October 2014

Thái Nguyên: Sẵn sàng cho Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc

VnewsTravel - Ngày 28/10, tại UBND tỉnh, Ban Tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI - Thái Nguyên 2014 đã tổ chức họp, thông qua tiến độ triển khai các hoạt động liên quan đến Chương trình.
Đến dự có đại diện Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch của 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh liên kết du lịch với Thái Nguyên, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chương trình du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI, Thái Nguyên 2014 chủ trì.  

Chương trình gồm 8 nội dung: Liên kết khảo sát thực nghiệm tuyến du lịch lịch sử cách mạng gắn với du lịch sinh thái vùng chiến khu Việt Bắc; Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc”; Hội chợ “Triển lãm du lịch, văn hóa ẩm thực và thương mại Thái Nguyên 2014”; Triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa Việt Bắc - Điểm hẹn du lịch”; Thi đấu các môn thể thao; Lễ Khai mạc; Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của 6 tỉnh vùng Việt Bắc và Lễ Bế mạc, tổng kết Chương trình và trao cờ đăng cai cho UBND tỉnh Hà Giang. Hiện có 2 hoạt động Liên kết khảo sát thực nghiệm tuyến du lịch lịch sử cách mạng gắn với du lịch sinh thái vùng chiến khu Việt Bắc; Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc” đã được tổ chức thành công từ trung tuần tháng 10. Sáu hoạt động còn lại sẽ được tổ chức từ ngày 14/11 đến hết ngày 20/11, trong đó Lễ Khai mạc được tổ chức vào lúc 20 giờ, ngày 18/11.

Hiện các tỉnh Việt Bắc và các tỉnh liên kết du lịch với Thái Nguyên; các đơn vị liên quan của tỉnh đã chuẩn bị xong những điều kiện cần thiết, sẵn sàng phục vụ cho Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI - Thái Nguyên 2014 thành công tốt đẹp./.
Nguồn: dulichvn.org.vn

10 món ngon ‘cần phải thử’ khi đến Hà Nội

VnewsTravel - Hà Nội từ lâu đã trở thành miền đất hứa cho những tâm hồn thích ăn uống. Cùng với sự du nhập, giao thoa ẩm thực của nhiều vùng miền, nơi đây có vô vàn món ăn ngon cho bạn lựa chọn.
Phở, bún, lẩu, kem, xôi… là những thức quà dân dã gắn liền với mảnh đất Hà Thành, để rồi bất cứ ai khi có dịp đến đây đều muốn được một lần thưởng thức. Tuy nhiên, để những vị khách đường xa nhớ về một Hà Nội với những món quà hấp dẫn và tinh tế thì không khó để gọi tên những món ăn chơi, dân dã dưới đây.

1. Phở

Phở là cái tên gắn liền với Hà Nội, không chỉ là món ăn đơn thuần, đó còn là nét đẹp và sự tinh tế của văn hóa ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Những thương hiệu làm nên tên tuổi cho món phở Hà Nội phải nhắc đến phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Cồ…
Những vị khách ở xa hay khách du lịch nước ngoài ấn tượng với bát phở Hà Nội bởi nước dùng ngọt thanh thơm mùi của xương bò hầm, sợi phở mềm và thịt bò ngon loại một đậm đà hương vị Việt. Giá trung cho một bát phở dao động từ 30.000 – 60.000 đồng. Ảnh: Lê Thương.
2. Phở trộn

Đến Hà Nội, chỉ với 25.000 – 35.000 đồng, bạn có thể thưởng thức phở hoặc miến trộn rất lạ miệng. Phở trộn ở Hà Nội được ưa chuộng bởi đây là món dễ ăn, không lo bị ngán. Món ăn thơm mùi lạc rang, hành khô khi ăn cùng với sợi phở, miến mềm dai và thịt bò hoặc gà sẽ giúp bạn no lâu mà vẫn cảm thấy nhẹ bụng.

Bạn có thể ăn miến trộn bò ở khu Nghĩa Tân, phở gà trộn ở số 5 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm... Một bát phở hoặc miến trộn ở những nơi này khá đầy đặn với nước dùng đậm vị. Ảnh: lozzi.vn

3. Bún chả

Bún chả trước kia của người Hà Nội được nướng bằng que tre chỉ còn rất ít quán bán. Ngày nay, bún chả kẹp vỉ nướng than hoa là phổ biến hơn cả. Bạn có thể chọn chả viên hoặc chả miếng để ăn. Nước chấm bún chả ở Hà Nội được xem là linh hồn của món ăn và thường đựng trong bát tô to, nóng hổi và thơm hương rất quyến rũ.

Ngoài các quán bún nổi danh như bún chả Hàng Mành, bún chả que tre ở ngõ chợ Đồng Xuân… bạn có thể ăn bún chả ở bất cứ ngõ phố nào của Hà Nội với giá trung bình từ 15.000 - 30.000 đồng tùy nơi. Ảnh: Lê Thương.

4. Bún đậu mắm tôm

Đến Hà Nội, món ăn chơi, ăn vặt được nhắc đến nhiều nhất phải kể đến bún đậu mắm tôm. Món ăn đơn giản chỉ gồm đậu mơ rán béo giòn cùng đĩa bún trắng và một ít rau thơm nhưng lại chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất. Nếu lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các quán vỉa hè, bạn nên chọn ăn ở các quán ăn sạch sẽ, có thương hiệu để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn. Giá cho một suất bún đậu đơn giản chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng.

Bún đậu mắm tôm trở thành món ăn quen thuộc, kết thân với người dân Thủ Đô không kể sáng, trưa, chiều, tối. Vì vậy, ngoài đậu phụ rán, món ăn còn kết hợp kèm chả cốm, lòng rán, thịt luộc, dồi mơ, lưỡi luộc... để đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: Nguyên Chi.

5. Phở cuốn

Phở cuốn Hà Nội hấp dẫn thực khách bởi độ mềm dai của bánh phở, vị đậm đà của thịt bò tái lăn và thanh mát của rau sống, chấm cùng mắm chấm thơm ngon tạo ra một món ăn rất Việt Nam, chiều lòng được cả những vị khó tính nhất.

Bạn có thể thưởng thức phở cuốn ở Hồ Tây, Ngũ Xã, Ba Đình, trong quán vỉa hè hoặc các khu chợ ở Hà Nội với giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/ đĩa. Ảnh: Trà My.

6. Bún ốc

Bát bún ốc luôn sặc sỡ sắc màu của cà chua chưng, những con ốc béo mỡ màng, chuối đậu vàng ươm. Hương vị là sự kết hợp ăn ý của nước dùng trong veo nhưng không kém phần béo ngậy, chua chua thanh thanh và dậy mùi dấm bỗng đặc trưng. Khi ăn, thêm chút hoa chuối thái mỏng và rau sống tươi ngon mới khiến bát bún đầy đủ hương vị.

Một số địa chỉ để bạn tham khảo: Quán bà Béo phố Hòe Nhai, bà Lương ở Khương Thượng, ngõ 530 Thụy Khuê, phố Cao Đạt, ngõ chợ Đồng Xuân, Phủ Tây Hồ… Ảnh: Shalala.

7. Ốc luộc

Ở Hà Nội không thiếu những địa chỉ ốc ngon dành cho bạn, mỗi quán lại có những bí quyết riêng trong cách pha nước chấm để thu hút thực khách. Các bạn trẻ sành ăn thích mê một quán ốc đôi khi chỉ bởi nước chấm đậm nhạt khác nhau hoặc quả dầm ăn kèm đúng sở trường.

Ô Quan Chưởng, Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, Trần Phú, Lương Định Của, Nghĩa Tân… là những địa chỉ ốc ngon dành cho bạn. Giá tham khảo: 15.000 - 25.000 đồng một bát. Ảnh: Shalala.

8. Xôi

Ở Hà Nội có vô vàn món xôi cho bạn chọn lựa: xôi xéo, đỗ đen, lạc, ngô, chả cua, gà, bánh khúc, thịt, ruốc... Không kể sáng sớm hay tối khuya, ngày đông hay ngày hè, bất kể lúc nào thèm được nếm hương vị đủ đầy của từng hạt nếp tròn mẩy béo bùi là lại tìm đến món ăn đầy mời gọi này.

Ngoài những quán xôi nổi tiếng Hà Thành như xôi Yến Hữu Huân, xôi chả cua phố cổ, xôi rán Đê La Thành... bạn có thể ăn xôi trên những chiếc xe bán dạo dọc đường hoặc trên các vỉa hè đường Cầu Giấy, Nghĩa Tân, khu ĐH Bách Khoa vào mỗi tối. Ảnh: Lê Thương.

9. Lẩu các loại

Hà Nội có vô vàn món lẩu để bạn lựa chọn như lẩu cá, cua, bò, ếch, ốc, lòng bò, cháo, gà, vịt, tim cật... mỗi loại lại có những hương vị riêng nhưng đó luôn là những khám phá thú vị dành cho bạn. Một số địa chỉ lẩu ngon để bạn tham khảo: Lẩu vịt khu Cầu Diễn, lẩu gà khu đại học Thương Mại, lẩu ếch Giang Văn Minh, Trúc Bạch, lẩu riêu cua bắp bò Nguyễn Phong Sắc kéo dài...

Lẩu riêu cua bắp bò với nước dùng ngọt ngào, đậm vị. Ảnh: Lê Thương.

10. Kem

Tràng Tiền, Thủy Tạ, Hồ Tây, Trần Quốc Toản, Lò Đúc... là những địa chỉ quen cho thú vui ăn kem của người Hà Nội.  Thưởng thức nhiều hương vị kem mát lạnh như kem tươi, kem ký, kem chanh, vani, ốc quế... với giá từ 6.000 - 45.000 đồng và trải nghiệm cảm giác được đứng ăn kem trong nhà máy sản xuất kem Tràng Tiền, đi bộ ăn kem ở Hồ Gươm hay ở một góc Hồ Tây lộng gió... là điều thú vị với nhiều người khi đến Hà Nội.

Kem ly Hồ Tây. Ảnh: Lê Thương.
Nguồn: vnexpress.net

Lần đầu tiên, tuyết rơi tại Đà Lạt

VnewsTravel - Lần đầu tiên trong lịch sử Đà Lạt nhìn thấy cảnh tuyết rơi như mùa Đông châu Âu giá rét.
Tuyết phủ trắng xóa một góc rừng, bao trùm một ngôi nhà, nơi gã giang hồ Hùng giam giữ cô gái trẻ tên Quyên. Tuyết rơi trên đường Quyên bỏ trốn, che mờ cả không gian…
Đây là những gì khán giả sẽ được chứng kiến trong bộ phim Quyên (Tên tiếng anh: Goodbye, Berlin Wall) của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Phim đang hoàn tất những cảnh quay cuối cùng tại Đà Lạt trước khi cả đoàn phim sang châu Âu thực hiện các cảnh quay còn lại.

Để dựng được cảnh tuyết rơi tại Đà Lạt, đoàn phim đã cầu viện đến một công ty Anh quốc chuyên thực hiện các cảnh tuyết rơi và hiệu ứng mùa Đông. Đây là đơn vị đã từng tham gia trong các dự án phim đẳng cấp thế giới như Harry Potter, Cuộc chiến vương quyền, Cướp biển vùng Caribê, Hồi ức của một Geisha, 007, Star Trek…

Theo thông tin từ nhà sản xuất, số tuyết nhân tạo đã phun xuống Đà Lạt hoàn toàn thân thiện với môi trường – có thể tan chảy vào đất thành phân bón sinh học cho cây, không gây hại khi bám vào quần áo, vật dụng. Tuy nhiên, dù là tuyết nhân tạo, số tuyết này vẫn có thể vo tròn và ném như tuyết thật.

Kính mời độc giả cùng chiêm ngưỡng hình ảnh “tuyết Đà Lạt” cũng như một số hình ảnh trong Quyên.





Nguồn: tinvn.info 

Cẩm nang du lịch biển Long Hải

VnewsTravel - Thời điểm thích hợp nhất để đến Long Hải là tháng 10 và 11 thông qua nhiều phương tiện khác nhau như ô tô riêng, xe máy, buýt và tàu cánh ngầm.
Là thị trấn nằm ở tỉnh Bà Rịa, cách thành phố Vũng Tàu 12km, biển Long Hải được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp thơ mộng. Ngoài biển, nơi đây còn có núi và những rừng hoa anh đào sắp trổ bông. Với tiết trời thu, Long Hải cũng là điểm đến thích hợp nhờ bãi cát trắng, biển xanh, nắng rực và khu rừng trải thảm lá vàng. Du khách có thể kết hợp đi Long Hải và Vũng Tàu trong ngày hoặc dành hẳn 2 ngày để cắm trại qua đêm. Dưới đây là một số thông tin bỏ túi cho du khách khi đến vùng biển này.

Thời tiết

Do thuộc vùng Đông Nam Bộ nên Long Hải luôn có khí hậu mát dịu quanh năm. Du khách có thể đến vào bất cứ thời điểm nào nhưng tháng 10-11 là lúc thích hợp nhất vì vừa được tắm biển, nghỉ mát lại vừa ngắm rừng anh đào nở rộ.

Bãi biển Long Hải với nhiều nét hoang sơ, bình yên. Ảnh: Panoramio.
Phương tiện đi lại

Với khoảng cách khá gần Sài Gòn, bạn có thể di chuyển bằng ô tô riêng, xe máy hay xe khách công cộng. Lựa chọn nữa là đi tàu cánh ngầm từ cảng Sài Gòn đến bến Đá - Vũng Tàu, sau đó tiếp tục di chuyển tới Long Hải.

Xe khách: Bạn có thể mua vé tại bến xe miền Đông. Giá 65.000–95.000 đồng một vé, điểm đến là bến xe Long Hải.

Xe máy: Du khách tham khảo hai cung đường như sau:

- Từ Sài Gòn, bạn xuất phát theo quốc lộ 1A, qua cầu Đồng Nai sẽ gặp một vòng xoay gọi là ngã ba Vũng Tàu. Từ đây, bạn rẽ theo quốc lộ 51 là đến thành phố Vũng Tàu và men theo tỉnh lộ 44A sẽ tới vùng biển Long Hải.

- Cũng từ Sài Gòn, bạn thử đi theo cung đường phà Cát Lái sang Nhơn Trạch (Đồng Nai). Theo đoạn đường này, du khách sẽ tới quốc lộ 51 để đến thành phố Vũng Tàu. Với cung đường như vậy, lộ trình của bạn được rút ngắn khoảng 20 km.

Nghỉ qua đêm

Bạn có thể dựng lều trên các bãi biển hay vào nhà nghỉ, khách sạn hoặc tới khu du lịch (từ bình dân đến cao cấp). Giá dao động 300.000-400.000 đồng một phòng tiêu chuẩn.

Địa điểm tham quan

- Núi Minh Đạm: Đây là ngọn núi gắn liền với lịch sử hào hùng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ chiến tranh. Từ chân núi, du khách men theo con đường trải nhựa ngoằn ngoèo sẽ lên tới đỉnh.

Trên đường đi, khoảng lưng chừng núi, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh Long Hải với hình ảnh biển một bên, rừng một bên. Nhiều người thường cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy giữa sắc trời thu lá vàng, xanh xen lẫn, tô điểm thêm bởi những khóm hoa rừng đua nở. 

- Bãi biển Long Hải: Bãi biển còn nhiều nét hoang sơ, sạch sẽ thích hợp cho các nhóm phượt cắm trại qua đêm để tận hưởng thiên nhiên trong lành, mát rượi. Cát vàng nơi đây mịn trải dài, xen lẫn màu xanh của hàng dương yên tĩnh. Ngoài tắm biển, du khách còn có thể thỏa sức thưởng thức hải sản giá rẻ, tươi ngon vào những sớm tinh sương.

- Bãi biển Dinh Cô: Nằm dưới chân điện Dinh Cô, bãi biển này cũng mang tên như vậy với cát vàng, mịn. Bãi cát ở đây rộng, phù hợp cho các hoạt động thể thao theo nhóm hay giải trí cuối tuần với lửa trại, ca hát, nhảy múa. Khi thủy triều xuống, nước biển lùi xa hơn, bạn sẽ nhìn thấy các loài nhuyễn thể và cá trong lớp cát mịn màng ngay dưới chân.

Điện Dinh Cô với lối kiến trúc độc đáo nằm ngay sát biển. Ảnh: Wikimedia

- Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên: Tọa lạc dưới chân núi Minh Đạm và khai sơn năm 1987, thiền viện nằm trong không gian tu hành hòa quyện với thiên nhiên hùng vĩ. Du khách lên vãn cảnh sẽ thấy tâm hồn thanh thản.

Nổi bật trong không gian xanh của núi rừng là tòa chính điện. Nơi này nằm dưới dãy núi mà sau lưng là những tảng đá với nhiều hình thù như đầu rắn, rùa được khắc chữ. Chúng trông như những bức tranh thủy mặc khổng lồ mang đậm sắc màu Phật giáo.

Thấp thoáng trong rừng là những chiếc am nhỏ bằng gỗ đơn sơ dành cho các vị sư đang tu hành tại đây. Điểm đặc biệt nhất là sự xuất hiện của hàng trăm con khỉ. Chúng xem chùa như chốn bình yên nên thường xuyên kéo đến. Đó cũng là lý do khiến nhiều người gọi nơi đây là chùa Khỉ.

- Đèo Nước Ngọt: Nếu đã đến Long Hải, bạn không nên bỏ qua cung đường đèo Nước Ngọt, bám dọc ven biển với chiều dài 5 km luôn nhộn nhịp du khách vào những tháng cuối năm. 

Điểm đặc biệt phải kể đến là rừng hoa anh đào nở rộ lưng chừng núi. Trước đây, loài hoa này được người Nhật Bản trồng trong những năm tháng chiến tranh. Theo thời gian, khu rừng trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. 

Nhiều bạn trẻ thường chọn cung đèo để có bộ ảnh cưới độc đáo bên những cánh anh đào nở rộ. Ảnh: Linh Phạm

Món ăn đặc sản

Bánh xèo: Nhờ nguồn thực phẩm tươi nguyên do dân chài đánh bắt trong ngày và chưa qua các khâu ướp đá, làm lạnh, cộng thêm kỹ thuật đổ bánh, món bánh xèo nơi đây có màu vàng tươi, thơm phức và giòn tan. Bên cạnh đó, nước chấm cũng được pha chế công phu với vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, đậm đà từ nước mắm loại đặc biệt tạo ra hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu khác.

Lẩu súng: Là đặc sản lâu đời của vùng biển Long Hải, lẩu súng được xem như một trong những món ăn thường ngày nổi tiếng của người dân địa phương. Cách nấu cũng rất đặc biệt, không như các món lẩu cá truyền thống khác.

Nguyên liệu dùng để nấu lẩu súng đúng điệu và ngon nhất gồm đầu và lòng cá thiều xanh. Gia vị gồm me chua dầm vắt nước, tương hột giã sơ, đường mật, nước mắm ngon, sả bào băm nhuyễn phi thơm, sả củ đập dập. Ngoài ra, món này cũng cần rau tần dày lá, ngò gai, ngò om, húng quế, ớt xắt lát mỏng.

Vị là lạ trong nước lẩu với hương rất riêng từ tương hột quyện với độ chua của me, mùi thơm do sả, ngọt bùi nhờ cá tươi và giòn tan từ cọng bông súng làm món ăn thêm đậm đà, độc đáo.

Đặc sản biển: Ngoài các món ăn đặc trưng, nơi đây còn có nhiều loại hải sản tươi ngon đánh bắt gần bờ như mực, tôm, ghẹ, cua, ốc… với giá cả phải chăng.

Quà mua về

Du khách có thể mua các loại hải sản tươi ngon về dùng trong ngày. Ngoài ra, lựa chọn khác còn có các loại hải sản khô và đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ sò, ốc.

Lưu ý

Bạn nên mang theo kem chống muỗi khi tham quan núi Minh Đạm và cảnh giác với đá ngầm khi bơi trên biển. Ngoài ra, thời gian mua các loại hải sản ở làng chài tốt nhất vào sáng sớm, trong khoảng 6-8h để được giá rẻ và tươi ngon.
Nguồn: vnexpress.net

5 trải nghiệm thú vị ở Vườn quốc gia Cát Tiên

VnewsTravel - Với dịch vụ ngồi xe ô tô mui trần, du khách được chứng kiến những đàn nai nhởn nhơ gặm cỏ, các chú lợn rừng, đàn bò tót loay hoay kiếm thức ăn hay chồn hương chuyền cành tìm quả chín.
Đến Cát Tiên, bạn sẽ mất khoảng 4 giờ đồng hồ nếu đi bằng xe máy theo lối từ quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt. Đến cây số 125, bạn rẽ trái theo đường Tà Lài, sau đó đi thêm 24 km nữa là tới. Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa phận ba tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, cách TP HCM 165 km và Đà Lạt 170 km.

Nơi này còn là khu du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Ðông Nam Bộ, vùng đất còn giữ nguyên vẹn tính tự nhiên. Ngoài ra, vườn cũng có nhiều loài sinh vật rất quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và còn lưu lại những dấu tích văn hoá cổ xưa. Dưới đây là những trải nghiệm thú vị du khách không nên bỏ lỡ khi đến đây.

Bàu Sấu thường là nơi hấp dẫn du khách nhiều nhất. Ảnh: Xuân Lộc
Trekking xuyên rừng

Những tuyến tham quan dài và khó đi ở Cát Tiên như vườn thực vật, đồi Tượng, Bàu Sấu, Hang Dơi, Đồi Đá Trắng - Nhà Dài cách trung tâm hàng chục km là điểm thích hợp để trải nghiệm hình thức đi bộ trekking. Du khách có thể theo đường mòn hoặc băng qua rừng. Những ai kinh nghiệm đi rừng còn non nớt có thể thuê hướng dẫn viên du lịch ở trung tâm để hỗ trợ tham quan, bảo đảm đi lại. Giá thuê hướng dẫn viên khoảng 150.000 đồng một ngày.

Tuyến tham quan phổ biến nhất phải kể đến Bàu Sấu. Nơi đây còn có dịch vụ xe Jeep đưa đón khoảng 10km. Nhưng sau đó, du khách buộc phải đi bộ thêm 5 km nữa mới có thể tới nơi ngập tràn mây trời.

Tham quan bằng xe đạp

Buổi chiều ở Cát Tiên, không khí trong lành và dễ chịu. Du khách như được hòa mình vào không gian thoáng đãng, tận hưởng thiên nhiên. Đạp xe chạy lòng vòng quanh các tuyến tham quan ngắn, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của cây tùng hàng trăm năm tuổi hay thiên tuế với tuổi đời 500 năm... và cả thác Trời.

Bánh xe lăn trên con đường mòn còn làm lay động đàn bướm ngũ sắc khiến chúng bay khắp nơi. Dịch vụ thuê xe đạp có giá 150.000 đồng một người mỗi chiếc.

Ngắm vương quốc cá sấu 

Bàu Sấu thường là nơi hầu hết du khách bị cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ đẹp như tranh thủy mặc. Những cánh rừng nguyên sinh bao bọc khu đầm lầy, làn hoa lục bình tím một vùng hòa quyện với màu nước trong xanh, mây trời bồng bềnh tạo nên khung cảnh hữu tình.

Ngoài việc tận hưởng bức tranh thiên nhiên, chèo thuyền trên đầm lầy ngắm cá sấu tung tăng bơi lội cũng là trải nghiệm không kém phần thú vị. Trên chiếc thuyền gỗ từ bến Nhà Kiểm Lâm, người lái đò khua nước, đưa khách len lỏi qua từng khu đầm, cùng khám phá loài cá sấu. Đặc biệt nhất là trải nghiệm cảm giác sợ thót tim khi chứng kiến cảnh cá sấu bơi gần thuyền hay chỉ ngóc nhẹ đầu đớp con mồi. Dịch vụ thuê thuyền tham quan giá 160.000 đồng một người. Mỗi thuyền chở tối đa 3 khách.

Cắm trại qua đêm tại rừng

Du khách có thể liên hệ lễ tân để thuê lều hoặc tự chuẩn bị. Ảnh: Xuân Lộc

Đêm về, không gian lắng đọng, những cơn mưa rào lất phất trong tiếng gió reo hòa cùng âm vang của rừng núi. Tiếng côn trùng, ếch nhái tạo cảm giác thư thái. Lều trại thấp thoáng, thưa thớt trên bãi đất thênh thang, những cuộc trò chuyện với bạn bè giữa buổi cắm trại như vậy sẽ để lại cảm giác khó quên. Du khách có thể tự chuẩn bị lều trại hoặc liên hệ lễ tân để thuê, giá 80.000-100.000 đồng.

Tham quan thú đêm

Với dịch vụ ngồi xe ô tô mui trần, du khách được chứng kiến những đàn nai nhởn nhơ gặm cỏ, các chú lợn rừng, đàn bò tót loay hoay kiếm thức ăn hay chồn hương chuyền cành tìm quả chín. Thời điểm tham quan lý tưởng khoảng 19 - 21h vào những đêm không mưa, chưa có trăng. Mỗi xe chở tối đa 10 người, giá 50.000 đồng mỗi du khách. 
Nguồn: vnexpress.net

Hội An trầm mặc trên những bức tường

VnewsTravel - Những bức tường màu vàng nghệ hay phủ rong rêu màu thời gian đã đồng hành cùng nhịp sống người dân và du khách ở phố cổ.
Dạo quanh trong những con đường phố cổ Hội An (Quảng Nam), bạn dễ dàng nhận ra những bức tường đã nhuốm màu thời gian nằm len lỏi trong những kiến trúc cổ kính. Những bức tường vàng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đi xa. Anh Thái Thanh, sinh ra ở phố cổ, đang làm việc và sinh sống ở TP HCM nhưng những kí ức về tuổi thơ sống trong phố cổ, chơi đùa bên những bức tường vàng tươi luôn là ký ức đẹp anh kể cho hai con nhỏ.
Những bức tường này thường nằm ở vị trí ngã ba, ngã tư là phần bên hông của những kiến trúc nằm ở vị trí hai mặt tiền đường.

Cũng có những bức tường được tạo ra bởi những ngôi nhà xây dựng khoảng lùi không cân xứng do đã trải qua những quy hoạch khu phố cổ của chính quyền các triều đại phong kiến và đặc biệt là của người Pháp trong những thế kỉ trước.

Kiến trúc nhà phố ở Hội An là dạng kiến trúc hình ống, có bề ngang hẹp khoảng 5 -6 m nhưng chiều
dài có khi lên đến hơn 50 m. Những bức tường lớn hướng ra phố Bạch Đằng cạnh bờ sông Hoài chính là phần cuối của những ngôi nhà hình ống hai mặt tiền đặc trưng ở Hội An.

Mảng tường với nhiều dấu tích thời gian của căn nhà hướng bức tường quay ra mặt phố Hoàng Văn Thụ là một trong số rất nhiều những bức tường nổi tiếng thu hút ống kính của các nhiếp ảnh gia cũng như các du khách mỗi lần đến Hội An. Những bức tường với đường nét viền tinh tế cũng là một biểu tượng nhỏ được ứng dụng để tạo thêm nét thẩm mỹ cho các bảng hiệu, áp phích du lịch của khu phố cổ.

Bên con rạch nhỏ của sông Hoài, những bức tường in bóng xuống mặt ước quyện hòa cùng vẻ đẹp của chùa Cầu tạo nên những góc nhìn thú vị.

Ở một căn nhà khác trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, bức tường được phủ kín mảng xanh với dây leo và hoa cũng là một điểm nhấn khác biệt hẳn so với những bức tường khác.

Nói đến những bức tường Hội An, không thể không nhắc đến hoa giấy, nó là vật điểm tô thêm những sắc màu ấn tượng. Hoa giấy ban ngày tỏa sắc rực rỡ, hoa sử quân tử ban đêm lại tỏa hương ngan ngát trên nền những bức tường rêu phong làm khung cảnh nơi đây càng trở nên duyên dáng và trầm mặc.

Ngày nắng, bóng của giàn hoa đổ nghiêng trên nền tường màu vàng nghệ.

Lại có những ngày mưa rả rích, bước qua bức tường vàng cũ kĩ, chậm rãi thả hồn cùng những khoảnh khắc cuộc sống của con người trong cơn mưa làm gợi nhớ biết bao kí ức xưa cũ của một cảng thị hơn trăm tuổi.

Bức tường cũng là nhân chứng cho cuộc sống mỗi mùa lụt của người dân phố Hội. Mỗi năm nơi đây luôn hứng chịu những trận lụt đỉnh điểm, người ta chỉ cần nhìn lên những bức tường sẽ cảm nhận được một phần nào cuộc sống trong mùa lụt lội của người dân nơi đây qua những mức báo lũ được gắn định kì hằng năm

Đêm về những mảng tường càng trở nên cổ kính hơn dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng, Ở đâu đó trong những kiệt nhỏ, ta lại bắt gặp những bức tường ôm sát nhau tạo ra con đường chỉ vừa đủ 1 người đi, những bức tường màu vàng nghệ nổi bật nhưng thâm trầm kín đáo vẫn lặng lẽ vẽ nên một hình ảnh giản dị về Hội An về đêm ở những góc phố nhỏ bé.
Nguồn: vnexpress.net

Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm Dịch vụ - Du lịch quốc tế

VnewsTravel - Ngày 25/10, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm Dịch vụ - Du lịch Quốc tế” với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp, nhà nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch 
UBND TP.Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: ĐT)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội thảo lần này sẽ tiếp nối thành công các Hội thảo trước đây về chủ đề: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống”, “Đà Nẵng - Điểm đến hấp dẫn tại khu vực miền Trung”… Tại Hội thảo, trên cơ sở phân tích các tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng, các đại biểu sẽ có ý kiến trao đổi, gọi mở để Thành phố tìm ra các hướng đi, giải pháp hữu hiệu, đổi mới công tác điều hành, quản lý, xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển dịch vụ, du lịch; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm quảng bá và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho Thành phố; qua đó nâng ảnh hưởng và vị thế của Đà Nẵng lên tầm cao mới.

Diễn ra trong thời gian 1 ngày, Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất các vấn đề có liên quan đến chủ đề mà Hội thảo đặt ra. Trong đó, nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm như: Làm thế nào để tiến hành tốt quy hoạch không gian, giúp Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch quốc tế; giải pháp xây dựng điểm đến cho du khách nước ngoài tại Đà Nẵng; điều kiện nào đề Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn; các hoạt động ưu tiên nào khi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch Đà Nẵng; hướng đi nào cho Du lịch chữa bệnh tại Đà Nẵng; công nghiệp giải trí tại Việt Nam và những gợi ý cho Đà Nẵng; giải pháp quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng và miền Trung ra thế giới; xây dựng cơ chế để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế có sức cạnh tranh cao…

Theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung, để nâng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ du lịch quốc tế, Thành phố cần nhận diện rõ mình hiện đang ở đâu so với cả nước, khu vực và quốc tế. Nếu xét về phát triển đô thị thì Đà Nẵng là một điểm sáng nhưng xét về góc độ khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng thì nên thống kê, tính toán mối quan hệ giữa lượng khách đến với lượng chi tiêu tại đây. Bởi thực tế thời gian qua, Đà Nẵng gần như là điểm “trung chuyển” cho Huế và Hội An, trong khi chi tiêu tại Đà Nẵng không nhiều. Như vậy, bài toán của Đà Nẵng là làm sao để giữ chân du khách? làm sao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của du khách ngay tại địa bàn Thành phố?...

Và lời giải của bài toán này, theo TS Trần Du Lịch, Đà Nẵng phải tạo ra nhiều và ngày càng đa dạng các sản phẩm du lịch và các sản phẩm du lịch đó phải đủ sức cạnh tranh với Huế, Hội An, Mỹ Sơn…; phải có nơi để du khách tham quan, mua sắm. Ngoài ra, trong định hướng quy hoạch và quá trình quy hoạch Đà Nẵng phải tính toán khâu đột phát ngay từ đầu, nhất là về các điểm, các lĩnh vực, không gian liên quan đến du lịch. Cạnh đó, vai trò của chính quyền đối với phát triển dịch vụ du lịch cũng nên đặt ra và có giải pháp nghiêm túc, quyết liệt.

Trong khi đó, theo Kiến trúc sư Robert Day, chuyên gia tư vấn quy hoạch du lịch quốc tế, Phó Chủ tịch, Giám đốc tập đoàn WATG của Hoa Kỳ thì lợi thế lớn của Đà Nẵng là có bãi biển dài và đẹp. Xung quanh Đà Nẵng lại có Hội An, Mỹ Sơn, Huế nên nếu làm tốt công tác thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách, chắc chắn đây sẽ là địa chỉ mà du khách quốc tế tìm đến.

Ông Robert Day đề xuất, trước mắt Đà Nẵng cần xây dựng ở phía Bắc Thành phố một khu du lịch kết hợp với cộng đồng dân cư, quy mô không cần lớn và giá cả bình dân. Tại khu vực Cảng Đà Nẵng cũng nên quan tâm đầu tư các cơ sở mua sắm, tiêu dùng cho du khách. Đối với bán đảo Sơn Trà, Thành phố nên xây dựng một số khu nghĩ dưỡng riêng biệt, cao cấp ở dọc các sườn núi. Đặc biệt, ven bờ biển Đà Nẵng, Thành phố nên quan tâm xây dựng nhiều khu đi dạo và liên kết với các khu vực dân cư để du khách tham quan, mua sắm…

Còn theo ông Peter R.Ryder, Tổng Giám đốc tập đoàn Indochina Capital, có 6 vấn đề để Đà Nẵng quan tâm nhằm xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm Dịch vụ - Du lịch quốc tế. Trong đó, Thành phố sớm tiếp cận và hiện thực định hướng phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch biển và dịch vụ mua sắm, tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội cũng như du khách. Đà Nẵng cũng nên tăng cường mở các chuyến bay quốc tế đến từ Úc, Bắc Mỹ, Châu Âu…để đa dạng hóa thị trường và thu hút du khách cũng như khả năng tiêu dùng của du khách các khu vực này; đồng thời cải tiến thủ tục cấp visa, tăng thời gian lưu trú tối thiểu cho du khách; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về du lịch có chất lượng cao để phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai…/.
Nguồn: dulichvn.org.vn

Suối Yến mùa nước nở hoa

VnewsTravel - Mải mê nhìn những bông súng sắc tím nở rộ trên dòng nước tĩnh lặng, mới chợt nhận ra suối Yến đã bước vào thời khắc chuyển thu.
Những ai từng nhiều lần đến chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, hiển nhiên chẳng lạ lẫm gì với suối Yến. Một nơi có cảnh sắc đẹp với người lái đò chậm rãi chèo thuyền trên dòng nước mát trong. Với quãng đường dài 65 km, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng rưỡi để đến đây nếu xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
Tìm về suối Yến, hãy chọn lấy mùa thu. Không còn nữa những đoàn thuyền ngược xuôi, tiếng người la í ới, thay vào đó là sự tĩnh lặng bao trùm, những ngọn cây nghiêng bóng và bông súng tím khoe sắc dịu dàng. 

Tháng 10, 11 là thời điểm hoa nở rộ nhiều nhất. Nhiều tay máy hối hả chọn một góc chụp và cố bắt lấy khoảnh khắc tự nhiên cho riêng mình. Đối với họ, những chiếc lá màu xanh, bông hoa màu tím đang sở hữu một vẻ đẹp ngây người. 

Nếu muốn chiêm ngưỡng những bông súng bung cánh, căng tràn sức sống và vươn mình mạnh mẽ trên mặt nước, bạn nên đến trước buổi trưa, khi mặt trời chưa kịp đứng bóng. 

Không chỉ đứng trên bờ ngắm hoa, bạn có thể đi đò tham quan mây nước với giá vé 90.000 đồng một người. 

Bạn cần chuẩn bị đồ ăn đầy đủ khi đến đây, vì mùa này không phải là cao điểm lễ hội, các dịch vụ dường như không đáp ứng cho nhu cầu của bạn. 

Cuối tuần này, hãy thử đến suối Yến, thả mình trong không gian rộng lớn vùng ngoại ô. 

Những chiếc thuyền lờ lững trôi, hàng cây trụi lá soi bóng làn nước, điểm xuyết thêm chút sắc hồng sắc tím... Bỗng chốc bạn nhận ra nơi đây đẹp đến lạ. 

Mùa thu lá rụng, suối Yến cũng lặng yên như đang chìm vào giấc ngủ ban trưa. 
Nguồn: vnexpress.net

Cần một tư duy mới về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

VnewsTravel“Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ yếu phục vụ chính trị một cách đơn giản, thiếu một sự tinh tế để đi vào lòng người”.

Gần đây, dư luận có nhiều thông tin khác nhau về việc xây dựng, tổ chức quản lý, khai thác Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây như không hiệu quả; nhiều công trình xây dựng dở dang, xuống cấp…mục tiêu biến nơi đây thành một điểm đến của khách du lịch văn hóa chưa đạt được... Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa về vấn đề này.           

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa
PV: Thưa PGS Nguyễn Văn Huy, trong một lần chia sẻ với báo chí mới đây, ông cho rằng “cần phải có cách nhìn mới về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Phải chăng ông muốn nói rằng, việc quản lý, điều hành Công trình văn hóa này đang theo một tư duy cũ, hiệu quả không như mong muốn?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Chúng ta làm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có mang tính chất bảo tồn không, hay mang tính chất du lịch. Cần xác định mục đích nào là chính, mục đích nào là phụ. Đó là điều rất là khó lý giải. Nếu như ở Bảo tàng Dân tộc học, những ngôi nhà của người dân tộc là ngôi nhà bảo tồn, thì ở Làng Văn hóa lại vừa bảo tồn, vừa phải là một không gian sống.

Tuy nhiên, khi đến những ngôi nhà này ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy ở đó thiếu cái hồn sống, thiếu chất dân tộc, thiếu những câu chuyện. Những ngôi nhà đó, người ta thuê các công ty xây dựng của người Kinh, thợ xây là người Kinh. Tuy có mời một vài người dân tộc đến để kiểm tra, nhưng đều là hình thức.

Một điều nữa là Làng Văn hóa các dân tộc chúng ta vẫn phải bao cấp. Một năm tổ chức 2, 3 lần các chương trình quảng bá rất mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng sau những sự kiện ấy, có ai thăm không thì lại rất ít. Nếu chúng ta cứ bao cấp như thế thì chúng ta sẽ cho ra một sản phẩm như thế nào và mang lại lợi ích gì cho xã hội? Tôi thấy tất cả những hoạt động ở đó hiệu quả chưa cao.

Quần thể Tháp Chăm ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

PV: Vậy theo PGS thì cần phải ứng xử với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam như thế nào cho phù hợp? 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Câu chuyện Làng Văn hóa chúng ta đặt vấn đề từ đầu những năm 80 cho đến bây giờ là gần 30 năm. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng quá chậm trong khi hiện tại, tư duy và tâm lý con người thay đổi, xã hội chúng ta thay đổi, vậy thì, nó có phù hợp nữa không? Tôi nghĩ, cần phải có cả một nhóm thẩm định đánh giá một cách toàn diện tất cả những vấn đề về kinh tế, văn hóa, chính trị một cách khách quan và công bằng. Nhìn nhận lại với một tư duy tái cơ cấu, xem xét lại mục đích, mục tiêu của chúng ta đưa ra, có đạt hay không đạt, suy nghĩ lại để mà thay đổi mục tiêu của Làng Văn hóa là vô cùng cần thiết.

PV: Cụ thể hơn thì chúng ta có thể khai thác theo hướng nào để đảm bảo mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị của Làng Văn hóa các dân tộc, phát huy nguồn lực xã hội, bớt đi một phần gánh nặng cho ngân sách khi phải bao cấp quá lớn cho hoạt động ở đây? 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Đầu tiên phải tái cơ cấu lại Làng Văn hóa trở thành những nơi nghỉ dưỡng. Trong những nơi nghỉ dưỡng như thế có những công trình của các làng dân tộc, hệ thống cảnh quan. Các gia đình đến nghỉ dưỡng, thưởng thức, khám phá nền văn hóa dân tộc, chứ không phải tổ chức các phong trào chính trị, các ngày dân tộc như hiện nay chỉ có những khách mời đến thăm.

Một phương án tôi cho rằng, những nhà hoạt động văn hóa hiện nay vẫn kêu là không có phim trường. Vậy thì tại sao chúng ta có cả một không gian rất đẹp như thế, những ngôi nhà như thế, chúng ta không biến thành những phim trường lịch sử, những phim trường hiện đại và những phim trường về các dân tộc thiểu số? Phim trường là kinh doanh và tư duy ấy là tư duy của các doanh nghiệp chứ không phải tư duy bao cấp.

Phương án thứ 3 mà chúng ta cần suy nghĩ là biến nơi đó thành nơi tổ chức giới thiệu nền văn hóa của thế giới với các câu chuyện huyền thoại. Nếu chúng ta làm theo hướng đấy thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ thu hút được du khách. Đây là câu chuyện chuyển đổi từ mục đích này sang một mục đích khác. Nhưng chúng ta vẫn giữ được cơ cấu, tất cả những thứ đấy nó như là một sự hài hòa giữa Disneyland ở các nước với Làng văn hóa các dân tộc, nó thu hút lẫn nhau và sẽ thu hút được đông đảo khách tham quan mà các mục tiêu của chúng ta đưa ra không phải là không thể thực hiện được.

Cần một tư duy mới về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn

PV: Nhưng cũng có người cho rằng do kinh phí đầu tư thiếu, thời gian thi công kéo dài, các công trình dang dở nên Làng văn hóa các dân tộc chưa phát huy hết công năng, hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn? Quan điểm của ông thì như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Các mục tiêu của chúng ta đặt ra chứ không phải cách làm, chúng ta đã đi quá chậm và trở nên lạc hậu. Chúng ta phải thay đổi cơ cấu, phải thay đổi mục tiêu chứ không phải là ở việc đầu tư kinh phí. Đầu tư kinh phí có nhiều hơn nữa chúng ta vẫn không làm được. Bởi vì đó không phải là nơi bảo tồn, cũng không phải là một nơi du lịch, mà chủ yếu phục vụ chính trị một cách đơn giản, thiếu một sự tinh tế để đi vào lòng người. Thế nên phải đánh giá một cách toàn diện những vấn đề này, rồi sau đó Nhà nước, Chính phủ mới có quyết đáp một cách đúng đắn nhất. Chúng ta không trách ai, nhưng phải hết sức dũng cảm để đánh giá câu chuyện đấy, thay đổi chiến lược, thay đổi mục tiêu cho nó phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: vov.vn

3 quán ăn mang phong cách gia đình xưa tại Sài Gòn

VnewsTravel - Cơm nhà, Cục gạch hay Cơm niêu Sài Gòn là những quán mang lại cho bạn cảm giác được sống trong một gia đình xưa. 
Nhịp sống ngày càng hiện đại khiến việc tìm kiếm một bữa cơm đơn giản, mang đậm chất truyền thống trở nên khó khăn. Một ngày nào đó, nếu bạn muốn được ăn những món như trứng chiên, rau muống luộc, canh bầu... văng vẳng bên tai là tiếng nhạc réo rắc từ cái thuở sum vầy với mẹ cha, hãy thử đến những quán dưới đây. 

1. Cơm nhà

Nằm ở tầng 2 khu chung cư cũ Đồng Khởi, Cơm nhà là một quán nước mát có phục vụ món ăn giống với "bữa cơm mẹ nấu", bao gồm: một chén cơm trắng, một món mặn, một món rau và chén canh đặt trên cái mẹt. Không khí quán yên tĩnh và thực đơn thay đổi mỗi ngày trong tuần. Một phần cơm nhà có giá 59.000 đồng, ngoài ra còn có các món lạ mà quen như cơm nếp muối mè, bánh mì chà bông hay xôi mít... 

Mẹt cơm một người ăn ở quán Cơm nhà. Ăn như vầy thôi đã đủ no. Ảnh: Thảo Nghi
Không gian quán được trang trí theo tông màu nâu trầm. Trên những chiếc kệ tường có đèn dầu và sách về Sài Gòn xưa. Dùng bữa ở Cơm nhà, gắp miếng thịt kho cho vào cơm trắng, uống chút trà gừng rồi ngậm miếng quế, bạn sẽ quay trở lại đây cùng với một người bạn. Quán phục vụ "bữa cơm mẹ nấu" ở hai khung giờ từ 10h đến 14h và 16h đến 19h. Thời gian còn lại, quán hoạt động như một không gian cà phê.

Địa chỉ: 151/6 chung cư Đồng Khởi, quận 1. 

2. Cục gạch

Nổi tiếng không chỉ riêng ở Việt Nam, Cục gạch là nơi du khách nước ngoài thường tìm đến. Đặc điểm của quán là ăn trong chén mẻ, đĩa mẻ. Những món rất quen thuộc như rau muống xào, canh chua, cà pháo, cá kho tộ... đặc biệt thu hút thực khách. Đến ăn ở đây, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều điều thú vị, chẳng hạn như chiếc ly uống nước bị nghiêng sang một bên, ống hút là cọng rau muống to, hút hút khá vui. 

Bữa ăn thơm ngon nhưng giản dị ở quán Cục gạch. Ảnh: muivi

Quán khá mắc, giá từ 90.000 đến 95.000 đồng một món. Bù lại, bạn sẽ được thưởng thức ẩm thực truyền thống Việt Nam. Đồ ăn ở đây nêm nếm vừa miệng, không nhiều cũng không ít. Nhân viên phục vụ nhanh nhẹn, dễ thương và giao tiếp tiếng Anh tốt. Không chỉ thưởng thức cho riêng mình, bạn có thể dẫn cả gia đình hay anh bạn người nước ngoài cùng đến đây, chắc chắn sẽ có những cảm xúc khó quên.

Địa chỉ: 10 Đặng Tất, phường Tân Định, quận 1. 

3. Cơm niêu Sài Gòn

Không gian quán sang trọng, nhưng mang lại cho bạn cảm giác ấm áp. Khi bước chân vào Cơm niêu Sài Gòn, bạn như đang ở chính ngôi nhà mình. Món ăn ở đây từ dân dã đến cao cấp. Cơm niêu dẻo thơm, dù được nấu bằng nồi đất nhưng không hề bị khét. Tuy nhiên, cảm giác thích thú nhất chính là khi bạn gọi món cơm đập. Khi đó bạn sẽ được xem người phục vụ biểu diễn đập niêu ném cơm vô đĩa. 

Nhân viên đang biểu diễn hứng cơm đập được ném từ phía bên kia. Ảnh: hotelnews

Quán thích hợp nhất khi hẹn ăn trưa với gia đình. Không gian mát mẻ và giá món chính khoảng 100.000 đồng. Ngoài cơm niêu, bạn có thể thưởng thức qua các món như cà pháo mắm tôm, canh cua rau đay, cá bống kho tộ... 

Địa chỉ: 27 Tú Xương, quận 3. 
Nguồn: vnexpress.net

Những 'địa ngục trần gian' nổi tiếng của du lịch Việt

VnewsTravel - Nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc hay Sơn La… luôn có sức hút với du khách trong, ngoài nước và cựu quân nhân.
Nhà tù Côn Đảo là một hệ thống nhà tù được thực dân Pháp xây dựng tại Côn Đảo vào năm 1962 để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Ảnh: Văn Tuấn
Nhà tù có rất nhiều khu biệt giam với hàng loạt cực hình tra khảo khốc liệt đến mức được ví như "địa ngục trần gian" lúc bấy giờ. Tàn bạo nhất là khu Chuồng Cọp với những nhục hình như phơi nắng, phơi sương, bắt nhịn đói… Khi sự thật về nơi này được phanh phui vào năm 1970, sự tàn nhẫn của nó khiến cả thế giới chấn động. Ảnh: Văn Tuấn

Không khí lạnh lẽo, u ám của nơi đây khiến nó trở thành một trong những điểm tham quan ghê rợn nhất song cũng hấp dẫn nhất của du khách khi đến hòn đảo này. Ảnh: Văn Tuấn

Nhà tù Phú Quốc nằm tại thị trấn An Thới, cực nam đảo Phú Quốc. Trong chiến tranh, trại giam này có tên là nhà lao Cây Dừa. Ảnh: Hoàng Hà

Cũng như nhà tù Côn Đảo, hệ thống nhà tù này được xây dựng với mục đích giam giữ các chiến sĩ yêu nước. Trong 6 năm hoạt động, việc áp dụng hàng loạt cực hình, tra khảo trên tù nhân đã khiến hơn 4.000 người tử vong cũng như làm hàng chục ngàn người bị tàn phế. Ảnh: Hoàng Hà

Hiện nhà tù Phú Quốc được xây dựng lại từ nền nhà tù cũ. Điểm trừ là vì phục dựng gần như tất cả, các hiện vật như hàng rào kẽm gai hay chuồng cọp… không có độ hoen rỉ cần thiết nên sự tác động vào tâm lý bị hạn chế khá nhiều. Ảnh: Hoàng Hà

Nhà tù Sơn La do Pháp xây dựng vào năm 1908, nằm trên đồi Khau Cả, tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Ảnh: dulichtaybac

Ngoài việc được nhắc như một "địa ngục trần gian miền sơn cước", nơi này còn được biết đến với cây đào Tô Hiệu nổi tiếng. Ảnh: Tours

Nhà lao Thừa Phủ nằm ở số 1 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Đây nguyên là nơi ở của đơn vị thủy binh nhà Nguyễn, sau đó bị thực dân Pháp trưng dụng thành nhà tù vào năm 1899. Nhà lao Thừa Phủ từng giam giữ cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng. Với nhiều du khách, đây là một địa điểm không nên bỏ qua tại đất kinh kỳ. Ảnh: ivivu

Nhà tù lao Bảo nằm cuối đường Lê Thế Tiết (tên một nhà cách mạng đã bị tra tấn đến chết tại nhà tù này vào năm 1940) nối từ quốc lộ 9 đi vào thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: panoramio

Đây là một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương được thực đân Pháp xây dựng để giam giữ những người bản xứ chống đối họ. Nơi đây từng giam cầm khá nhiều nhà cách mạng lớn như nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết... Ảnh: panoramio
Những 'địa ngục trần gian' nổi tiếng của du lịch Việt

Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Có hai nguyên nhân cho tên gọi này: một là tên gốc từ tiếng Pháp: Pénitencer de Ban Mê Thuột, hai là do tính chất giam giữ. Cụ thể, những tù nhân án nặng (từ 5 năm trở lên) bị coi là nguy hiểm sẽ lần lượt bị đày tới những nơi xa xôi. Ảnh: bàn chân việt

Nơi đây từng giam giữ các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… Qua các lần trùng tu, hiện nay nhà đày Buôn Ma Thuột mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của nhiều thế hệ tù nhân tại đây thông qua hiện vật và các tư liệu quý. Ảnh: ponoramio

Nhà lao Vinh nằm trong thành cổ Nghệ An. Nơi này từng giam giữ nhiều chiến sĩ Cần Vương yêu nước tiêu biểu như cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, cụ Hồ Bá Kiện, bà Trần Thị Trâm, Đội Quyên, Đội Phấn, ông Nguyễn Sinh Khiêm… và những đồng chí như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Duy Trinh, Siêu Hải, Hoàng Trọng Trì... Ảnh: baotangxovietnghetinh

Trong chiến tranh, nơi đây từng được ví như nơi rèn luyện tinh thần, nghị lực, nhân cách, ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Ảnh: blogpost

Nhà tù Hỏa Lò hay nhà pha Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1896, tại Hà Nội. Nơi đây từng giam giữ các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... Hiện khu di tích này còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu và hiện vật quý, đặc biệt là chiếc máy chém được thực dân Pháp dùng lưu động. Ảnh: Anh Tuấn

Dù khá ghê rợn và ám ảnh, song đây cũng là địa điểm được nhiều du khách tick vào danh sách những điểm nên ghé khi đến thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn
Nguồn: zing.vn

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC