March 2014

Những điểm đến lý tưởng của tháng 4

VnewsTravel - Festival Huế, lễ hội ánh sáng Đà Nẵng, Tết té nước... đều diễn ra trong tháng 4 này. Đừng bỏ lỡ nhé!


Huế

Festival Huế năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 20/4, tái hiện nhiều lễ hội độc đáo như: đêm hoàng cung, lễ hội áo dài, đêm phương Đông, các lễ hội cộng đồng Hương xưa làng cổ, chợ quê ngày hội... Ngoài ra, Festival Huế 2014 còn có các hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng như các cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật thả diều Huế, thư pháp, các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc - mỹ thuật đường phố...

Đà Nẵng

Vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật cuối cùng của tháng 4 (26 và 27/4), Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ hội ánh sáng lần đầu tiên, với sự tham gia của 5 đội đến từ các nước trên thế giới. Các đội sẽ tham gia trình diễn ánh sáng trên nền nhạc và cảnh quan thành phố. Bên cạnh đó sẽ có các hoạt động như: giao lưu nghệ thuật, triển lãm chiếu sáng nghệ thuật, gala dinner, các tour phục vụ khách du lịch... Lễ hội ánh sáng là chương trình được kỳ vọng sẽ hút khách du lịch khắp nơi về với TP năng động ven sông Hàn trong cuối tháng 4 này. 

Thành phố Hồ Chí Minh

Dịp nghỉ lễ 30/4, hãy vào TP HCM để vừa thăm quan, ăn các món ngon và mừng ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hiện giờ, TP HCM có rất nhiều khu vui chơi giải trí như Suối Tiên, Đầm Sen, Tao Đàn, Bình Quới... hoặc bạn có thể đi thăm địa đạo Củ Chi và đi các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Tiền Giang... 

Trà Vinh - Sóc Trăng - An Giang - Kiên Giang 

Tết Chol Chnam Thmay là lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Khmer ở các tỉnh Nam bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Tết được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 dương lịch, cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma nhưng ở Việt Nam, Chol Chnam Thmay còn gọi là Tết “chịu tuổi”. Trong ba ngày Tết, mọi người đều mặc quần áo mới, dâng lễ lên chùa, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích.

Lào - Thái Lan - Myanmar - Campuchia

Lễ hội Tết năm mới của bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar đều diễn ra từ 13 đến 15/4 mỗi năm với tập tục té nước được coi là hành động đem lại may mắn trong năm mới. Tới những đất nước này vào dịp lễ hội, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng người dân đổ ra đường dội nước vào nhau thậm chí dùng những khẩu súng nước để bắn vào những người khác cùng với lời chúc mừng năm mới.

Hong Kong 

Liên hoan phim quốc tế Hong Kong, diễn ra từ 24/3 đến 7/4, là một trong những giải thưởng danh giá, uy tín bậc nhất ở châu Á dành cho các nhà làm phim và các diễn viên. Liên hoan quy tụ nhiều chuyên gia điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự và khởi động nhiều dự án phim hoành tráng. Năm nay, giải thưởng kỷ niệm lần thứ 38, 280 phim được gửi tới từ 50 quốc gia. Sự kiện này được tổ chức khá rầm rộ tại Hong Kong ở 11 điểm trong khắp thành phố. Đây được coi là một lễ hội tưng bừng nhất trong năm khi thu hút tới 600.000 người.

Philippines

Lễ hội Moriones trên đảo Marinduque (Philippines) kéo dài một tuần, từ 14 đến 20/4, được gọi là tuần lễ Thánh. Đây là ngày lễ quan trọng nhất với người Philippines. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương sẽ đeo khẩu trang, mặc trang phục hóa trang độc đáo và đeo mặt nạ có hình thú kỳ lạ, mô phỏng lại hình ảnh của những người lính La Mã. Trên tay họ sẽ cầm vũ khí bằng gỗ để mổ phỏng lại các cuộc chiến đấu trước đây. Bạn cũng có thể tìm thấy những bức tượng các chiến binh La Mã với tỷ lệ như người thật tại bến cảng Balanacan.

Đài Loan 

Lễ hội hành hương Dajia Mazu là lễ hội lớn nhất Đài Loan, diễn ra trong 8 ngày 7 đêm từ 22/4. Đây là dịp để người dân hòn đảo này tưởng nhớ nữ thần Mazu, người bảo vệ các thủy thủ và ngư dân khi đi biển. Lễ hội tại thu hút cả trăm nghìn người từ khắp nơi ở Đài Loan. Họ mang các bức tượng biểu trưng cho thần Mazu trên suốt quãng đường 300 km, đi qua 4 thành phố. Đoàn người sẽ hành hương từ đền Jenn Lann đến đến Feng Tian và ngược lại. Lễ hội này cũng được tổ chức lại Hong Kong, nhưng với cái lên là lễ hội Tin Hau. Còn ở Macao, người dân lại gọi là lễ hội A-Ma.
Nguồn: ngoisao.net

7 xứ sở thần tiên nên ghé thăm ít nhất một lần trong đời

VnewsTravel - Parma của Ý hay Paris của Pháp là một trong 7 thiên đường trên mặt đất mà bạn nên ghé thăm ít nhất một lần.


Parma, Ý

Parma là một thành phố của Ý nằm trong khu vực Emilia-Romagna, Parma được nhiều người biết tới với bề dày lịch sử và kiến trúc tuyệt vời. Thành phố n
ày nổi tiếng với loại thịt xông khói (ham) và phô mai ngon tuyệt dành cho những người sành ẩm thực.

Paris, Pháp

Paris là thành phố thủ đô nổi tiếng của nước Pháp. Được biết đến với tên gọi là “Kinh đô ánh sáng” và là “kinh đô thời trang” cao cấp với nhiều khu phố xa xỉ, trung tâm thương mại lớn, Paris là một trung tâm văn hóa lớn của thế giới và thu hút ít nhất hơn 30 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, dù Paris được đánh giá là khá “đắt đỏ”.

Granada, Tây Ban Nha

Một vùng đất ở vùng biển Caribbean mang lại cho bạn cơ hội được nằm dài trên các bãi biển và hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của khu vực này. Đây là một thành phố màu mỡ và được đánh giá là khá thân thiện. Còn gì tuyệt vời hơn là thưởng thức ẩm thực với tên gọi "hương vị của biển Caribbean" - được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới này nhỉ!

Tokyo, Nhật Bản

Là thủ đô của đất nước Nhật Bản với chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tốc độ sống điên cuồng đến chóng mặt, nhưng thực sự, lối sống của người dân Tokyo để lại ấn tượng đặc biệt trong mắt nhiều người. Họ chăm làm, biết hưởng thụ, luôn biết vượt qua mọi khó khăn và lạc quan trong cuộc sống.

Morocco

Morocco hay còn được gọi là Ma-rốc là nơi pha trộn của ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, những phong tục xưa cũng như những tiết tấu iện đại. Bất cứ ai từng ghé thăm Morocco một lần đều không thể quên được màu sắc, hương vị ẩm thực đặc biệt của những khu chợ nổi tiếng xung quanh này. 


Ngoài ra, bạn sẽ có thời gian tận hưởng cuộc sống ở Tangier, một thành phố cảng thanh lịch hoặc đi tiếp xuống bờ biển phía Tây với những thành phố nổi tiếng trong phim ảnh - Casablanca và Essaouira với thành phố lịch sử lộng lẫy

Amsterdam, Hà Lan

Amsterdam được biết đến như một thế giới cổ tích với cối xay gió, với những ngôi nhà lộng lẫy được tô điểm bởi các chậu hoa duyên dáng. Nơi đây được mệnh danh là thành phố của những con kênh và thu hút rất đông lượng người du lịch. Quảng trường Dam, chợ Albert Cuypmarkt và hệ thống bảo tàng phong phú cũng là những điểm cộng rất tuyệt mà khách tham quan đánh giá cao đấy!

Hong Kong

Hong Kong được mệnh danh là thiên đường mua sắm sầm uất và bậc nhất thế giới này. Có người đã từng nói, Hong Kong về đêm lung linh rực rỡ hệt như cô gái tuổi trăng rằm bởi mức độ phồn hoa của nó. Vậy thì còn ngại ngần gì mà không thử đặt chân đến đây ngay khi có điều kiện, nhỉ?
Nguồn: vnexpress.net

Sẽ có diễn đàn gặp mặt ứng viên Đại sứ du lịch tại VITM 2014

VnewsTravel - Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội chợ du lịch chợ Du lịch quốc tế 2014 (VITM Hà Nội 2014), một trong những hoạt động trọng tâm của hội chợ là xúc tiến du lịch, trong đó có vai trò của Đại sứ du lịch. 

Nhằm tạo điều kiện cho công chúng hiểu rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ cũng như khó khăn gặp phải khi làm Đại sứ Du lịch, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam và Cục Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức diễn đàn “Gặp mặt các ứng viên Đại sứ Du lịch”  vào chiều ngày 6/4.

Hội chợ VITM lần thứ nhất vào năm 2013 đã phát động hiệu quả kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia của hàng không Vietnam Airline, Vietjet Air

Tham dự giao lưu có cựu Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ và các ứng viên đại sứ như Diệu Hân, Lan Phương, Ngọc Hân và Hồng Thuận. “Các ứng viên sẽ giao lưu với khán giả, nhất là thanh niên, để giúp mọi người hiểu thế nào là đại sứ du lịch. Đối với ngành du lịch, việc tìm một đại sứ du lịch có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh. Nếu được đầu tư tốt sẽ mang lại hiệu quả cao trong xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động của đại sứ du lịch hiểu theo nghĩa tiêu cực hơn là tích cực nên tại Hội chợ VITM Hà Nội 2014 sẽ tạo diễn đàn để mọi người, nhất là giới trẻ góp ý về các tiêu chí của đại sứ du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho biết. 

Theo BTC, đến nay BTC nhận được đăng ký của 508 gian hàng, trong đó có 154 gian quốc tế đến từ 22 nước và vùng lãnh thổ; 354 gian nội địa đến từ 42 tỉnh thành. Hội chợ VITM Hà Nội 2014 có chủ đề: “Kích cầu du lịch – Điểm đến mới, cơ hội mới và Du lịch có trách nhiệm vì sự tăng trưởng bền vững”.

“Để đáp ứng kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có 10 hãng hàng không cam kết cung cấp 15.000 vé khuyến mại, giá từ 190.000 đồng với đường bay quốc tế và từ 333.000 đồng đối với đường bay nội địa. Các hãng lữ hành chuẩn bị 8.000 tour khuyến mại với giá giảm đến 60%”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Nguồn: baotintuc.vn

Cà Mau điểm du lịch tiêu biểu hấp dẫn khách nội địa

VnewsTravel - Mũi Cà Mau là một địa điểm có ý nghĩa thiêng liêng với bất kỳ người dân Việt Nam. Nhiều người mong ước một lần được đến vùng đất thiêng liêng này của Tổ quốc. Để tạo thành một điểm đến, tỉnh Cà Mau đã thành lập Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau, bình quân mỗi năm đón khoảng 100.000 lượt khách đến thăm quan.

Với sự đầu tư về hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại, vùng đất mũi Cà Mau trước đây đây với câu ca "Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh", giờ đã khác xưa nhiều...Theo đánh giá của đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch mới đây về khả năng liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất mũi Cà Mau có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng nếu được đầu tư. Ngoài việc thăm quan điểm cực Nam tổ quốc, du khách có thể trải nghiệm về cuộc sống của người dân vùng đất Mũi Cà Mau:


Giao thông đến đất mũi Cà Mau giờ thuận tiện kể cả đường bộ cũng như đường thủy; từ thành phố Cà Mau khách tham quan có thể đi xe ô tô theo quốc lộ 1A đến huyện Năm Căn mất hơn 1 tiếng đồng hồ, sau đó khách tham quan sẽ đi đến Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau bằng thuyền cao tốc khoảng 1 tiếng 15 phút

Dọc đường đến đất Mũi, du khách có cơ hội quan sát đời sống gắn liền với sông nước của bà con vùng đất Mũi Cà Mau

Sau hành trình hơn 1 tiếng, du khách sẽ đặt chân lên vùng đất Mũi


Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau là điểm du lịch mang tính địa lý, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước, nằm trong quần thể khu du lịch chuyên đề cấp Quốc gia.

Du khách chinh phục Vọng lâm đài cao 20m để ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ màu xanh bạt ngàn của rừng đước, màu xanh thẳm của biển mênh mông.

Vọng lâu đài được cách điệu từ hình cây đước, loài cây đặc trưng của vùng đất Mũi. Dự kiến Vọng lâu đài sẽ được đầu tư nâng cấp với độ cao hơn

Thật thú vị, điểm đất Mũi là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam, tại một điểm du khách thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây

Du khách hào hứng chụp ảnh tại biểu tượng tiểu cảnh pano hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của Đất nước luôn hướng ra biển khơi


Du khách cũng có dịp tham quan Cột mốc tọa độ quốc gia GPS0001. Cột mốc toạ độ Quốc gia tại Mũi Cà Mau số 0001. Nằm ở vị trí 8037’30’’, 104043’ tọa lạc tại Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Du khách cũng có thể mua quà lưu niệm làm từ cây đước.

Gần Mũi Cà Mau, hiện Sở Văn hóa Thể thao Du lịch phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu cuộc sống người dân vùng sông nước vùng đất Mũi.

Được tìm hiểu và thưởng thức hải sản nuôi trồng tại vùng đất Mũi.


Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau với diện tích 150ha và được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bình chọn là điểm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn khách nội địa.
Nguồn: baotintuc.vn

Nỗ lực chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương (31/03/2014)

VnewsTravel - Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. 

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương  

Vì thế du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú, thưởng ngoạn những đền đài, lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào, sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế, đặc sắc này.

Ngày nay, du khách đến Huế ngày một đông, nhu cầu thưởng thức ca Huế trên sông ngày một lớn. Vì thế, ca Huế trên sông đã trở thành một dịch vụ du lịch hái ra tiền, dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở” dịch vụ phát triển đến mức không kiểm soát được. Không khí ở các bến thuyền thật rộn ràng, tấp nập với rất nhiều thành phần như: ca sĩ, nhạc công, bầu sô, chủ thuyền, du khách và tất nhiên, thành phần không thể thiếu là… cò. Phía dưới sông thì cơ man nào là thuyền rồng, thuyền đôi, thuyền đơn. Bước chân lên khoang thuyền ca Huế sao nghe khác lạ quá chừng. Thuyền san sát thuyền, cùng với tiếng la hét của những chủ thuyền để tránh nhau…

Hiện tại ngoài 4 đơn vị của Nhà nước được phép tổ chức các tour ca Huế trên sông (Nhà văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế, Đoàn ca kịch Huế và Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế), thì còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân... có thuyền rồng, thuyền phụng chưa có giấy phép vẫn tham gia vào dịch vụ này.  Từ năm 2000 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục có các chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, trong đó, quy định cụ thể thời gian biểu diễn của một "sô” ca Huế, mức thù lao cho diễn viên, nhạc công, số lượng ca sĩ, nhạc công trong một "sô” diễn… cũng như nghiêm cấm các hành vi tiếp thị, mua bán các sản phẩm ăn theo, nài ép du khách dưới mọi hình thức. 

Mới đây nhất, cơ quan chức năng của tỉnh đã thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này có người đang hoạt động tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thù lao cho các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150 nghìn đồng/người/suất diễn (được áp dụng từ ngày 1-5-2013). Quyết định nói trên đã "gỡ” được nhiều khó khăn cho đời sống của các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ca Huế lâu nay. Những việc làm này đã có tác dụng "xốc” lại loại hình nghệ thuật độc đáo và quý giá này, để nguy cơ du khách quay lưng lại với ca Huế sẽ không xảy ra. 

Để chuẩn bị cho Festival Huế 2014 sắp diễn ra, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Tổ liên ngành phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương. Công việc này đã bắt đầu từ ngày 23/3 đến sau Festival. Ông Cao Chí Hải - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổ trưởng Tổ liên ngành cho biết: Tổ chia thành 2 nhóm, tập trung kiểm tra, xử lý việc buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo, đeo bám, nài ép, cò mồi du khách nghe ca Huế dưới dạng du thuyền ghép khách trái quy định tại khu vực bến Tòa Khâm và tình trạng các em nhỏ chèo ghe bám theo các thuyền ca Huế xin tiền trên sông Hương.  Đoàn cũng đã kiểm tra quy định phục vụ ca Huế tại hơn 50 thuyền và kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các thuyền phải niêm yết giá, đảm bảo không gian biểu diễn, thời lượng biểu diễu, thái độ phục vụ du khách, vị trí neo đậu biểu diễn của thuyền ca Huế... Qua kiểm tra, Tổ đã lập biên cảnh cáo, nhắc nhở và xử phạt hành chính đối với một số thuyền vi phạm các quy định trong tổ chức, hoạt động biểu diễn ca Huế; đồng thời đã chấn chỉnh các nhóm ca Huế về chất lượng biểu diễn, thái độ phục vụ du khách.

Sau 1 tuần ra quân kiểm tra, hoạt động ca Huế trên sông Hương đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng ăn xin đeo bám, hàng rong, nài ép, cò mồi ca Huế; chất lượng biểu diễn, phục vụ tốt hơn, đảm bảo 1 suất diễn đủ 60 phút (không kể giải lao và di chuyển) và đủ các bài bản, nhạc cụ theo quy định. Theo ông Hải, trong thời gian từ 16h đến 23h, các nhóm của Tổ sẽ luân phiên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động biểu diễn ca Huế, nhất là trong dịp Festival Huế 2014.
Nguồn: daidoanket.vn

Đẹp ngỡ ngàng ngọn đồi "sô-cô-la" ở Philippines

VnewsTravel - Những ngọn đồi "sô-cô-la" được bao phủ bởi thảm cỏ xanh mượt, nhưng vào mùa khô thảm cỏ này lại chuyển thành màu nâu, trông giống như từng mảnh sô-cô-la khổng lồ.


Bohol là hòn đảo thuộc tỉnh Bohol và đảo lớn thứ 10 ở Philippines. Hòn đảo này được xem là thiên đường nhiệt đới với bờ biển cát trắng phau ôm lấy những vịnh nhỏ và là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích lặn biển.


Một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở hòn đảo Bohol là những ngọn đồi "sô-cô-la", với hàng trăm ngọn đồi hình nón phân tán trên diện tích hơn 50km vuông. 


Có khoảng 1.260 đến 1.776 ngọn đồi  khác nhau, chiều cao trung bình từ 30 đến 50 mét, trong đó có những ngọn đồi cao tới 120 mét. 


Ngọn đồi "sô-cô-la" từng là lớp đá trầm tích nổi lên từ mặt biển trong một quá trình vận động địa chất. Hình nón của những ngọn đồi được tạo thành từ gió và sự xói mòn qua thời gian.
Những ngọn đồi "sô-cô-la" được bao phủ bởi thảm cỏ xanh mượt


...nhưng vào mùa khô thảm cỏ này lại chuyển thành màu nâu, trông giống như từng mảnh sô-cô-la khổng lồ



Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh sự hình thành của những ngọn đồi. Một trong số những truyền thuyết đó là câu chuyện liên quan đến mối hận thù giữa hai người khổng lồ, họ đã ném những tảng đá và cát vào nhau. Cuộc chiến giữa họ kéo dài trong nhiều ngày liền khiến cả hai kiệt sức, rồi sau đó quên đi mối hận thù và trở thành bạn bè. Nhưng khi rời đi, họ đã quên dọn dẹp mớ hỗn độn mà mình gây ra, mớ hỗn độn đó đã tạo nên ngọn đồi "sô-cô-la" ngày nay.


Một truyền thuyết khác lại kể rằng: Có anh chàng khổng lồ đã đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp, nhưng ít lâu sau cô gái bị bệnh và qua đời khiến anh chàng vô cùng đau khổ và khóc lóc thảm thiết. Những giọt nước mắt đó đã tạo nên ngọn đồ "sô-cô-la".



Chocolate Hills giống như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ . Xen giữa những ngọn đồi nằm ở vùng đồng bằng tươi tốt là những hang động và dòng suối tuyệt đẹp.


Mặc dù được công nhận là Di sản thế giới, nhưng cảnh quan ngọn đồi "sô-cô-la" đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác đá trái phép.
Nguồn: hn.24h.com.vn

Ca dao tục ngữ thời hiện đại (phần 47)

VnewsTravel - Yêu nhau vì sinh lý. Quý nhau vì đồng tiền.

Ca dao, tục ngữ thời hiện đại (phần 46)
Ca dao, tục ngữ thời hiện đại (phần 45)


Nhục không phải là nghèo khó
Nhưng nghèo khó thì thật là nhục.

Trong tình yêu, ghen là tai nạn
Trong tình bạn, tự ái là sai lầm.

Giỏi thì người ta sợ
Dốt thì người ta thương
Dở dở ương ương thì người ta ghét.

Yêu nhau vì sinh lý
Quý nhau vì đồng tiền.

Vì tương lai con em chúng ta
Kệ cha tương lai con em chúng nó.

Hơn nhau vì áo vì quần
Chứ đem lột trần ai cũng như ai.

Thứ bảy máu chảy về tim
Lim dim đi tìm chỗ ngủ.

Đời cho ta tâm hồn lãng mạn
Tuy đa tình nhưng tuyệt đối thủy chung.

Hôn nhân luôn tặng bạn một đặc ân: Chỉ ai có nó mới có thể ly dị được.

Tạo hóa bất công cho con người có lông mà không có cánh.

Sống với thằng dở cứ phải niềm nở.

Đàn đâu mà gảy tai trâu, đạn đâu bắn sẻ, kiếm đâu chém ruồi.

Em xấu nhưng được cái kết cấu hài hòa.
Nguồn: vnewstravel.com

Tái hiện Lễ hội Cầu ngư vùng Nam Trung Bộ

VnewsTravel - Trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2014, tối 30/3, tại các địa phương ven biển huyện Tuy An, Đông Hòa, Thị xã Sông Cầu và TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đồng loạt diễn ra Chương trình trình diễn Lễ hội Cầu ngư.

Chương trình có sự tham dự của 8 đội hò bả trạo (mỗi đội 25 người) đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phú Yên. Sau nghi thức Lễ cầu ngư, các đội tổ chức hò bả trạo đặc sắc của cư dân miền biển.

Mở đầu lễ hội Cầu ngư là lễ rước sắc, sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn Ông Nam Hải. Khi chủ tế cúng trong đền, thì ở ngoài đoàn hát bả trạo bắt đầu hát (bả là cầm nắm, trạo là lay động, chèo; là loại hình có nguồn gốc từ hát bội). Các vai đóng giả ngư phủ được xếp theo đội hình chèo thuyền.

Lễ hội cầu ngư còn gọi là tục giỗ ông Nam Hải, tức thờ cúng cá voi (cá ông). Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, trở thành một hiện tượng văn hoá đặc trưng của ngư dân vùng biển. Ảnh: VGP/Thế Phong 

Đội có từ 18 đến 20 người, có nơi có từ 24 đến 26 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoan mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng điều, đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, có tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có hình rồng vàng, còn chéo quân (con trạo) dài 1,2m sơn hai màu đen, trắng.

Khi hát, tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Cùng với sự di chuyển chầm chậm của đội hình múa tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng. Ảnh: VGP/Thế Phong

Người ta thường ca các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh; còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ… Ảnh: VGP/Thế Phong 


Lễ hội cầu ngư là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất miền biển, là hướng đi mới cho ngành du lịch, thủy sản Phú Yên phát triển và hội nhập; khai thác lợi thế biển, đảo kết hợp với phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Về miền di sản cố đô mùa Festival

VnewsTravel - Nhắc đến cố đô Huế, trong lòng du khách đều liên tưởng đến những đền đài, lăng tẩm, cung son lộng lẫy mang dấu ấn của một triều đại phong kiến huy hoàng. Tháng 4 này, đất kinh kỳ tiếp tục trở thành tâm điểm của cả nước khi Festival Huế 2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" diễn ra từ ngày 12 đến 20-4. Du khách đến đây sẽ được sống trong không khí sôi động đầy sắc màu, khám phá những giá trị của một nền văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi vùng đất cố đô này là "lãng mạn Việt Nam". Thiên nhiên, đất trời nơi đây như tranh vẽ, thể hiện sự sắp xếp tài hoa của tạo hóa. Thừa Thiên Huế hội tụ cả núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm phá Tam Giang (cầu Hai) đến sông Hương, núi Ngự, vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền…, giá trị và vẻ đẹp của Huế đã được UNESCO công nhận là "Thành phố Di sản". Nhưng sức hút của Huế vượt xa hơn những gì đã được công nhận.

Đến với Huế, du khách cần phải có một ngày thư thả dạo quanh kinh thành để tận mắt khám phá những dấu tích còn sót lại của một thời vàng son đã qua. Đó là những đền đài, lăng tẩm, cung điện và cũng có thể là tiếng chuông chùa văng vẳng từ xa trong ánh tà dương ửng hồng khiến những bước chân không khỏi nấn ná, bâng khuâng. Hệ thống lăng tẩm uy nghi ẩn chứa nhiều triết lý, tư tưởng sâu sắc của các bậc đế vương nhà Nguyễn. Nếu lăng Gia Long uy nghi trong vạt rừng già trầm mặc, lăng Minh Mạng lộng lẫy thì lăng Tự Đức đầy suy tư thơ mộng, hay lăng Khải Định bề thế dung hợp kiến trúc Đông – Tây… Tất cả đều mang lại những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt. Trong những buổi chiều tà, du khách có thể thả lòng mình bên dòng sông Hương êm đềm với vẻ đẹp như thách thức thời gian, để mọi ưu phiền trôi theo dòng nước.

Lễ đổi gác trong hoàng cung xưa - một trong những hoạt động sẽ được tái hiện trong Festival Huế 2014.

Huế còn được mệnh danh là "Kinh đô vườn". Đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm đềm của cỏ cây, đồi núi, sông, hồ mà nhà vườn là những mảng xanh nhất do con người tạo ra hàng trăm năm nay. Theo thống kê của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây có khoảng 1.778 nhà vườn, nhỏ nhất 400m2 và lớn nhất 8.700m2 nằm ở khu vực: Long Hồ, Ngọc Hồ, Kim Long, Ba Vinh, Vĩ Dạ, Dương Xuân, Lương Quán… với tuổi đời từ 150 – 200 năm. Nhiều nhà vườn đã được chọn là "Những điểm di sản văn hóa" như: An Hiên, Ngọc Sơn Công Chúa, Lạc Tịnh Viên… và những cụm nhà vườn nổi tiếng như Phú Mộng gồm hơn 10 nhà vườn. Ngoài ra, du khách đừng quên ghé chân thăm làng Vĩ Dạ - vốn là nơi cư ngụ của nhiều vương hậu, quý tộc danh sĩ Việt Nam, nơi mà danh sĩ Hàn Mạc Tử đã khắc họa để "Bến sông trăng", "Đây thôn Vĩ Dạ" trở thành "thương hiệu" vĩnh cửu của vùng đất Huế nên thơ; ghé làng Kim Long để nghe kể tích xưa về ngôi làng nổi tiếng vì có nhiều cô gái đẹp được tuyển vào cung. Giờ đây Kim Long vẫn còn đó những biệt thự vườn xinh đẹp mà chủ nhân là những hậu duệ của hoàng tộc triều Nguyễn hoặc những cận thần có dòng máu quý tộc.

Huế còn được xem là kinh đô Phật Giáo, đất "Thiền kinh", một địa điểm hành hương của người Việt. Huế có hơn 500 ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, như: chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Diệu Đế, Phước Thọ Am, Trúc Lâm... Những ngôi chùa thường tọa lạc giữa những khu rừng âm u tĩnh mịch, mỗi ngôi chùa là một công trình nghệ thuật với vẻ đẹp tinh tế, giản dị. Nhã nhạc Cung đình Huế, dấu vết còn lại cuối cùng của âm nhạc cung đình Việt Nam, cũng trở thành niềm tự hào của Huế, được công nhận là Kiệt tác phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003. Nhã nhạc chứa tất cả tinh hoa xu hướng âm nhạc cung đình Việt Nam được thiết lập và phát triển hơn 1.000 năm qua.

Huế có khoảng 88 làng nghề truyền thống, trong đó khoảng 69 làng nghề thủ công. Các làng nghề truyền thống có những đặc trưng rất độc đáo, rất riêng như: làng thêu Thuận Lộc, làng nón Phú Cam, làng rèn Hiền Lương, làng kim hoàn Kế Môn, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, làng đan tre mây ở Bao La, làng hoa giấy Thanh Tiên… Tính cách con người Huế cũng là một điểm thu hút du khách khi đến đây. Giọng Huế nhỏ nhẹ, kín đáo, tiếng "dạ, thưa" rất ngọt ngào của người con gái Huế cùng với tà áo tím tung bay trở thành một trong những đặc trưng của Huế.

Festival Huế lần thứ 8 này sẽ là nơi hội tụ của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới theo chủ trương giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới. Đó là chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và du khách vừa là chủ thể thưởng ngoạn vừa là chủ thể tạo nên lễ hội. Đến đây, du khách sẽ đắm chìm trong không khí lễ hội với những chuyến ngược dòng quá khứ cùng chương trình nghệ thuật "Đêm hoàng cung"; những đêm "Lễ hội áo dài" tiếp tục hứa hẹn tôn vinh nét duyên Huế và vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc. Đời sống sinh hoạt, văn hóa Huế xưa và nay dung dị bên ngoài đời sống hoàng cung sẽ mang lại cho du khách góc nhìn đa dạng hơn về Huế khi Festival mở rộng không gian với các lễ hội "Hương xưa làng cổ" ở Phước Tích, huyện Phong Điền; "chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, huyện Hương Thủy… Bên cạnh đó, còn có nhiều chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử tại Đại Nội, Cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, sân khấu quảng trường trước trường Quốc học Huế… với loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục.

Đến với Huế để khám phá và hiểu về giá trị của một nền văn hóa.
Nguồn: baocantho.com.vn

Ðồng Tháp phát huy tiềm năng du lịch và liên kết phát triển

VnewsTravel - Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, lại thêm hai phần ba diện tích tự nhiên thuộc vùng trũng Ðồng Tháp Mười, Ðồng Tháp được đánh giá là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn lưu giữ nhiều cảnh sắc hoang sơ. Là địa phương có truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm qua hai cuộc kháng chiến, cho nên Ðồng Tháp hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Ðây là điều kiện thuận lợi để Ðồng Tháp phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sông nước - miệt vườn, du lịch cộng đồng...

Khu di tích lịch sử cách mạng Xẻo Quýt (Ðồng Tháp) là điểm du lịch dã ngoại được nhiều người ưa thích. Ảnh: Báo Ðồng Tháp

Liên tục tăng trưởng

Bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng, đang thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước như: Khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Vườn Quốc gia Tràm Chim vừa được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước quan trọng của Quốc tế) thứ 4 của Việt Nam, thứ 2000 của thế giới; Khu di tích văn hóa lịch sử đặc biệt Gò Tháp, địa danh gắn liền với nền văn hóa Óc Eo cổ xưa và vương triều Phù Nam nhiều huyền tích; nhà cổ Huỳnh Thủy Lê gắn với tiểu thuyết nổi tiếng "Người tình"..., Ðồng Tháp còn có nhiều làng nghề nổi tiếng, như làng hoa kiểng Sa Ðéc, gốm xuất khẩu Châu Thành, làng chiếu Ðịnh Yên và các sản phẩm đặc sắc, như nem, quýt hồng Lai Vung, hủ tíu Sa Ðéc, bánh phồng tôm Sa Giang,... Ðồng Tháp còn có nhiều Khu du lịch sinh thái như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, và gần đây là khu du lịch Ðồng sen Tháp Mười mới đưa vào khai thác nhưng thu hút lượng khách đến rất đông.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho biết: Những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã có bước phát triển, doanh thu tăng dần hằng năm, trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Hạ tầng du lịch được đầu tư có trọng điểm, các khu du lịch ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong năm 2013, Ðồng Tháp đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với năm 2012, trong đó khách quốc tế hơn 40.000 lượt, tăng 13,6%, tổng doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tăng 22,7%. Trong quý I-2014, du lịch Ðồng Tháp đã đón hơn 290.000 lượt khách đến tham quan, tăng 16,5%, trong đó có 12.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 48 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo đồng chí Ngô Quang Tuyên, để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các công ty du lịch phối hợp với các doanh nghiệp; các cơ sở lưu trú; các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung các sản phẩm dịch vụ theo hướng an toàn, thân thiện và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu du khách. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2015, ngành tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển du lịch; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá du lịch và tìm kiếm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực và trên cả nước.

Xây dựng sản phẩm đặc thù

Tuy tăng trưởng dần hằng năm, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp, du lịch của tỉnh vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; hiệu quả kinh doanh du lịch thấp, sản phẩm còn đơn điệu; chất lượng phục vụ chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khách lưu trú, nhất là khách quốc tế chưa nhiều so với các tỉnh trong khu vực; quản lý nhà nước về du lịch thiếu tập trung, chưa khai thác nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển du lịch,... Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hoạt động đầu tư cho du lịch cũng chậm đổi mới, chưa tạo được bước đột phá trong chỉ đạo, quản lý và điều hành... để phát triển du lịch trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðồng Tháp xác định, đầu tư cho lĩnh vực này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo trong năm 2014 và 2015, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và lãnh đạo ngành du lịch Ðồng Tháp, một nguyên nhân làm cho du lịch trong thời gian qua chưa phát triển mạnh là do địa phương chưa tiến hành khảo sát, đánh giá lại một cách toàn diện những tài nguyên tiềm năng này; thứ hai là chưa có những định hướng cụ thể trong việc khai thác từng nguồn tài nguyên, từng sản phẩm. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Ðề án phát triển du lịch tỉnh Ðồng Tháp đến năm 2020. Trong đề án này sẽ tập trung giải bài toán về hiệu quả du lịch trong thời gian tới, trong đó có một nội dung rất quan trọng là định vị sản phẩm của từng điểm đến một cách riêng biệt, mang tính đặc thù để phát huy các tiềm năng du lịch của địa phương.

Ngoài một số mặt hàng, sản phẩm đặc thù của địa phương vừa được các bộ, ngành trong nước và các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh như: làng chiếu Ðịnh Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013; bánh phồng tôm Sa Giang và nem Lai Vung được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là đặc sản quà tặng Việt Nam, vừa qua, tại thành phố Ðà Lạt, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng đã tổ chức tôn vinh và trao giải "Top 100 thương hiệu Du lịch văn hóa và điểm đến ấn tượng của Việt Nam" cho Công ty CP Du lịch Ðồng Tháp và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê...

Chúng tôi đến thăm Khu di tích Xẻo Quýt, nằm trên địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp của huyện Cao Lãnh. Mặc dù đã đến đây nhiều lần, nhưng lần ghé thăm này tôi mới nhận ra, bên cạnh sự quyến rũ của vẻ đẹp thiên nhiên với những thân cây tràm hàng trăm tuổi, cao vút được bao bọc bởi hệ thống dây bòng bong xanh rờn, mát rượi, pha chút huyền hoặc của một căn cứ kháng chiến vẫn oai nghiêm tồn tại, là những loại hình dịch vụ mới được đưa vào phục vụ, làm cho du khách rất thích thú.

Phó Giám đốc Khu di tích Xẻo Quýt Trương Quốc Thái cho biết, hơn hai năm qua, để thu hút khách du lịch, ngoài việc giữ gìn nét hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên vốn có, khu di tích còn tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như: cùng nông dân tham gia đan lát các sản phẩm từ cây lục bình; cùng bơi xuồng ba lá đi câu, đặt lờ, lọp, lưới cá; giỡ chà bắt cá; thưởng thức những món ăn chế biến từ chính thành quả du khách thu hoạch được... làm cho du khách càng thêm hứng khởi và để lại nhiều ấn tượng khi đến đây tham quan.

Chia tay Xẻo Quýt, chúng tôi vào sâu trong huyện Tháp Mười. Vừa đặt chân đến Khu du lịch "Ðồng sen Tháp Mười" ở xã Mỹ Hòa, chúng tôi như bị "hút hồn" trước những cánh đồng sen bao la, ngút ngàn nơi đây. Khu du lịch này được hình thành từ ý tưởng của ông Lương Văn Hà, Giám đốc Công ty Say Cheese Ðồng Tháp và những người bạn trong một lần đến tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Gò Tháp.
Tuy mới đưa vào hoạt động không lâu, nhưng Khu du lịch Ðồng sen Tháp Mười thu hút khá đông du khách, trong đó có nhiều du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nhất là vào những ngày cuối tuần. Ðến đây, không chỉ thỏa thích ngắm sen, hít thở bầu không khí thuần khiết, trong lành, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, khó quên như: chè sen, cá lóc nướng cuốn lá sen non, cá rô kho tộ...

Liên kết để phát triển

Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Ðồng Tháp Nguyễn Thị Nga cho biết: Nhằm thu hút ngày càng nhiều lượng khách du lịch đến tham quan Ðồng Tháp, thời gian qua, Công ty CP Du lịch Ðồng Tháp đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với Hiệp hội Du lịch các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với nhiều công ty lữ hành ở miền bắc, miền trung và TP Hồ Chí Minh đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, công ty đã ký kết hưởng ứng các chương trình kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch; ký kết hợp tác toàn diện với Công ty lữ hành Saigontourist; ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch tại Bình Ðịnh, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và gần đây công ty đã ký kết hợp tác với Công ty lữ hành Cao nguyên đá Ðồng Văn... Ðến nay, Công ty Du lịch Ðồng Tháp đã ký kết với hơn 300 đơn vị lữ hành du lịch trong nước và nước ngoài để đón, đưa khách đến tham quan Ðồng Tháp, trong đó có sáu hãng du thuyền đưa khách quốc tế đến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Qua liên kết cho thấy, lượng du khách đến tham quan Ðồng Tháp tăng mỗi năm hơn 20%.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, sản phẩm du lịch đặc trưng của Ðồng Tháp được du khách quan tâm đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch theo mùa với nhiều chương trình ấn tượng như: tua theo dấu chân người tình; sắc xuân Ðồng Tháp; trải nghiệm mùa nước nổi; trải nghiệm làng nghề; đồng sen, ruộng ấu... Ðồng Tháp khai thác rất hiệu quả du lịch ẩm thực sáng tạo, kết hợp hài hòa với từng chương trình mang nét đặc trưng riêng của địa phương làm cho sản phẩm du lịch ngày càng độc đáo, không bị trùng lắp với các sản phẩm của các địa phương khác trong vùng. Du lịch ẩm thực sáng tạo hiện là thế mạnh của du lịch Ðồng Tháp với nhiều giải thưởng cao tại các hội thi ẩm thực trong khu vực.

Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng những sản phẩm đặc thù của địa phương, sự quan tâm việc liên kết, hợp tác nhằm kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để phát triển du lịch là việc làm thường xuyên và cần thiết, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Ðồng Tháp đến với đông đảo du khách.

Khách tham quan khu phục dựng làng cổ xã Hòa An, TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp).
Nguồn: nhandan.org.vn

Tưng bừng khai mạc Lễ hội Văn hóa miền Đông 2014

VnewsTravel - Nằm trong khuôn khổ "Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt," ngày 28/3, Lễ hội Văn hóa miền Đông 2014 với chủ đề “Miền Đông với đại ngàn Tây Nguyên” đã chính thức diễn ra tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).


Đại diện ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đến từ chín tỉnh, thành miền Đông Nam bộ đã tham dự lễ hội gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và bốn tỉnh khách mời gồm Kiên Giang, Tuyên Quang, Gia Lai, Khánh Hòa.

Lễ hội Văn hóa miền Đông diễn ra trong ba ngày với năm chương trình chính gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với sự đóng góp của các đoàn tham gia. Trong đó, Liên hoan Tiếng hát miền Đông chủ đề “Họa mi miền Đông 2014” và Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại “Sắc màu miền Đông” là các chương trình với nhiều tiết mục nghệ thuật khá đặc sắc, cuộc tranh tài sôi nổi giữa các bạn trẻ miền Đông Nam bộ.

Trong khi đó, các chương trình du lịch dã ngoại “Một ngày với Nam Tây Nguyên,” hội ngộ các món ngon miền Đông cũng là dịp quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của vùng đất Nam Tây Nguyên-Lâm Đồng và đặc sản vùng Đông Nam bộ đến với người dân trong vùng và khách du lịch.

Riêng tối 30/3, chương trình “Đêm hội miền Đông” với nhiều nội dung như nghệ thuật đường phố, công diễn các tiết mục xuất sắc Liên hoan Tiếng hát miền Đông, trình diễn Flashmod Tây Nguyên, đêm hội rượu vang sẽ khép lại những ngày Lễ hội Văn hóa miền Đông tại phố núi Đà Lạt./.
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC