January 2015

Nơi lưu giữ kỷ lục bãi đá nhiều màu nhất Việt Nam

VnewsTravel - Ngoài đồi cát, Bàu Sen, Bình Thuận còn sở hữu bãi đá bảy màu được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam".

Cách TP HCM 200 km về phía đông bắc, Bình Thuận là một vùng đất được thiên nhiên ban tặng đầy đủ những bờ biển dài, những dãy núi đá, những cánh rừng xanh thẳm. Bình Thuận còn đó những nét hoang sơ nhưng đẹp quyến rũ đối với bao du khách đã từng đặt chân đến đây.

Tà Cú là một trong những điểm đến đối với du khách yêu loại hình trekking du lịch xanh. Đứng từ đỉnh Tà Cú phóng tầm mắt về phía đồng bằng xa xa và những bờ biển uốn lượn là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời.

Dù khí hậu khô hạn khắc nghiệt nhưng thiên nhiên không bạc đãi vùng đất này mà bù lại nơi đây không chỉ có biển cả, có rừng núi mà còn có những đồi cát, những thảo nguyên trải dài bát ngát mà hiếm có nơi nào có được. Những con đường thẳng trải dài dường như bị sự rộng lớn của thảo nguyên ôm trọn lấy.

Trên những con đường nắng cháy đỏ da, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và thưởng thức thử một đặc sản rất đặc trưng của Bình Thuận. Hàm Thuận Nam là nơi có diện tích trồng cây thanh long nhiều nhất tỉnh, những vườn cây thanh long ngút ngàn xanh mát đầy sức sống ở vùng nắng gió khô hạn này.

Giữa những đồi cát trắng, Bàu Sen như một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Bàu không chỉ đem lại nguồn nước cho mùa màng, cho sự sống mà còn là một thắng cảnh đẹp tuyệt vời đối với những tay săn ảnh trong khung cảnh đồi cát, sóng nước và những đóa hoa sen chao động dưới làn gió.

Kế gần bên Bàu Sen là Bàu Trắng tạo thành một cụm thắng cảnh thiên nhiên hữu tình. Đến đây du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền ngắm những đồi cát trắng mênh mông hoặc chọn cho mình một trải nghiệm thú vị khi tự lái xe địa hình để tham quan những đồi cát ấy.

Hải đăng mũi Kê Gà là một điểm đến mới mẻ thời gian gần đây được nhiều bạn trẻ yêu thích du lịch bụi lựa chọn. Đến đây, các bạn có thể cắm trại qua đêm để sáng hôm sau ngắm bình minh nơi đây. Giữa tiếng sóng vỗ bờ, đón ánh bình minh trong tiết trời lành lạnh thật sự là một cảm giác khó quên với bất kì ai.

Bãi đá nhảy cách mũi Kê Gà không xa là một địa điểm được rất nhiều đôi uyên ương chọn làm nơi để chụp ảnh cưới. Ở đây có rất nhiều những tảng đá hình thù kì lạ nằm trên cát những lại vươn mình lên cao như muốn nhảy lên tránh những đợt sóng vỗ.

Bãi đá bảy màu hay còn được người dân gọi với cái tên bãi sỏi ở biển La Gàn được công nhận kỷ lục bãi đá sỏi có nhiều màu sắc nhất Việt Nam. Đặt đôi chân trần đi trên những viên sỏi âm ấm vừa nung mình dưới nắng sớm hay chiều tà là một phương pháp spa đá nóng được thiên nhiên ban tặng miễn phí cho du khách đến đây.

Dọc đoạn đường ven biển từ Mũi Né đến Hòa Thắng là một trong những cung đường biển đẹp nhất của đất nước. Khung cảnh hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên hoang sơ nhưng đầy quyến rũ du khách với bờ cát trắng, biển xanh rì rào sóng vỗ dưới nắng vàng.

Bình Thuận hiện còn 2 cụm di sản tháp cổ được gìn giữ gồm cụm tháp Po Sah Inư và cụm tháp Podam. Trong đó tháp Po Sah Inư (hay còn gọi là tháp Chăm Phố Hài) ở thành phố Phan Thiết là nơi diễn ra các lễ hội hằng năm của đồng bào Chăm sinh sống ở Bình Thuận.

Với những điểm đến hấp dẫn, Bình Thuận được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khám phá. Rong ruổi trên những con đường dài bất tận giữa những thảo nguyên đồng cỏ hay trên những con đường ven biển nghe sóng vỗ rì rào là những trải nghiệm quyến rũ thật sự đối với những bạn trẻ say mê chinh phục.
Nguồn: vnexpress 

Cá lóc nướng ống tre, món ngon gợi nỗi nhớ Nha Trang

VnewsTravel - Cá lóc nướng ống tre, món ngon gợi nỗi nhớ Nha Trang Đến với làng Phú Vinh, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh đồng quê thanh bình, bạn còn được ăn thử món cá lóc nướng ống tre nổi tiếng thơm ngon nơi đây.

Làng Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng 7 km. Dù nằm khá gần biển, người dân nơi đây lại sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và quanh năm gắn bó với ruộng đồng như các vùng đồng bằng khác. Bạn có thể đến đây bằng cả đường bộ hoặc ngồi thuyền ngược dòng sông Cái. Đến thăm làng cổ Phú Vinh, du khách sẽ được thưởng thức món cá lóc nướng ống tre vô cùng đặc sắc cùng người dân địa phương.

Cá lóc, còn gọi là cá quả, cá chuối là loài cá hiền nhất trong các loài cá đồng, thịt thơm và chắc. Tuy nhiên mình cá  trơn nhẫy và nhanh nhẹn rất khó bắt. Ảnh: Nguyễn Nhật Cường

Cá lóc ngon nhất là vào mùa mưa, cũng là mùa sinh sản nên bụng cá đầy trứng, hoặc khoảng ra giêng là lúc cá trưởng thành, dầy mình, thịt béo. Ngoài nướng, người dân địa phương còn chế biến loại cá này thành nhiều món hấp dẫn như rang muối, chiên bột, kho rim nước dừa...

Nếu như người miền Tây có món cá lóc nướng trui nổi danh khắp nơi thì người Nha Trang lại có cách chế biến món cá nướng tài tình của riêng mình. Ảnh: Cỏ May

Trước hết phải chọn những con cá lóc mập ú rồi đánh vảy, rửa sạch, để ráo. Ướp cá với hành khô, tỏi, đường, tiêu, mắm, để ngấm khoảng 30 phút. Sau đó chọn ống tre vừa vặn cho cá vào, dùng giấy bạc hoặc lá mía bịt hai đầu, nướng trên bếp than hoa, càng nhỏ lửa, cá càng chín kỹ và thơm dậy mùi của tre tươi. Đến khi ống tre chuyển màu xám, mùi cá nướng thơm ngây ngất tỏa ra, xăm đũa vào thấy cá mềm là có thể dùng được.

Sau khi tách đôi ống tre, cá lấy ra bày ra mâm sẽ được cuốn cùng các loại như khế chua, dứa, chuối xanh, rau sống, bún… tất cả cuộn trong miếng bánh tráng để thưởng thức. Ảnh: Du lịch làng Tre

Sức hấp dẫn và độ ngon của món ăn được đánh giá nhiều ở phần nước chấm. Tùy sở thích từng người có thể chấm mắm nêm hoặc nước mắm me. Nếu là bát mắm me, người ta chọn những trái me non đem nướng chín, bóc vỏ bỏ hột, xong hòa chung vào bát nước mắm, thêm tỏi, ớt, đường sao cho sền sệt vừa ăn, tạo nên một hương vị nồng đậm nhưng không quá mặn.

Cá lóc nướng ống tre vừa dân dã, vừa bổ dưỡng, rất thích hợp trong bữa cơm hằng ngày và những dịp đãi khách quý đến chơi nhà. Món ăn cũng là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền biển Nha Trang giới thiệu đến du khách thập phương.
Nguồn: vnexpress

Lễ hội đua thuyền đậm sắc màu văn hóa ở Sơn La

VnewsTravel -  Với không gian núi non hùng vĩ, mặt hồ thủy điện Sơn La mênh mông là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền lớn nhất vùng Tây bắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.


Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay được tổ chức trong ngày đầu tiên của năm mới tại lòng hồ thủy điện Sơn La, trung tâm của thị xã nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa môn đua thuyền đuôi én truyền thống của người Thái trắng ở Mường Lay.

Từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân trong tỉnh và các tỉnh bạn như Điện Biên, Lai Châ, Lào Cai cùng du khách thập phương tới hưởng ứng và háo hức đón xem.

Lòng hồ thủy điện Sơn La với diện tích rộng tới 50 km2 là nơi diễn ra cuộc đua này. Rất đông du khách đứng kín các cây cầu để theo dõi các đội đua.

Tham gia lễ hội đua thuyền có 9 đội nam, với số vận động viên lên đến hơn 200 người.

Các đội tiến hành đua với tổng chiều dài đường đua là 1000 m. Cảnh quan hai bên lòng hồ tuyệt đẹp với những mái nhà sàn Thái nằm ngăn nắp.

Các đội đua không chuyên đến từ chính xã phường địa phương nhưng thi đấu rất quyết liệt, cạnh tranh tạo ra những màn tranh đua hấp dẫn và gay cấn.

Lễ hội đua thuyền ngoài mục đích tạo sân chơi bổ ích giải trí cho bà con, đây còn là một trong những hoạt động nằm trong Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ngoài đua thuyền, trong khuôn khổ lễ hội cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như ném còn, kéo co, đẩy gậy...

Từ trên cao nhìn xuống, thị xã Mường Lay mới nằm hai bên lòng hồ xanh thẳm tuyệt đẹp. Phần thị xã cũ đã nằm sâu dưới lòng hồ, thay vào đó là những bản làng mái Thái tái định cư nằm san sát tạo thành khung cảnh hiếm có vùng Tây Bắc.

Lễ hội diễn ra vào ngày 1/1 hằng năm, đây là hoạt động không chỉ phục dựng và bảo tồn nền văn hóa của dân tộc, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Nguồn: vnexpress

Thưởng thức điều tuyệt vời trong hương vị nem lụi xứ Huế

VnewsTravel -Là một trong những món ăn nổi tiếng của người xứ Huế, nem lụi luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với thực khách đến từ khắp nơi.

Những chiếc nem lụi thường được nướng vàng ươm, thơm phức trên bếp than hồng, ăn kèm với các loại rau sống thơm mát, chấm với nước lèo đặc biệt làm ngẩn ngơ lòng bao thực khách.

Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó, người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than. Mới thưởng hương thịt thơm nức tỏa ra trên từng chiếc đũa tre đã khiến lòng người không khỏi xao xuyến. Ấy chính là nét hấp dẫn đầu tiên mà món nem lụi đem lại.



Nét hấp dẫn thứ hai của món ăn này phải kể đến thứ nước chấm được pha chế vô cùng độc đáo. Chẳng phải nước chấm chua ngọt thông thường mà là chén nước lèo được pha chế theo cách riêng của người Huế.

Để làm nước chấm, người ta xay nhuyễn đậu phộng, cho thêm một chút nước mắm rồi đun trên bếp thành một hỗn hợp sền sệt giống như tương. Ở nhiều nơi còn cho thêm chút gan heo, thịt heo băm nhuyễn để món nước chấm được đậm đà và nhiều hương vị hơn.

Nem lụi còn phải được ăn đúng cách mới cảm nhận được hết cái ngon, cái tinh túy của món ăn. Khi ăn, người ta thường ăn kèm với bánh tráng (hay còn gọi là bánh đa nem), rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… tùy theo khẩu vị mỗi người. Bày nem lụi ra đĩa, bạn sẽ thấy một món ăn đủ màu sắc: màu vàng ươm của miếng thịt đã được nướng, màu xanh của rau, màu nâu của nước chấm và thêm chút đỏ tươi của vài miếng ớt thái nhuyễn.


Miếng bánh tráng sẽ được trải ra và xếp lần lượt rau thơm, khế chua, chuối xanh rồi tới nem lụi, cuốn vào và bắt đầu thưởng thức. Mùi thơm của miếng nem lụi nướng vàng ươm, chút cay cay của tiêu và ớt, vị ngọt, khẽ béo ngậy, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị hài hòa, tuyệt hảo của món nem lụi xứ Huế.

Ngày nay, món nem lụi đã phổ biến ở nhiều nơi, tuy nhiên hương vị nem lụi xứ Huế vẫn mang theo nét đặc trưng riêng. Vậy nên, nếu có dịp ghé thăm xứ Huế, bạn đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo làm say mê lòng người này nhé!.
 Nguồn: hue.vnn.vn

5 món ngon nổi tiếng ở Thành Nam

VnewsTravel -  Nem nắm, phở bò, giò lụa, bánh cuốn, bánh nhãn là những món ăn ngon của Nam Định níu chân du khách.
Du lịch đến Nam Định bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ăn ngon, rẻ, đặc biệt là những món ăn từ lâu đã trở thành đặc sản khắp nơi đều biết đến.

 

Nem nắm Giao Thủy
Để có món nem ngon đúng điệu, người làm phải chọn thịt lợn ngon, không dính gân, mỡ, sau khi mua về được nhúng nước sôi cho chín tái để giữ vị ngọt. Thính đạt chuẩn không quá cháy, màu vàng đẹp. Bì lợn cạo sạch lông, luộc chín rồi sắt sợi nhỏ như sợi mỳ. Sau khi có các nguyên liệu cần thiết,  người ta trộn thịt, bì, thính cùng nước mắm ngon, tỏi, tiêu, ớt, bóp sao cho quyện đều vào nhau, vo thành nắm tròn và gói lại, chẳng cần cho vào tủ lạnh cũng có thể để được mấy ngày. Nem khi ăn, chỉ cần lấy lượng vừa đủ, gói thành miếng nhỏ vừa miệng kẹp chung với lá sung, đinh lăng.

Vị giòn của bì, bùi ngậy của thịt và thính thơm cùng chút cay của mắm tỏi ớt quyện hòa với cái chát nhẹ của các loại lá thật thú vị, khó quên

Bánh cuốn làng Kênh
Người làng Kênh vẫn truyền cho con cháu kinh nghiệm tráng bánh ngon: Gạo làm bánh là loại dẻo, bột không được ngâm quá lâu vì bánh sẽ chua, nhão, khi tráng thoa một lớp bột mỏng nhưng đều. Muốn bánh có độ dai, mỏng và giòn, để lâu bánh không bị cứng thì khi pha bột bánh thêm một lượng nhỏ bột dong. Trước đây khi tráng bánh người ta thường xếp bánh trên lá sen hoặc là chuối trông rất ngon mắt và chỉ chấm không với nước mắm. Ngày nay, khi ăn người ta thường cho thêm vài lát chả quế thơm vào cho đậm vị. Món ăn qua bao đời vẫn được người làng Kênh gìn giữ để hương vị không đổi theo thời gian, chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất.


Bánh nhãn Hải Hậu
Nhiều người nhầm tưởng rằng bánh nhãn được làm từ quả nhãn nhưng kỳ thực không phải vậy. Do hình dạng tròn tròn, vàng ngon như long nhãn nên người dân địa phương mới sáng tạo đặt tên như thế. Là món ăn chơi, ăn vặt phổ biến, bánh nhãn được làm từ bột nếp, trứng gà, đường, mỡ lợn. Bột nếp sau khi trộn với trứng gà được vo thành từng viên nhỏ, chiên trong chảo ngập mỡ. Đường trắng nấu chảy, cho bột vừa chiên vào để đường bọc ở ngoài thật khéo. Bánh ngon và độ ngọt thế nào phụ thuộc nhiều vào lớp đường này.

Bánh nhãn Nam Định nổi tiếng nhất là ở Hải Hậu vì đây là địa phương có gạo nếp ngon nhất tỉnh

Phở bò gia truyền
Phở bò gia truyền có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất của đất Thành Nam. Ngày nay món ăn này đã được “phủ sóng” toàn quốc nhưng có lẽ chỉ thưởng thức phở ở chính quê hương Nam Định mới có thể cảm nhận hết những nét vị riêng không thể lẫn. Bánh phở ở Nam Định có sợi nhỏ mềm, nước dùng có hương vị đặc trưng từ công thức bí truyền của mỗi gia đình nên rất khác biệt.

Du khách đến đây có thể tìm đến Phở Đán ở phố Hai Bà Trưng, phở Tạo ở đường Điện Biên, phở Xuyến ngõ Văn Nhân, phở cụ Tặng phố Hàng Tiện để thưởng thức

Giò lụa
Nếu bạn đã một lần thưởng thức giò lụa Nam Định, có lẽ khó có thể quên được vị ngọt đậm đà, mềm mà vẫn giòn thơm rất riêng. Người Nam Định rất cẩn thận trong việc chọn lựa, pha và luộc thịt. Giò được làm từ thịt lợn nguyên nạc ở mông hoặc thăn. Từng miếng giò thành phẩm khi thái ra có màu hồng, mặt giò có nhiều lỗ rỗ, tỏa mùi thơm, ăn ngọt, giòn, không bị bã. Đặc biệt, giò để lâu không thiu, có thể bảo quản ở môi trường bình thường khoảng một tuần mới hỏng.

Giò lụa Nam Định không chỉ là quà biếu ngày tết, dùng trong những dịp cỗ bàn quan trọng, đó còn là món ăn bình dị, góp mặt trong mâm cơm đãi khách của người dân quê

Phố cổ Hội An miễn vé tham quan 4 ngày Tết Ất Mùi

VnewsTravel -Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa quyết định miễn phí vé tham quan Khu phố cổ Hội An và các điểm tham quan trên địa bàn trong 4 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi. Thời gian miễn vé từ 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 3 Tết Nguyên đán Ất Mùi.


Ảnh minh họa: Khánh Luân

Cụ thể, 21 di tích thuộc phố cổ Hội An có bán vé ngày thường sẽ được miễn phí gồm: chùa Cầu, đình Cẩm Phô, Tụy Tiên Đường Minh Hương, miếu Quan Công, các Bảo tàng Lịch sử Văn hóa - Gốm sứ mậu dịch - Văn hóa Sa Huỳnh - Văn hóa dân gian, các nhà cổ Quân Thắng - Đức An - Phùng Hưng, Tấn Ký, nhà thờ Tộc Trần, các Hội quán Triều Châu - Quảng Đông - Phúc Kiến, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ và biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, XQ Hội An, 3 mộ thương nhân Nhật Bản Gu Sokukun, Tani Yajirobei và Banjiro.

Cùng với đó, chương trình “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” cũng tạm dừng nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, buôn bán chuẩn bị đón Tết./.
Nguồn: VOV

Vietnam Airlines tiếp tục triển khai “Khoảnh khắc vàng”

VnewsTravel -Ngày 20/1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có thông báo tiếp tục triển khai chương trình “Khoảnh khắc vàng” áp dụng trên một số đường bay nội địa của hãng.


Vận chuyển hàng hóa lên máy bay của Vietnam Airline tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Theo đó, từ 19/1 - 06/2, khách hàng sẽ có cơ hội mua được vé máy bay một chiều với mức giá đặc biệt: 499.000đ/chiều trên đường bay giữa Hà Nội - Chu Lai (Quảng Nam); 599.000đ/chiều trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn; 999.000đ/chiều trên đường bay giữa Hà Nội – Cam Ranh/Quy Nhơn/Cần Thơ/Tuy Hòa TP Hồ Chí Minh - Vinh; 1.099.000đ/chiều trên đường bay giữa Hà Nội – Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa/Hải Phòng.

Thời gian khởi hành từ 21/1 đến 31/3 (tùy vào hành trình). Các mức giá trên chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí, phụ thu và có điều kiện áp dụng đi kèm./.
Nguồn: TTXVN

Chiêm ngưỡng sắc hoa anh đào Nhật Bản.

VnewsTravel -Đối với Người Nhật ngày hoa anh đào nở là ngày vô cùng quan trọng. Người Nhật rất trong mong hoa anh đào nở khi mùa xuân đến.

Hoa anh đào chỉ nở rộ trong vòng một tuần vì vậy người Nhật rất trân trọng từng khoảnh khắc vào thời điểm ấy. Hoa anh đào được bắt gặp ở nhiều nơi tại Nhật vào khoản độ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5. Hoa anh đào tạo nên một mảng màu hồng tươi trãi dài khắp nước Nhật từ Bắc đến Nam.

Người nhật xem hoa anh đào là biểu tượng cho vẻ đẹp tinh khiết và hoa anh đào trở thành đề tài cho  người Nhật vào mùa xuân. Du khách đến bất cứ nơi đâu tại Nhật đều thấy người người, nhà nhà thể hiện sự ưu ái dành cho loài hoa này. Họ tụ hợp bạn bè uống rượu sake dưới những góc cây anh đào và tận hưởng giây phút hiếm hoi ấy.

Nhật Bản có vô số loài hoa anh đào và có hàng ngàn điểm hấp dẫn để ngắm hoa vào mùa xuân. Mỗi điểm ngắm có một nét quyến rủ riêng. Những địa điểm mà du khách có thể thưởng  thức vẻ đẹp trọn vẹn của loài hoa này như  tòa tháp Tokyo Sky Tree, tòa nhà the Landmark, đảo Seto, chùa To-ji,  ngắm hoa trên tuyến đường xe lửa Oigawa, tại trung tâm thủ đô Tokyo, cung điện Hirosaki, công viên núi Yoshino ... Nhưng có lẽ vị trí ngắm hoa anh đào đẹp nhất là khu vực Yoshino.

Với hơn 30,000 loài hoa anh đào khoe sắc dọc triền núi Yoshino tạo nên một bức tường hoa vô cùng rực rỡ. Yoshino của tỉnh Nara tự hào là địa điểm có nhiều hoa anh đào đẹp nhất Nhật Bản. Tuy nhiên việc xuất hiện của loài hoa anh đào “Thần Kì’’ được trồng cách đây hơn 1300 năm qua đã tạo cho Nhật một sức hút kì lạ. Sakura khoe sắc giữa đất trời Nhật, khoe sắc giữa những di tích lịch sử thế giới  như đền đài, chùa chiền đã góp phần tạo dựng một bức tranh thủy mặc hữu tình.

Việc đứng giữa rừng hoa anh đào nở rộ mang đến cho du khách một cảm giác lân lân.  Đó là cả một thế giới đầy bí ẩn nắp mình trong những cánh hoa anh đào e ấp. Những tia nắng mặt trời lấp lánh tỏa sáng trên những cánh hoa còn trên những cành đào thì vô số những chú chim đang tung tăng nhảnh nhót và cất tiếng hót cao vút. Những cánh hoa anh đào khẽ rung rinh trước những cơn gió mùa xuân, thỉnh thoảng tạo nên những cơn mưa hoa bất chợt.


Ngoài ra một trong những điểm hấp dẫn không thể bỏ qua để ngắm hoa đó là ngắm hoa anh đào trên độ cao của Tháp Tokyo Sky Tree và tòa nhà The Landmark. Đứng trên tháp du khách có tằm nhìn xa và bao quát. Du khách vừa có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Tokyo và vừa có thể ngắm được vẻ đẹp bạc ngàng của những hàng cây anh đào đang rực rở khoe sắc dọc bờ sông  Sumida.

Nhưng có lẽ cảm giác thi vị nhất là du khách trải nghiệm việc ngắm hoa anh đào trên những chuyến tàu chạy bằng hơi nước. Mặc dù tàu hơi nước đang trở nên hiếm hoi tại Nhật tuy nhiên vẫn có những chuyến tàu lăn bánh trên tuyến đường sắt Oigawa dọc bờ sông Oi xinh đẹp. Trong suốt mùa hoa anh đào những chuyến tàu hơi nước sẽ đưa du khách qua những đường hầm hoa anh đào. Đó quả thật là một cảnh tượng đẹp và rất thơ. Ngồi trong những khoan tàu đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa./.
Nguồn: 24h.com.vn

Xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

VnewsTravel -Trên cơ sở đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.




Theo đó, sẽ xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành một bảo tàng thiên nhiên quốc gia đầu hệ có năng lực nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, hỗ trợ cho các bảo tàng thành viên trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam về nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên.

Đồng thời lưu giữ các giá trị, trưng bày, bảo tồn lịch sử tự nhiên, giá trị thiên nhiên của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nâng cao tự hào về thiên nhiên đất nước và quảng bá các giá trị thiên nhiên Việt Nam.

Địa điểm xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Khu đô thị sinh thái Quốc Oai, thuộc địa giới hành chính xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội hoặc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm trong Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 32ha, bao gồm các khu chức năng: Khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, rừng kín thường xanh, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất, khu trưng bày kết hợp học tập, trung tâm nghiên cứu và văn phòng, khu dịch vụ, hồ nước đảo nổi và aquarium, khu kỹ thuật và chế tác mẫu vật.

Tổng mức vốn đầu tư dự án được xác định trên cơ sở thẩm định các dự án đầu tư cụ thể, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư và được bảo đảm từ các nguồn ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Đối với nguồn ngân sách Nhà nước, việc lập dự toán ngân sách hàng năm thực hiện theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ và bố trí vào dự toán ngân sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2015-2020, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, xây dựng kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, xây dựng kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực.

Giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan quyết định đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành có liên quan.

Ở nước ta một số cơ sở về bảo tàng thiên nhiên đã có từ thời Pháp thuộc chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học, viện nghiên cứu. Đến nay đã lưu giữ được một số bộ sưu tập có giá trị, là những tư liệu khoa học đặc biệt có giá trị không chỉ với Việt Nam mà còn cả trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bảo tàng thiên nhiên nên tác dụng phổ biến khoa học, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, theo đó Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc, đầu hệ trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam; có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ trong mạng lưới bảo tàng thiên nhiên; có chức năng nghiên cứu, trưng bày giới thiệu về thiên nhiên Việt Nam một cách tổng hợp, đại diện tiêu biểu.

Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam./.
Nguồn: Chinhphu.vn

Lên vùng cao ăn Tết cổ truyền cùng đồng bào dân tộc Mông

VnewsTravel - Những ngày này, khi những vườn đào, vườn mận trên nương bắt đầu chớm nở, báo hiệu mùa xuân sang, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La vui mừng đón Tết cổ truyền. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.

Chủ một gia đình người Mông làm lễ cúng vào chiều 30 Tết để mời tổ tiên và các vị thần linh về ăn Tết. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Vân Hồ là một trong những huyện có nhiều đồng bào người Mông sinh sống nhất tỉnh Sơn La, vì vậy không khí đón Tết cổ truyền nơi đây rất náo nhiệt, đông vui.

Đến các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Tân Xuân, Xuân Nha (huyện Vân Hồ) những ngày này, có thể cảm nhận không khí vui mừng chào đón năm mới đã lan tỏa trên khắp các bản làng người Mông.

Ghé chân tới bất kỳ một bản người Mông nào, âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận là tiếng chày giã bánh dày vang lên khắp nơi xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tu lu (đánh cù), ném pao…

Tết cổ truyền của người Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng) và kéo dài trong suốt 3 ngày. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả.

Sau một năm làm ăn khấm khá, gia đình ông Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ lại tất bật chuẩn bị đón năm mới. Để chuẩn bị cho ngày Tết được chu đáo, gia đình ông đã tạm gác mọi công việc thường ngày để tập trung sửa sang nhà cửa, thay mới ban thờ…

Công việc chuẩn bị được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình.

Ông Tràng A Chu chia sẻ: “Năm vừa rồi cây mận cho nhiều quả, lại được giá, nương ngô cũng mang lại thu nhập không nhỏ nên năm nay, gia đình đón Tết có phần vui hơn. Còn con lợn, con gà đều do gia đình nuôi cả, không phải đi mua nên lúc nào ăn hết mới mổ tiếp, chứ không như trước đây mổ nhiều con, để thừa lãng phí lắm.”

Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu. Tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ không khí giã bánh dày sôi nổi, náo nhiệt như ngày hội lớn.

Những người phụ nữ tất bật đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh thay nhau cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn.

Công việc này rất vất vả và tốn nhiều sức lực, nên giữa cái lạnh của mùa đông mà trên khuôn mặt chàng trai nào cũng đổ mồ hôi lấm tấm. Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn.

Sau khi hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.

Trưởng bản Hua Tạt Tráng A Cao cho biết, giống như bánh chưng của người Kinh, bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người Mông dùng để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.

Người Mông không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong ngày đầu năm mới, đồng bào đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.

Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông đó là tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày, rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như một sự tri ân những công cụ sản xuất, bởi trong năm qua, những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.

Tết cổ truyền của người Mông cũng là dịp để trẻ em vui chơi, người già gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ, còn các đôi trai gái thì tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên với nhau. Bởi vậy, trong những ngày này ở các bản của người Mông đâu đâu cũng thấy các cô gái, chàng trai xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, tụ tập thành từng nhóm trò chuyện với nhau.

Tại những khu đất rộng của bản, mọi người tập trung để chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức những điệu múa khèn độc đáo. Múa khèn cũng là một trong những cách để các chàng trai người Mông thu hút ánh mắt của cô gái mà mình thích.

Trong bộ trang phục dân tộc nổi bật, các chàng trai thi nhau thổi khèn, tiếng khèn ai càng dài, càng réo rắt kết hợp với điệu nhảy càng dẻo sẽ được nhiều cô gái để ý. Vì vậy, nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc này.

Khi màn sương buông xuống trên khắp các sườn núi, mọi người cùng quây quần bên các đống lửa lớn. Dường như cái lạnh của buổi tối không ngăn bà con tiếp tục cuộc vui. Họ ngồi sát lại bên nhau, lắng nghe những tiếng khèn điệu hát, những cái nắm tay thân mật như tăng thêm tình đoàn kết, để cùng nhau bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Nguồn: Tin tức du lịch

Vãn cảnh không gian chùa Đông Thiền - Huế

VnewsTravel - Viếng thăm chùa Đông Thiền chúng ta sẽ thật sự thích không gian xanh mát tĩnh lặng nơi đây, cảm giác như được sống trong một thế giới khác.

Chùa Đông Thiền được xây dựng từ thế kỷ thứ 18 ở làng Dương Xuân, nay thuộc xã Thủy Xuân, do ngài Tế Vĩ, đệ tử của ngài Liễu Quán, lập ra. Chùa càng trở nên nổi tiếng từ thể kỷ 19 khi Công chúa Ngọc Cơ con gái Vua Gia Long xuất gia tại đây…


Sau rất nhiều biến cố của lịch sử, thời gian, và qua nhiều đời trụ trì… nhưng đến nay chùa vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ xưa, hiện chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vĩ, tấm biển sơn son thếp vàng thời Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời Minh Mạng, khám, tượng thờ cổ và chiếc trống được cho là lớn nhất Huế, nổi danh qua câu truyền tụng dân gian “trống Đông Thiền, chuông Linh Mụ”.

Kiến trúc chùa hiện nay do Sư bà Thích nữ Diệu Không và Sư cô Thích nữ Diệu Đạt tổ chức trùng tu vào năm 1987. Nếu nhìn vào kiến trúc chùa Đông Thiền hiện nay bạn thật khó nhận biết được phần nào của ngôi chùa đã được trùng tu. Nhờ đó vẻ bình yên của Đông Thiền vẫn luôn cuốn hút bước chân lữ khách phương xa.


Viếng thăm nhiều ngôi chùa nhưng khi đến Đông Thiền chúng ta sẽ thật sự thích không gian xanh mát tĩnh lặng nơi đây. Cảm giác như mình được sống trong một thế giới khác, thanh thản và bình yên vô cùng. Nếu ngày nào đến Huế bạn hãy lạc cảnh Đông Thiền một lần để yêu thêm những gì rất Huế.
Nguồn: Tin tức du lịch

Say đắm những mùa hoa nở rộ trong năm

VnewsTravel -(TITC) - Thời gian gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu du lịch “phượt” qua những cung đường hoa đẹp trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi thời điểm trong năm, ở mỗi vùng đất lại có những loài hoa tuyệt đẹp thi nhau khoe sắc. Nếu đến vào đúng mùa hoa nở, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng và chụp những bức ảnh đẹp lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời.


Nồng nàn hoa sữa Hà Nội

 Bốn mùa Hà Nội đều có sức quyến rũ riêng. Nếu như mùa xuân rực rỡ hoa đào, mùa hè tím ngắt sắc hoa bằng lăng, mùa đông trải vàng những cánh đồng hoa cải thì mùa thu (tháng 9, 10, 11) lại nồng nàn bởi hương hoa sữa. Khi những cơn gió thu xao xác, mang theo chút hanh hao, se se lạnh thì đó cũng là lúc hoa sữa Hà Nội tỏa hương, hứa hẹn một mùa yêu thương, hạnh phúc chớm nở và cũng gợi nhắc mỗi người về một miền kí ức xa xăm.


Chẳng biết tự bao giờ, trong tâm trí của người dân Thủ đô và khách du lịch, mùi hương hoa sữa đã trở thành “hương của Hà Nội”. Những ngõ phố ngập tràn màu hoa trắng tinh khôi gợi trong lòng mỗi người những nỗi niềm cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Loài hoa ấy cũng đi vào thơ ca, nhạc họa, điển hình là bản tình ca không tuổi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua...".

Đến Hà Nội vào mỗi dịp thu về, du khách có thể dễ dàng bắt gặp mùi thơm ngào ngạt của hoa sữa ở nhiều con phố, nhưng có lẽ đẹp và lãng mạn nhất vẫn là đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Nguyễn Du, Quang Trung... Càng về khuya, khi nhịp sống trở nên chậm rãi và tĩnh lặng thì mùi hương của hoa sữa càng quyến rũ, nồng nàn hơn. Tối thu se lạnh, rong ruổi dạo khắp phố phường, du khách sẽ thấy một Hà Nội bình yên, ngọt ngào hương hoa sữa làm thức dậy những xúc cảm lắng đọng trong tâm hồn mỗi người.

Lạc bước giữa xứ sở hoa Mộc Châu

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 200km về phía tây bắc, Mộc Châu thu hút du khách bởi những mùa hoa mộc mạc, đơn sơ. Đặc biệt, vào cuối thu đầu đông (giữa tháng 11 đến giữa tháng 12), tiết trời chuyển lạnh cũng là lúc Mộc Châu khoác lên mình lớp áo trắng tinh khôi của hoa cải. Du khách đến đây thời điểm này đều không khỏi ngỡ ngàng, say đắm trước vẻ đẹp nên thơ của những đồi cải phủ trắng sườn đèo, nhất là khu vực phía sau rừng thông Bản Áng (xã Đông Sang). Nhìn từ xa, cả thung lũng hoa cải tựa đám mây trắng xốp bồng bềnh nhẹ trôi trên thảm cỏ xanh mượt. Thong thả dạo bước trong rừng thông theo những lối mòn quanh co, uốn lượn, du khách sẽ không thể kìm lòng trước vẻ đẹp trong trẻo của mùa thu Tây Bắc khi chợt hiện ra trước mắt là những đồi cải rộng mênh mông, chạy hút tầm mắt giữa không gian thơ mộng của núi rừng.



Không chỉ có hoa cải trắng, đến Mộc Châu, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chùm hoa mận trắng li ti, những vạt hoa dã quỳ lóng lánh sương mai hay hoa hướng dương vàng rực xen lẫn cùng sắc đỏ của hoa trạng nguyên dọc các con đường vào bản. Những hàng rào hoa tự nhiên đan xen màu vàng cam của quýt chín khiến con đường đất đỏ trở nên sống động hơn bao giờ hết. Xa xa là những ngôi nhà sàn lãng đãng trong sương mờ, những đồi chè xanh ngút ngàn và cả những đàn bò sữa thong dong gặm cỏ. Tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia để rồi khi phải rời xa mảnh đất này, mỗi người đều vương vấn những kỷ niệm không thể nào quên.

Lãng mạn mùa hoa tam giác mạch Hà Giang

Dịp cuối thu (cuối tháng 10, đầu tháng 11), khi sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vừa phai nhạt, Hà Giang lại bừng sáng bởi màu phớt hồng đầy mê hoặc của những cánh đồng hoa tam giác mạch, tạo nên sức hút khó cưỡng thôi thúc bước chân du khách tìm về với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Tam giác mạch hay còn được gọi là kiều mạch, mọc thành chùm, thường nở rộ trong khoảng 1 tháng. Khi mới nở, hoa có màu trắng li ti, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ một hạt mạch ở giữa, những chiếc lá cũng có hình tam giác nên được gọi là tam giác mạch. Người dân địa phương thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với ngô để nấu rượu tạo nên hương vị rượu ngô rất đặc trưng. Lá tam giác mạch non được dùng như một loại rau xanh, khi luộc lên ăn ngọt và mát. Thân cây còn có thể làm thức ăn cho gia súc.



Từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, vòng theo “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng sang Mèo Vạc, hoa tam giác mạch tưng bừng nở rộ xen giữa những ngọn núi tai mèo sừng sững, đan thành thảm trên những cánh đồng hay thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ. Bởi vậy mà cứ mỗi độ cuối thu, biết bao du khách lại đến với cao nguyên đá Đồng Văn chỉ để được ngắm nhìn, nâng niu cánh hoa bé xíu trên tay, chụp vài tấm hình lưu niệm để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ này.

Sa Pa – thiên đường hoa đào Tây Bắc

Khép lại mùa đông lạnh giá, thật viên mãn cho hành trình khám phá du lịch Tây Bắc nếu du khách được trải nghiệm mùa hoa đào ở Sa Pa trong sắc xuân thì. Được ví như “thiên đường hoa đào” miền Tây Bắc, Sa Pa nổi tiếng với giống đào mốc và đào phai, tạo nên vẻ đẹp riêng có bởi đào rừng thường có tuổi thọ hàng trăm năm, thế tự nhiên, nhiều nụ, hoa, quả, có cành la, cành bổng. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ ít, mập, bông hoa có màu hồng nhạt. Loại đào này mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp, nhiều cây còn có lớp rêu phủ. Trong khi đó, đào phai lại có thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng.



Lên Sa Pa vào mỗi dịp xuân về, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của những cây đào rừng cổ thụ khoe sắc thắm ở vùng Ô Quy Hồ, Hầu Thào, Trung Chải, Tả Phìn, Sa Pả, Bản Khoang, Tả Giàng Phình… Không chỉ có hoa đào, những cành hoa lê, hoa mận trắng tinh khôi thi nhau đua nở càng khiến cho Sa Pa mang một vẻ đẹp căng tràn đầy sức sống, vẻ đẹp của sự khát khao vươn lên và tin vào ngày mai đầy tươi mới. Những luống cải mèo, su hào cũng bung những đóa hoa vàng rực, tạo thành cung đường hoa quyến rũ giữa muôn trùng mây.

Hoang dã hoa dã quỳ trên mảnh đất Tây Nguyên

Từ độ cuối tháng 10 trở đi, trong khi vùng cao Đông - Tây Bắc tràn ngập màu trắng, hồng của hoa cải, tam giác mạch, vùng đất Tây Nguyên lại nở rộ một màu vàng rực của loài hoa dã quỳ. Từ các huyện phía tây Quảng Nam vào Tây nguyên, từ Bình Phước lên Đắk Nông, Lâm Đồng hoặc từ Lâm Đồng qua những cung đường đèo đến Gia Lai, ngược lên Kon Tum, vào đến Biển Hồ... đâu đâu, du khách cũng có thể bắt gặp những thảm hoa dã quỳ rực rỡ chạy tít chân trời. Đặc biệt, trong cái se lạnh đầu đông, đến thăm Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách sẽ vô cùng thích thú khi được chiêm ngưỡng sắc hoa dã quỳ hoang dại len lỏi trong những con phố nhỏ, bên những căn biệt thự cổ kính nơi dầu dốc. Hoa mọc hai bên đường, trên các lối đi, ven hồ, ven suối, khoe sắc trên những sườn núi tạo thành những thảm vàng trải dài đến vô tận. Dù không rực rỡ như hướng dương nhưng khi nở rộ, dã quỳ tạo nên một thảm vàng tít tắp trên hầu khắp các con đường vào thành phố cao nguyên. Thời điểm ngắm hoa dã quỳ đẹp nhất là vào buổi sáng, khoảng từ 9 giờ trở đi khi mặt trời đã lấy đi những giọt sương mai cuối cùng làm dã quỳ tỏa sáng rạng ngời và đẹp lung linh.




Những vùng đất tràn ngập sắc hoa trong tiết thu mát lành, trời đông se lạnh hay sắc xuân mơn mởn sẽ là những điểm đến thú vị không thể bỏ qua đối với những ai say mê cái đẹp. Hãy đến để chiêm ngưỡng và tận hưởng không gian tuyệt đẹp đến nao lòng, để thả hồn mình lãng du theo cảnh sắc tươi đẹp trên khắp mọi miền Tổ quốc./.
Nguồn: TITC

Lễ dâng trâu tế thần của tộc người K’ho ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)

VnewsTravel -Đông Giang là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc thuộc xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, gồm tộc người K’ho và Raig cùng sinh sống, cùng chung tín ngưỡng là thờ các vị thần: thần núi, thần lúa mẹ, thần mặt trời…

Với tộc người K’ho thì cứ 17 năm, tộc này phải tổ chức lễ dâng trâu tế thần một lần để tạ ơn thần mặt trời, thần lúa mẹ, tổ tiên… đã cho tộc họ con cháu khỏe mạnh, có cái ăn cái mặc.

 Ông K’ Văn Thiên - già làng xã Đông Giang nói: “Xã Đông Giang có 3 thôn, 9 xóm, mỗi xóm đều có thờ các vị thần, riêng thần núi thì mỗi xóm thờ 1 vị thần núi. Đến 17 năm thì cả tộc người K’ho sẽ cùng tập trung về đông đủ, tổ chức  đại lễ của tộc tại sân làng hoặc bìa rừng”.


Tại sao lại có lễ đâm trâu và tại sao 17 năm mới tổ chức một lần? Theo tộc người K’ho cho biết, từ thời xa xưa, tộc người K’ho rất ít người, tổ tiên họ chỉ sinh ra được 1 người con gái (mẫu hệ), rồi người con gái đó lớn lên lập gia đình cũng chỉ sinh ra tiếp 1 đứa con gái và cứ nối tiếp nhau như vậy. Nói là dòng tộc nhưng đếm chẳng được bao người, đến lượt người con gái sau này lấy chồng chưa thấy có con, mặc dù đã đi xin, đi cầu các vị thần, tổ tiên khắp nơi. Đêm ấy người nữ đó nằm mơ, có người báo là phải ăn thịt trâu tơ thì sẽ đông con lắm cháu. Sáng hôm sau người này quyết định làm theo giấc mơ, gia đình đã mổ trâu cho cô ăn, cô đã ăn hết 1 con trâu trong vòng 7 ngày. Và 1 tháng sau cô đã có tin vui. Cô đã sinh 9 người con đều khỏe mạnh, và 9 người con này lớn lên lập gia đình cũng sinh rất nhiều con cháu. Từ đó, người K’ho cho rằng ăn thịt trâu rất may mắn, nên họ làm trâu cúng tế thần linh. Còn 17 năm làm một lần, con số 17 là số tuổi con người mới lớn, tràn đầy nhựa sống, khỏe mạnh, con số đẹp của tộc người K’ho.

Mâm lễ dâng lên tế thần gồm có thịt trâu, thịt gà, thịt heo, thịt dê, khăn trắng, rượu cần, lúa mẹ, bánh nếp, trứng gà, cơm. Con dao dùng để đâm trâu, heo, dê, có hình lưỡi kiếm và phải được cúng kỹ lưỡng.

Bà K’Thị Hôn - trưởng tộc người K’ho cho biết: “Là phận con cháu phải biết ơn đến ông bà tổ tiên, đến các vị thần, nên cứ 17 năm là tộc tôi phải làm lễ tạ ơn, sau đó cũng là cầu bình an, may mắn đến với họ tộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”./.
 Nguồn: dulich.baobinhthuan.com.vn

Vãn cảnh không gian chùa Đông Thiền - Huế

VnewsTravel -Viếng thăm chùa Đông Thiền chúng ta sẽ thật sự thích không gian xanh mát tĩnh lặng nơi đây, cảm giác như được sống trong một thế giới khác.

Chùa Đông Thiền được xây dựng từ thế kỷ thứ 18 ở làng Dương Xuân, nay thuộc xã Thủy Xuân, do ngài Tế Vĩ, đệ tử của ngài Liễu Quán, lập ra. Chùa càng trở nên nổi tiếng từ thể kỷ 19 khi Công chúa Ngọc Cơ con gái Vua Gia Long xuất gia tại đây…



Sau rất nhiều biến cố của lịch sử, thời gian, và qua nhiều đời trụ trì… nhưng đến nay chùa vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ xưa, hiện chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vĩ, tấm biển sơn son thếp vàng thời Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời Minh Mạng, khám, tượng thờ cổ và chiếc trống được cho là lớn nhất Huế, nổi danh qua câu truyền tụng dân gian “trống Đông Thiền, chuông Linh Mụ”.

Kiến trúc chùa hiện nay do Sư bà Thích nữ Diệu Không và Sư cô Thích nữ Diệu Đạt tổ chức trùng tu vào năm 1987. Nếu nhìn vào kiến trúc chùa Đông Thiền hiện nay bạn thật khó nhận biết được phần nào của ngôi chùa đã được trùng tu. Nhờ đó vẻ bình yên của Đông Thiền vẫn luôn cuốn hút bước chân lữ khách phương xa.


Viếng thăm nhiều ngôi chùa nhưng khi đến Đông Thiền chúng ta sẽ thật sự thích không gian xanh mát tĩnh lặng nơi đây. Cảm giác như mình được sống trong một thế giới khác, thanh thản và bình yên vô cùng. Nếu ngày nào đến Huế bạn hãy lạc cảnh Đông Thiền một lần để yêu thêm những gì rất Huế./.
Nguồn: ngoisao.net

Trên 10 tỷ đồng trùng tu di tích cách mạng đình thần Tấn Mỹ ở An Giang

VnewsTravel -Ngày 19/1, tại ấp Tấn Thạnh, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới tổ chức khánh thành công trình trùng tu, sửa chữa di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng đình thần Tấn Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm 163 năm ngày vua Tự Đức ban sắc phong cho đình thần Tấn Mỹ (29/11 năm Nhâm Tý-29/11 năm Giáp Ngọ).


Công trình được phục dựng theo nguyên bản gốc là kiến trúc theo lối chữ Tam. Trang trọng nhất là ngôi thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, khánh thờ được chạm trổ những hoa văn tinh xảo như rồng quấn trụ, dây lá và đặc biệt là hộp đựng sắc phong của vua phong cho đình thần Tấn Mỹ.

Công trình được thực hiện trong thời gian 450 ngày (từ ngày 14/10/2013 đến ngày 19/1/2015) với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Việc khánh thành công trình trùng tu, sửa chữa di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng đình thần Tấn Mỹ có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc; nơi in đậm dấu ấn văn hóa dân gian Nam Bộ, ghi lại dấu ấn của các bậc tiền nhân trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất phương Nam nói chung và An Giang nói riêng; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đình thần Tấn Mỹ được phong dưới triều Nguyễn thời vua Tự Đức vào ngày 29/11/1852 (tức năm Nhâm Tý).

Trải qua thời gian cùng với những thăng trầm của lịch sử, từ năm 1942. đình đã được trùng tu nhiều lần, đến năm 1945, trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, đình đã bị dỡ ngói, phá tường.

Thời kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi tổ chức hội họp, cất giấu, nuôi chứa cán bộ cách mạng cũng như in ấn tài liệu mật. Trải qua thời gian, đình thần Tấn Mỹ đã xuống cấp, hư hại nặng. Dù đã được trùng tu nhiều lần nhưng đình vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi đình xưa./.
Nguồn: TTXVN

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC