẻ tốt cho mọi nhà, là một gia vị không thể thiếu khi chế biến các món ăn, là mối dây gắn kết các thành viên gia đình qua những món ăn thơm ngon, hấp dẫn, thân tình. Hình ảnh mọi người cùng quây quần bên bàn ăn, hỏi han, trò chuyện rôm rả trong không khí đầm ấm ngày Tết, thoảng thêm hương nhang trầm chính là nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu, và là tinh thần “Tết đoàn viên” của người Việt./.
Nguồn: TCDL

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm đến ấn tượng Việt Nam

VnewsTravel - Đón hơn 30.000 lượt khách trong năm 2013, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đang khẳng định sự hấp dẫn của điểm du lịch vừa được Hiệp hội UNESCO Việt Nam vinh danh trong Top 100 điểm đến ấn tượng Việt Nam năm 2013.


Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng L Amant" (người tình) của nữ nhà văn người Pháp Marguerite Duras, bà cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.

Ngôi nhà cổ, nơi Huỳnh Thủy Lê từng sinh sống cũng là không gian văn hóa từng ghi dấu một thiên tình sử đẹp, đã được chọn làm điểm dừng chân tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn du khách hiện nay tại tỉnh Đồng Tháp. Do có nét kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà cùng với sự lan tỏa của cuốn tiểu thuyết L Amant" đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng và bộ phim cùng tên nên ngôi nhà đã thu hút ngày càng đông khách nước ngoài đến tham quan.

Hiện nay, ngôi nhà được Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đưa vào khai thác Tour "Theo dấu chân người tình." Sau nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, lượng khách đến với ngôi nhà cổ này ngày càng đông.

Năm qua lượng khách châu Âu đến với Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2012. Với những nỗ lực này, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp cũng vừa được Hiệp hội UNESCO Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thương hiệu Du lịch Văn hóa năm 2013.”

Đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp cho biết Công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để tiếp tục thu hút khách tham quan trong thời gian tới; đồng thới phát triển du lịch văn hóa lịch sử, về nguồn đặc biệt là khai thác giá trị văn hóa vật thể gắn với phát triển du lịch.

Phát triển du lịch cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng Tháp trong năm nay. Chính vì thế, ngành Du lịch tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hình ảnh du lịch của tỉnh, nhất là việc đảm bảo chất lượng hoạt động du lịch.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết Đồng Tháp sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách tại các khu du lịch trọng điểm và các điểm du lịch còn lại. Hiện ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đang triển khai việc thành lập đường dây nóng và trung tâm hỗ trợ du khách./.
Nguồn: TCDL

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC