Hoa gạo – Những cánh buồm đỏ thắm

Hoa gạo – Những cánh buồm đỏ thắm


Tháng 3 nào tôi cũng nhớ thương hoa gạo, hồi tưởng lại bóng hình mình thuở nhỏ mà thao thức. Hoa gạo trong tôi là “cánh buồm đỏ thắm” của những say mê khao khát một thời.

Lại tháng 3 về. Lại hoa đỏ nở. Hoa gạo.

Nhiều người đắm đuối màu đỏ ấy như nỗi da diết về một thuở ấu thơ, về quê hương, về đường xưa lối cũ, những kỉ niệm với bà với mẹ, với bạn bè, hoặc có khi là một mối tình thơ dại. Riêng tôi tháng 3 nào cũng nhớ thương hoa gạo, hồi tưởng lại bóng hình mình thuở nhỏ mà bàng hoàng, thao thức và dằn vặt. Hoa gạo trong tôi là "cánh buồm đỏ thắm" của những say mê khao khát một thời.

Tôi sinh ra lớn lên trên vùng đồi núi trung du. Dòng sông Hồng chảy dọc quê nhà, song song bến nước. Bên này là đường chúng tôi đi học. Bên kia là đường quốc lộ. Cả hai bên bờ sông đều đẹp như tranh. Làng quê yên ả, non xanh nước biếc. Lúa và hoa màu biêng biếc trong những cánh đồng giữa núi, dòng kênh xanh từ hồ nước lớn men theo thị trấn chảy suốt một dải dài. Một làng quê thật nên thơ, thật đẹp! Bến sông cùng với cây gạo thêm một nét chấm đặc sắc vào bức tranh phong cảnh quê nhà trong kí ức tuổi thơ tôi.

Cây gạo ấy tuổi đã hàng trăm năm, rễ cuộn lên từng khối to như những cánh tay cuồn cuộn khổng lồ. Thân cây không còn gai gai như những cây gạo trẻ, mà trơ trụi và mốc thếch, thỉnh thoảng lại sần lên những cái bướu. Cây sừng sững đứng bên bờ lở của sông Hồng. Vì bờ sông này là bên lở, nên để giữ đất, từ bao giờ thế hệ các cụ kỵ, các ông bà của chúng tôi đã trồng san sát những hàng tre. Suốt dọc bờ sông mà tuổi thơ chúng tôi nhìn thấy là màu xanh mướt rờm rợp như một hàng mi mềm mại, đẹp đắm đuối cả thuở thiếu thời!

Tháng 3 tháng 4 âm lịch, mùa xuân tỏ rõ vẻ đẹp nồng nàn nhất trên quê hương tôi bằng chiếc vương miện đỏ rực trên nền tre xanh. Đó là những chấm đỏ của hoa ban đầu nho nhỏ, lấm tấm rồi lớn dần, cháy rực lên, huy hoàng như một vầng mây. Cây gạo đứng một mình sừng sững trên bến, là cây cổ thụ duy nhất trên suốt một đoạn dài bờ sông. Cũng nhờ có cây mà có tên Bến đò Cây Gạo.


Ngày ấy, mùa đông là mùa mà những đứa trẻ chúng tôi khổ sở nhất. Cũng có khi áo không đủ ấm. Sáng nào cũng dậy sớm thật sớm, lót dạ qua loa rồi đạp xe lóc cóc đến trường. Dòng kênh bên này đường bồng bềnh một làn hơi nước trắng như mây phủ trên bề mặt. Nhìn sang bên kia sông không thấy gì ngoài một màn sương quánh như một khối bông khổng lồ. Bao la màu trắng. Những đường đen trơ trọi nhưng rắn chắc của cây gạo nhô cao, ban đầu vô hình rồi càng gần càng rõ nét trong màn sương là cột mốc của niềm vui, báo cho chúng tôi biết rằng đích sắp đến rồi, trường học đang ở ngay trước mắt!

Đông qua, sương tan dần. Cây gạo thay áo mới. Đối với lũ trẻ rất ham học hỏi, và say mê những bài giảng ở trường, cây gạo đối với chúng tôi là một loài cây hơi kì lạ. Sau mùa rụng lá, lẽ ra phải thay lá thì nó trổ hoa trước, hoa rụng hết rồi mới đến lượt lộc non lấm tấm xanh.

Mùa hoa, tan học, tôi và đứa bạn gái thân thiết nhất thường ghé vào bến đò, lang thang quẩn quanh gốc gạo để ngắm và nhặt hoa. Chúng tôi thấy tò mò vô cùng tận về những cánh hoa sao lại dày đến thế, bông hoa to và nặng, đài hoa rắn chắc, nhụy hoa như một chiếc phễu đỏ thắm với những sợi râu cũng đỏ óng vươn lên. Và lại nữa, những quả gạo, có người nói là có thể làm bông. Những trái gạo lúc nứt tung ra trắng muốt, có lúc rụng xuống như một bông sao băng. Trong những loài cây chúng tôi từng biết, hoa gạo là thứ hoa to và nặng nhất. Trên cây bao nhiêu thứ chim chóc kéo về. Không hiểu sao cứ đứng bên cây gạo là lòng tôi lại trào lên sự tò mò về vạn vật.

Nhưng còn vấn vương lòng tôi hơn nữa, đó là hình ảnh tôi và đứa bạn thân yêu nhặt những bông hoa gạo rụng, ra sức ném thật xa vào lòng sông Hồng, hoặc có khi lại đứng trên thuyền gần bờ mà thả hoa xuống nước. Bao giờ đài hoa cũng chìm dưới nước, chỉ có 5 cánh hoa nổi lên bồng bềnh như một ngôi sao đỏ chói, dập dềnh trôi theo dòng nước. Chầm chậm, chầm chậm, bập bềnh, xa dần.

Chúng tôi đứng trên bến lở, nhìn những cánh hoa trôi đi và nghĩ "Những bông hoa đó sẽ đi đến nơi nào nhỉ? Không biết ở chỗ nào đó cũng sẽ có những người như bọn mình đứng ngắm trên bờ sông và nhìn thấy những bông hoa ấy trôi qua. Họ có nghĩ là có ai đó thả những bông hoa không?" Bởi vì thông thường hoa gạo chỉ rụng ở bờ sông hoặc giỏi lắm là đến mép nước thôi, làm sao có thể đến giữa dòng như thế được. Và chúng tôi rất tò mò nếu ai đó nhìn thấy những bông hoa trôi qua họ sẽ nghĩ như thế nào nhỉ?

Khi chầm chậm quay lưng rời khỏi bờ sông để về nhà, trong tâm trí chúng tôi còn đọng mãi hình ảnh những bông hoa gạo nối đuôi nhau xuôi theo dòng nước. Như thể bông hoa gạo mang theo đôi mắt của tôi, suy nghĩ của tôi.

Tôi hình dung hành trình của bông hoa, nghĩ về chuyện nó sẽ đi qua những làng mạc, những thị trấn như quê mình, rồi nó sẽ đi qua và gặp những người đánh cá trên sông, ở đó có những đứa trẻ con nhà chài lưới không được học hành như chúng tôi, chúng tôi đã đọc về các bạn ấy trên sách báo. Hay là nó sẽ trôi về tận Hà Nội, rồi còn đến những miền xa nào khác nữa ...

Chấm đỏ hoa gạo và hành trình không thể nói trước của nó theo tôi vào cả những giấc mơ tháng 3 tháng 4. Chẳng phải đó là cánh buồm của tuổi thơ và ước mơ tôi hay sao. Chấm đỏ phiêu lưu là ước vọng trong tôi được đi và biết đến những vùng đất mới, những chân trời mới. Quê nhà xinh tươi với bến đò, dòng sông, những quả đồi đáng yêu và bãi chợ, nhưng chúng tôi đã được đọc từ sách vở để biết rằng bên ngoài những quả đồi lúp xúp quê hương, còn có nhiều nơi với nhiều vẻ đẹp phong phú nữa. Cuộc sống rất nhiều điều mới lạ. Và theo cánh buồm đỏ thắm tôi muốn được đi xa để biết nhiều hơn....

Bây giờ tôi đã ngoài 20, cái lứa tuổi rực cháy khát vọng và niềm vui của công việc cũng như tình yêu đương. Tôi sống ở một thành phố lớn. Mọi thứ đến là rộn ràng. Nhưng cây xanh rất ít. Tôi đã xa quê hương tôi rồi. Cuộc sống ở đây năng động và là nơi để người ta sống tràn ngập giữa công việc, các mối quan hệ và thông tin. Tôi sẽ không thể quen được nữa với nhịp đời bình lặng yên ả quá nơi quê nhà với những con trâu ra ruộng, với người nông dân sớm tối như xưa.

Nhưng tôi vẫn có thể sẽ trở về mà vẫn tìm thấy ngay trên quê hương mình nhịp sống mới, vì quê nhà tôi đang từng bước đổi thay. Một cây cầu cong cong xinh đẹp và vững chãi, to như quốc lộ đã bắc qua sông Hồng. Bến đò Cây Gạo cũng như bến đò chợ hay mọi bến đò quanh đó, đều không còn cần thiết nữa. Người dân quê tôi bây giờ làm buôn bán, sản xuất kiêm kinh doanh hoặc làm công chức nhiều hơn. Nhiều gia đình ở quê tôi đã đầu tư mở xưởng sản xuất công nghiệp. Nhiều nông dân quê tôi làm ruộng thì ít mà chủ yếu là trở thành lao động làm thuê.

Nhưng cùng với đó, những nhà nghỉ, quán cà phê đèn mờ cũng đã mọc lên. Những công xưởng có người thành công, nhưng cũng có người phá sản đến tiền tỉ và chục tỉ. Cũng đã xuất hiện những vụ lừa đảo tiền bạc. Những đứa trẻ ở quê tôi giờ không những đã ăn no mặc ấm, nhiều em còn ăn ngon mặc đẹp, và cũng nhiều chuyện vô cùng ...

Cảnh vật quê tôi dù vẫn rất đẹp, nhưng nhiều đổi khác. Cùng với cây cầu mới, những con đường mới và rất nhiều thứ mới, chẳng bao lâu nữa, cuộc sống ở quê tôi cũng sẽ bộn bề và ồn ào đủ những lo toan, không còn là nếp thanh thanh, những tháng ngày trong lành giản dị như khi xưa tôi thơ bé.

Nếu tôi trở về, cuộc sống mưu sinh trên quê hương mình ngày mới, cũng không kém rộn ràng, bận rộn, lo toan năng động như ở các đô thị lớn, chỉ không sôi động bằng, không ồn ã như vậy mà thôi.

Cuốn theo những lo toan cuộc sống, tôi có quên đi chấm đỏ diệu kỳ của những bông hoa gạo sáng bừng lên trong những giấc mơ tuổi thơ, bồng bềnh trôi xa đến những chân trời mới? Cứ mỗi mùa hoa, giữa đô thành tôi lại nhớ về quê hương tươi đẹp, về tuổi thơ thơ mộng và trong lành, giữa biết bao tình yêu thương ấm rực như hoa. Nỗi tiếc nuối trong lòng tôi cũng nặng như một bông hoa gạo nặng nề rơi bịch xuống nền đất bờ sông và nằm lại đó...
Tác giả: KHẾ

Add a Review?

Contact Form

Shipping & Returns

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin từ Sdulich.vn để nhận chương trình khuyến mại mới nhất.

gRS4hNRC